Văn nghệ sĩ Trung Quốc sẽ bị đưa về nông thôn như thời Mao Trạch Đông. Theo một văn kiện chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc được Tân Hoa Xã trích dẫn ngày 02/12/2014, « Tổng cục đặc trách báo chí, đài phát thanh, truyền hình và phim ảnh Trung Quốc sẽ tổ chức đưa những người hoạt động trong ngành về nông thôn xa xôi và các khu hầm mỏ để tìm hiểu theo cơ sở ba tháng một lần ».
Chính sách này được công bố sau khi một số tác phẩm nghệ thuật, vào giữa tháng 10, bị chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê phán là « thô tục ». Giới văn nhân nghệ sĩ được kêu gọi phải sáng tác theo « giá trị xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân »
Cụ thể, những nhà đạo diễn, phóng viên, phát thanh viên, nhà báo hướng dẫn chương trình truyền hình sẽ phải sống chung với « quần chúng » thuộc các sắc tộc thiểu số, ở những vùng biên giới xa xôi mà chỉ thị của đảng nhấn mạnh là những địa danh lịch sử đóng góp vào chiến thắng của đảng Cộng sản năm 1949.
Mục tiêu « cải tạo » này là giúp cho văn nhân nghệ sĩ tìm nguồn cảm hứng sáng tác « đúng quan điểm về nghệ thuật và tạo ra nhiều đại tác phẩm ».
Giới quan sát nhìn ra dụng ý của lãnh đạo Trung Quốc. Theo AFP, giáo sư chính trị Hồng Kông Joseph Cheng thì đây là lần đầu tiên từ sau cuộc « cách mạng văn hóa » của Mao Trạch Đông, một chiến dịch « chỉnh đốn tư tưởng » theo kiểu Mao được phát động tại Hoa lục. Mục đích thật sự của chiến dịch này là nhằm tiêu diệt những tiêng nói chỉ trích Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã gia tăng chính sách kiểm duyệt, trấn áp công dân từ khi lên cầm quyền năm 2012.
Trung Quốc áp đặt hệ thống kiểm duyệt khắc khe trên mọi tác phẩm nghệ thuật bị xem là nghi ngờ là xem thường quyền lực của chế độ. Trong số những nghệ sĩ phải trả giá nặng là Ngải Vị Vị.
RFI