Từ 1983 đến 1985, những vụ mất tích kỳ lạ liên tiếp xảy ra ở nhiều ngôi làng của huyện Thương, quận Thương Lạc, phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nhiều người đi làm thuê trên trấn hoặc lên thành phố mua đồ sau đó biến mất không dấu vết. Đến tháng 5/1985, 37 người đã được báo cáo mất tích.
Đỗ Trường Thanh, hơn 40 tuổi, là một trong số đó. Ngày 16/5/1985, Thanh dậy sớm cùng anh trai đi chợ mua thức ăn cho lợn. Sau khi hai người tách ra, Thanh không trở về nhà, gia đình tìm kiếm khắp nơi vô ích.
Chiều tối 27/5, anh trai Thanh lại lên thành phố tìm em. Khi đi qua nhà máy giấy của huyện, anh ta gặp em họ tên Hầu Nghĩa Đình làm nhân viên thu ngân ở đây. Nghe nói Thanh đã hơn 10 ngày không về nhà, Đình chợt nhớ ra hai ngày trước, một người đàn ông cầm phiếu bán rơm lúa mạch trị giá 1,85 nhân dân tệ đến nhận tiền, phiếu ghi tên Thanh. Người đàn ông nói Thanh nợ tiền không trả, anh ta chặn Thanh trên đường và được đưa cho tờ phiếu này.
Ngày 28/5, Đình xác định người nhận tiền là Long Trị Dân, 44 tuổi.
Gia đình Thanh lập tức rình bắt Dân, định đưa đến đồn cảnh sát. Khi họ đang giằng co, một nhóm khác có người thân mất tích cũng lần ra Dân.
Trước đó, ngày 11/1/1985, Khương Tam Hợp cùng vài người khác lên thành phố Tây An làm việc, khi chuẩn bị ra bến xe về nhà thì gặp Dân. Dân nói cần thuê người đào chuồng lợn, một ngày trả 5 nhân dân tệ. Giang nhận việc và đi một mình, sau đó không bao giờ trở về. Anh trai đi tìm Hợp và Dân suốt vài tháng qua, nhiều lần báo cáo với nhà chức trách nhưng không nhận được hồi âm. Ngày 28/5, gia đình Hợp tìm được Dân cùng lúc với gia đình Thanh.
Đôi bên áp giải Dân đến đồn cảnh sát trình báo. Khi bị thẩm vấn, Dân khai vòng vo: "Thanh nợ tôi 20 nhân dân tệ, anh ta đưa phiếu bán rơm lúa mạch cho tôi, sau đó anh ta đi đâu làm sao tôi biết được. Người họ Khương đó đến nhà tôi làm việc mất một buổi chiều, anh ta ngủ lại rồi sáng sớm hôm sau rời đi luôn. Sau đó anh ta có đi đâu không thì tôi không biết".
Hai người mất tích đều có liên quan đến Dân, cảnh sát quyết định tạm giam anh ta rồi đến nhà tìm hiểu.
Dân là kẻ lưu manh, có nhiều tiếng xấu ở địa phương. Năm 1977, hắn từng lừa một phụ nữ tâm thần về nhà, nhốt trên lầu và cưỡng hiếp nhiều ngày trước khi bị phát hiện. Năm 1978, qua người quen giới thiệu, Dân kết hôn với Diêm Thục Hà, bị tàn tật vì bệnh viêm màng não. Cuộc sống của hai người rất khó khăn, thường xuyên không đủ ăn, vay nợ nhiều nhưng không chịu trả.
Sáng 29/5, hai cảnh sát thấy các cửa sổ nhà Dân đều bị chặn bằng gạch nung, tối tăm như hầm ngầm. Nền đất trong nhà có nhiều chỗ giống bị đào xới rồi san lấp lại, thang gỗ lên gác xép có vài vết lốm đốm màu tím đen như máu. Hai gian buồng chất đống đồ đạc bẩn thỉu.
Ban đầu Hà nói "Trong nhà không có gì", lúc sau lại nói: "Có lần mấy người lạ đến nhà tôi, tối ngủ trên giường, tôi nghe thấy tiếng động ở gian ngoài, hôm sau không thấy mấy người đó nữa". Lúc sau, cô lại nói một câu không đầu không cuối: "Tôi giặt quần áo, nước có màu đỏ".
Khi khám xét, cán bộ thôn cho biết nhà Dân có mùi thối hoắc nên hàng xóm láng giềng không ai muốn đến gần. Đội trưởng cảnh sát hình sự nhận ra một loại mùi khác thường trong đó - mùi tử thi.
Tìm kiếm kỹ lưỡng, cảnh sát phát hiện hai thi thể nam giới khỏa thân dưới đống rơm rạ cạnh hầm chứa củ cải. Trong hai thi thể, một người là Thanh, còn người kia không phải Hợp, mà là một thiếu niên 16-17 tuổi. Đội điều tra lập tức phong tỏa hiện trường và bắt Dân.
Trong cuộc khám xét tiếp theo, cảnh sát tìm thấy một thi thể nữ khoảng 50 tuổi giấu trong bao tải đựng đầy phân bón phía sau đống củi.
Việc phát hiện ba thi thể ở nhà Dân lập tức gây chấn động cả vùng. Cảnh sát mang chó nghiệp vụ đến lục soát nhà hắn nhưng không phát hiện được gì mới.
Người trong thôn mách nước rằng ngay phía trước nhà Dân từng có một hầm chứa rau củ, hiện đã được lấp đất để trồng bắp cải. Cảnh sát dùng xẻng đào, phát hiện dưới lớp đất mỏng là lớp lá ngô, bên dưới giấu 8-9 thi thể xếp đan xen chỉnh tề.
Sau khi điều động lực lượng lớn đến khai quật, khám nghiệm hiện trường, đến ngày 31/5, cảnh sát xác định đào được tổng cộng 33 thi thể trong "hố số 3" này.
Nhà chức trách phát hiện "hố số 2" nằm trong chuồng lợn, dài 2 m, rộng một m, sâu 1,5 m, giấu 8 thi thể, được sắp xếp giống "hố số 3" nhưng thời gian tử vong sớm hơn.
Ngày 5/6, một đống xương người được tìm thấy ở độ sâu 50 cm bên dưới tường của nhà vệ sinh. Sau khi đối chiếu, cảnh sát xác định có bốn thi thể và gọi đây là "hố số 1", xét theo thời gian gây án.
Tất cả người dân bị cấm ra khỏi thôn để đợi điều tra. Chỉ trong một tuần, hàng chục nghìn người từ khắp nơi kéo đến ngôi làng để nghe ngóng tin tức.
Vụ án lớn chưa từng có kể từ khi lập nước khiến nhiều lãnh đạo cấp cao quan tâm. Tổng bí thư Hồ Diệu Bang yêu cầu điều tra rõ ràng và thông qua vụ án để kiểm tra những lỗ hổng trong chính quyền địa phương.
Sau khi điều tra từng người trong thôn, cảnh sát phát hiện Dân không có đồng phạm nào khác ngoài vợ. Tổng cộng hắn đã sát hại 48 người, 31 nam và 17 nữ.
Theo cáo buộc từ tháng 3/1983, Dân lang thang khắp bến xe, quảng trường, cửa ngõ ra vào thành phố... vờ giúp mai mối cho những người khuyết tật, tâm thần, hay vờ thuê nhân công với giá cao, bao ăn ở cho những lao động xa quê để dụ dỗ họ về nhà. Dân bảo họ làm việc cho mình, sau đó đợi đến đêm khuya để sát hại khi ngủ say. Chúng chôn thi thể dưới các hố đào sẵn trong vườn.
Riêng năm 1985, Dân đã sát hại 36 người nhưng chỉ cướp được tổng cộng 573 nhân dân tệ và 6 chiếc đồng hồ từ 48 nạn nhân.
Một người đàn ông họ Thiệu ở thôn khác may mắn thoát khỏi bẫy tử thần của Dân. Mùa thu 1984, Thiệu đến thôn của Dân xem phim. Trên đường về, Dân mời Thiệu đến nhà ngủ, nói rằng sáng hôm sau có việc muốn thuê anh ta làm. Thiệu kể rằng nhà Dân có mùi hôi thối hơn cả mùi nhà xí khiến anh ta cả đêm khó ngủ, mấy lần thức dậy hút thuốc, có lẽ vì vậy nên Dân không có cơ hội ra tay. Trời vừa sáng, Thiệu vội vàng rời đi.
Một nạn nhân khác cũng may mắn thoát chết là người đàn ông họ Lưu ở thị trấn gần đó, được thuê đào hầm chứa củ cải, thực chất là "hố số 3". Lưu kể, trước khi đào hầm, Dân đã rải vôi đánh dấu, yêu cầu anh ta không được vượt quá vạch. Khi vô tình đào vượt vạch vôi, Lưu phát hiện một cục xương giống xương người, Dân vội giấu đi, lấp liếm rằng nơi đó là ngôi mả cũ rồi đuổi việc Lưu.
"Nghĩ lại mà sợ, nếu tôi hỏi thêm vài câu nữa, có lẽ sẽ không thể quay về", Lưu nói.
Một trong những vấn đề khiến cơ quan điều tra bối rối là động cơ gây án của Dân. Chuyên gia cho rằng hắn có mục đích rõ ràng là cướp của, muốn có sức lao động miễn phí, đồng thời để thỏa mãn dục vọng, sau đó biến thành "nghiện giết người". Việc sát hại đến 48 mạng người liên tục trong ba năm, sống giữa những thi thể, đổi lấy 573 nhân dân tệ chắc chắn không phải là điều một người bình thường có thể chịu đựng được.
Thời điểm đó, tỉnh Thiểm Tây chưa thành lập cơ quan giám định pháp y tâm thần. Đội điều tra đã mời các chuyên gia kiểm tra cho Dân. Họ tin rằng Dân không có bất kỳ triệu chứng tâm thần nào, hắn phản ứng nhanh và trả lời các câu hỏi rõ ràng, thậm chí thuộc dạng thông minh.
Giải thích về việc giặt sạch quần áo của nạn nhân để mặc, Dân cho rằng người chết không cần quần áo, giặt sạch rồi sẽ không có mùi. Hắn cắt tóc nạn nhân vì nghe nói tóc sẽ không phân hủy, sau này cảnh sát có thể tìm ra nạn nhân là ai qua tóc. Tuy nhiên, hắn lại giữ tóc của họ để bán lấy tiền.
Dân lý giải việc chỉ cướp được 573 nhân dân tệ với 48 mạng người: "Người có tiền sẽ không lừa được, những người bị lừa lại không có tiền".
Ngày 30/8/1985, Dân và Hà bị truy tố về tội Cố ý giết người. Ngày 20/9, cả hai bị kết án tử hình tại buổi tuyên án công khai ở sân vận động chật kín người xem. Bản án được thi hành vào ngày 27/9.
Tòa dán bản tuyên án công khai nhưng chỉ có ba tờ, trước mỗi tờ đều có công an canh gác, người dân chỉ được phép xem chứ không được ghi chép hay chụp ảnh. Bản tuyên án cũng chỉ được đăng nửa tiếng rồi bị gỡ xuống. Chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ việc rò rỉ thông tin về vụ giết người của Long Trị Dân và ngăn cản phóng viên đưa tin. Một cảnh sát tiết lộ đây là chỉ đạo của cấp trên để giảm tác động của vụ án.
Cuộc điều tra của Bộ Công an cho thấy, vụ giết người kéo dài ba năm mà không ai phát giác của Long Trị Dân là do sự tắc trách nghiêm trọng của cơ quan công an địa phương. Chính quyền thiếu sự quan tâm khi có số lượng lớn người mất tích.
Anh trai Hợp đã ba lần trình báo em mất tích sau khi đi cùng Dân nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, Dân sát hại thêm hai người nữa. Nếu cơ quan chức năng chú ý đến báo cáo của anh trai Hợp và xử lý kịp thời, có lẽ Dân đã bại lộ sớm hơn và hai nạn nhân cuối cùng không bị hại.
Ngoài ra, trong ba năm chồng phạm tội, Hà từng nhờ chú viết đơn ly hôn gửi các ban ngành liên quan. Bên cạnh việc tố cáo Dân ngược đãi cô, trong đơn còn tiết lộ một số tình tiết phạm tội của hắn. Tuy nhiên, lá đơn không được xem xét cẩn thận.
Tuệ Anh (Theo Zhihu, 163, CPD)