Truyện Ngắn & Phóng Sự
Truyện ngắn Phạm Thành: Hậu ngự thiện
khi thở ra, hít vào; bằng lỗ đít, khi ị; bằng cặc, khi đái ở đàn ông; bằng lồn, khi đái ở đàn bà…Tôi nhất định nói thế. Văn minh là sự vật nào phải gọi đúng tên sự vật ấy. Bản thân ngôn ngữ không có màu, có mùi. Tôi rất ghét cái lối: ăn thì bảo là ngự thiện, đi lại, nhìn ngó đâu đó, gọi là thăm quan, ngự lãm; đến cái thời Cộng sản này, dân đói rả họng ra thì nói tình hình khó khăn, cái bệnh tả thì gọi là tiêu chảy cấp
Truyện ngắn Phạm Thành: Hậu ngự thiện
Con người là một Tiểu vũ trụ, thông giao với Đại vũ trụ bằng mồm, khi ăn, nói; bằng mũi,
khi thở ra, hít vào; bằng lỗ đít, khi ị; bằng cặc, khi đái ở đàn ông; bằng lồn, khi đái ở đàn bà…Tôi nhất định nói thế. Văn minh là sự vật nào phải gọi đúng tên sự vật ấy. Bản thân ngôn ngữ không có màu, có mùi. Tôi rất ghét cái lối: ăn thì bảo là ngự thiện, đi lại, nhìn ngó đâu đó, gọi là thăm quan, ngự lãm; đến cái thời Cộng sản này, dân đói rả họng ra thì nói tình hình khó khăn, cái bệnh tả thì gọi là tiêu chảy cấp, của cải của bọn nhà giầu, bọn độc quyền, tư bản đỏ lại bảo là của cải của nhân dân… Tôi cho rằng, cách gọi trên, bản chất là sự bịp bơm, lừa dối, ăn cắp – ăn cắp sự thật, cưỡng hiếp sự thật, xuyên tạc bản chất của cuộc sống… Với tôi, đã là kẻ ăn cắp, lừa dối, kẻ cưỡng hiếp thì không có chỗ cho đạo đức nằm lòng. Nhưng than ôi, ở quê tôi, kẻ cắp và người ngay, trí thức và vô học, sáng tạo và copy…đều như phân người và phân đười ươi trộn lẫn mất rồi. Ai biết đâu là phân người, đâu là cứt chó, và ai sẽ là người chấn hưng sự thật đây?
Ấy, tôi lạc đề mất rồi. Tôi đang nói về cái Tiểu vũ trụ và Đại vũ trụ. Cái Tiểu vũ trụ là con người. Còn cái Đại vũ trụ, ở quê tôi, tức là cái đủ rộng, đủ to để chứa cái sự thông giao đằng ra của con người – có thể là đất trời mênh mông khi ta làm “quận công” ở giữa đồng, nhưng cũng có khi lại nhỏ hẹp hơn, khi ta thông giao trong cái nhà xí. Không có khi gì nữa, từ điển tiếng Việt ghi rành rành là nhà xí. Chân lý rồi. Con người ta ăn là quan trọng – “Dĩ thực vi thiên”- nhưng không có đường thoát ra, cũng là một con đường phát triển đi vào cõi chết; nên sông núi mênh mông kia, cánh đồng mêng mông kia, ruộng lúa, ruộng ngô, ruộng lạc mênh mông kia… cũng chỉ quan trọng ngang cái nhà xí. Chân lý rồi. Nó nhất định là một vế của phương trình: một cộng một bằng hai; hai chia hai bằng một; một trừ một bằng không; v.v…
Có lẽ vì hiểu tường tận cái chân lý vừa đơn giản, vừa sâu sắc này, nên sinh thời có người, hễ đi thăm cơ quan, xí nghiệp nào, bao giờ người cũng thăm nhà ăn, rồi kế tiếp đến thăm nhà. Chân lý rồi. Sách vở thời nay ghi nhiều rồi. Cũng bởi từ cái tác phong sâu sát, quan tâm số một đến cái sự thông giao vĩ đại giữa người và trời đất này, mà có thời Đại Việt ta đã phát động chiến dịch cả nước làm nhà xí.
Quê tôi, một làng nhỏ của nền văn minh, Dân chủ, Cộng hoà, cũng được nghị quyết soi tới.
Bạn biết nhà xí và lịch sử nhà xí ở quê tôi như thế nào không? Tất nhiên rồi, nó thường được xây dựng ở góc vườn, trong khuôn viên đất của mỗi nhà. Thường, người quê tôi chỉ đào một cái hố hoặc đắp một ụ đất để hổng ở giữa, sau đó cắm bốn cột tre ở bốn góc, dùng bao tải rách hoặc tàu lá chuối khô nối chúng từ cọc nọ đến cọc kia bao quanh mà thành. Có dạo, phong trào nhà nhà làm nhà xí ở quê tôi cũng rầm rộ lắm. Đó là cái nhà xí, có tên gọi là bán tự hoại, xây bằng gạch, có hai ngăn, được thế giới ghi nhận là sáng kiến vĩ đại. Nhưng do gạch thiếu than đốt, nên non, xi măng phần nhiều là đất sét, nên nhà xí thuộc sáng kiến vĩ đại này, chỉ sử dụng được dăm bẩy năm, rồi hỏng. Thành ra, ở quê tôi bây giờ, tức là năm hai nghìn linh bảy, vẫn sử dụng nhà xí truyền thống, tức là nhà xí có bốn cái cọc cắm ở bốn góc và lá chuối khô, bao tải rách vây quanh.
Nhà xí kiểu này, nắng, mưa tuỳ ý “hỏi thăm”. Nắng “hỏi thăm” thì hôi thối bốc mùi. Mưa “hỏi thăm” thì lênh láng, nhức mũi.
Một ngày nắng. Tôi ngồi ở trong nhà xí bên này, bỗng nghe nhà xí bên kia hàng rào, tiếng cụ Đản cười lên sằng sặc. Tôi cũng đang ở đoạn “cao trào”, đành đưa tay lên miệng, bịt chặt cái lỗ cười lại. Nhờ đó mà cả một đoạn “quá khẩu” của tôi phọt nhanh xuống hố xí. Chẳng phải đang ở đồng, cũng chẳng phải đang làm “quận công”, tôi cũng cảm thấy bụng mình nhẹ nhõm. Tôi vén mảnh bao tải – lá chắn của sự xấu hổ – nhìn sang nhà xí nhà cụ Đản, nhờ có gió từ sông Cầu Chày* thổi ào qua, mấy cái tàu lá chuối khô che nhà xí nhà cụ Đản bay lên, lạo xạo, thấy cái đầu gìà lơ thơ tóc, thấy hai má già đang hóp lại, biết đích xác cụ Đản cũng đang “tống cựu” như tôi. Nhưng tại sao đang “tống cựu” mà cụ Đản lại cười? Ăn, ỉa là chuyện bình thường của con người và một xã hội văn minh luôn phải phấn đấu và cũng mang tinh thần giai cấp hẳn hỏi. Có thể từ phế thải mà bọn chó săn biết được chủ nhân của nó thuộc loại người nào, giai cấp gì. Nhất định rồi. Nhưng khi ăn, người ta có thể cười. Còn khi ỉa thì hiếm có đấy. Ở cái tuổi ngoài bẩy lăm, cười được ở nơi mình ỉa, cũng là một chuyện lạ. Tôi tò mò ngẫm nghĩ. Tôi tò mò nhìn sang, một lần, hai lần, ba lần. Không thể lý giải được, tại sao cụ Đản lại cười? (Hay cụ Đản vừa chợt nhận ra ý nghĩa lớn gì chăng?). Người ta thường có ý nghĩ lớn khi đi đường mà. Ai đó đã khẳng định: “Có khi ý nghĩ lớn/ Vụt đến lúc đi đường”.
Tôi dám liên tưởng thế, không phải tôi là cái thằng liều hay có tật, cứ thấy người sang là quàng vào cho cụ Đản đâu. Bạn đọc của quê tôi – những người có học, có văn hoá hay như là tiến sĩ, giáo sư, … – thông cảm, vì cụ Đản là người khả kính nhất quê tôi. So sánh họ phải so sanh trong đại lượng tương đương mới ra mùi, ra vị…
Khả kính vì, đã ngoài bẩy lăm tuổi nhưng cụ không thèm để râu ria. Tôi dám cá với bạn đọc là, nếu cụ Đản để râu ria, thì trên mép cụ, cằm cụ, râu ria sẽ dài ra và ai ai cũng có thể nhìn thấy: râu cụ đã bạc, và là râu ba chòm, rất giống nhân vật lý trưởng như ta thường thấy trên ti vi. Cụ không để râu ria là vì tự cụ vẫn còn nhớ, hồi cụ còn ở tuổi thanh niên, được mấy người quen rủ cụ đi làm cách mạng. Cái việc đầu tiên họ thử thách lòng trung kiên của cụ là cụ có dám cắt cái búi tó củ hành lủng lẳng ở sau gáy đi không. Cụ đã đồng ý cắt và cụ trở thành người của cách mạng từ khi đó.
Khả kính thứ hai, cụ đã là người có chức vụ cao nhất ở quê tôi. Kỳ lĩnh lương hay thụ hưởng chính sách nào của Nhà nước, cụ luôn là người được lĩnh nhiều nhất. Cụ cũng rất tự hào về điều này.
Khả kính thứ ba, dân quê tôi vẫn còn nhớ, cụ là gia đình gương mẫu đầu tiên ở quê tôi làm nhà xí bán tự hoại. Nó to gần bằng cái điếm canh đê thời còn Tây đô hộ.
Nhưng, trên hết sự khả kính kia là, vào những năm bảy mươi, cụ là người đầu tiên ở quê tôi có cái ra-đi-o (người quê tôi gọi là cái đài) hiệu XiongMao. Trời ơi! Cái ra-di-o hiệu XiongMao to đúng bằng cái tráp cắt tóc của những người chuyên đi cắt tóc rong, thường treo ở bụi tre đầu làng khi hành nghề. Đi đến đâu, tiếng ở trong cái “tráp” đó vang lên oang oang, cứ như là lệnh vỡ. Khiếp lắm! Khiếp nữa là đi đâu, XiongMao cũng kè kè bên hông cụ. Thấy mặt cụ là thấy niềm tự hào, thấy cái bánh đa nướng đang cong lên, vênh vang, lốp xốp, xeng xeng,… kiêu hãnh cứ như cụ và rađio không thể tính giá trị bằng tiền được. Cụ xứng đáng là nhà cách mạng, đứng đầu quê tôi. Trong tâm trí của dân chúng quê tôi thì cụ chẳng khác gì một quyền năng tối thượng.
Quê tôi đã qua nhiều phen sóng gió, đặc biệt là ở cải cách ruộng đất, nên đồng bào lại càng thêm khiếp cụ. Người ít tuổi hơn cụ, gặp cụ, kính cụ đã đành, người hơn tuổi cụ, gặp cụ cũng phải ngã nón kính cụ rồi run rẩy như gặp kẻ sát nhân máu lạnh.
Ở đời, có người sống một đời cốt chỉ để cho người ta sợ, cũng là một nhẽ được, như Cộng sản đấy. Có người sống cốt cho người ta kính, cũng là một nhẽ được, như mấy cái pho tượng thờ trên chùa. Nhưng cụ Đản ở quê tôi thích cả hai.
Kính chứ? Cụ là lão thành cách mạng mà lại. Hồi cụ còn công tác ở chính quyền; từ quê tôi lên trụ sở chính quyền cách những mấy chục cây số, nên chỉ thứ bảy cụ mới cùng ra-di-o về làng. Đến nhà cụ để thưởng thức tất cả âm thanh từ cái ra-di-o phát ra chỉ có người lớn, phần nhiều là đàn ông, mới dám đến. Mẹ tôi nghe nói cái ra-di-o của cụ phải mua bằng tiền bán mấy tấn thóc, như nhà tôi mươi người phải nhịn ăn vài năm mới mua nổi, thì run bắn người lên.
Một bận, mẹ tôi cũng đánh bạo đến nhà nhà cụ Đản, ngày thứ bảy, để nghe ra-di-o, nhưng chỉ dám ngồi bên rìa bờ sân, xa cái đài những hai, ba chục mét. Hôm sau, mẹ tôi ngơ ngẩn cả một ngày, mấy lần mặt thất sắc, môi ghé vào tai chị tôi thì thầm: “ Tài thật! Nó giống như cái tráp cắt tóc của những người đi cắt tóc rong mà nói, hát suốt cả ngày không biết mệt?”. Chị tôi, tuy đang học lớp bảy, cũng không biết mô tê gì, chỉ tròn mắt ngạc nhiên, nhìn lại mẹ.
Sự đáng kính sau hết của cụ Đản, còn là vì cụ đã sinh ra anh Đoàn. Anh Đoàn, những năm sáu mươi, mới học lớp sáu, lớp bảy gì đó, thường ra đồng chăn trâu bò với chúng tôi. Nhờ anh mà chúng tôi biết đến sự vĩ đại. Anh nói, vĩ đại không phải là cái đuôi, cái cánh lớn mà nó là cái to của sự to, cái lớn của sự lớn. Trong cái to của sự to ấy, cái lớn của sự lớn ấy là đảng ta, đảng ta vĩ đại thật. Anh Đoàn giải thích, vì chỉ có đangr ta mới có quyền bắt người, giết người; mới có quyền cho ai sống thì được sống, ai chết thì phải chết.
Anh Đoàn nói đúng quá! Bác giáo Mai nhà tôi, góp công, góp của cho cách mạng, chẳng biết bao nhiêu mà tính. Đến khi cách mạng thành công vẫn bị cụ Đản cho đi tù chín năm. Ông chú tôi nếm mật, nằm gai đủ kiểu mới xây dựng được đội vũ trang đánh Nhật, đánh Pháp, phá kho thóc của chúng, cứu sống biết bao người. Rồi chính đội vũ trang của ông bao vây phủ huyện, bắt tri huyện, giành chính quyền về tay nhân dân. Thế mà vẫn bị cụ Đản và bọn đàn em bắt qùy trên gai mít, đấu tố, đấm đá, rồi đem chôn sống. Nếu cụ Đản và đám đàn em của cụ không phải là hạt nhân của sự vĩ đại thì làm sao có thể, mới hôm qua còn ngọt miệng cảm ơn người ta, đồng đồng, chí chí mà sáng ngày sau đã lại trói gô người ta và đem đi chôn sống? Người bình thường, có trái tim con người, không ai có thể thay đổi trắng đen nhanh chóng và tàn nhẫn đến như vậy được?
Nhận xét này mãi sau mấy mươi năm làm người, tôi mới nhận ra, nhất là khi thấy cụ Đản có dấu hiệu đi theo cụ Các Mác, Lenin và các vị cách mạng đàn anh khác, vì lúc này, mỗi ngày cụ phải đi ỉa tới mấy lần và theo cứt tống ra, bao giờ phân của cụ cũng kèm theo một ít máu tươi.
Đó là chuyện của bây giờ. Còn lúc ấy, anh Đoàn vẫn là người khai sáng cho chúng tôi. Nhờ anh mà chuyện làm ăn, chuyện chính trị, chuyện trên trời, dưới đất, chuyện trong nước, ngoài nước, chuyện gì chúng tôi cũng biết, đặc biệt là cái sự vĩ đại. Thật một trăm phần trăm đấy. Những trưa hè nóng bức, anh thường cầm đầu đưa chúng tôi ra sông tắm; hoặc chiều chiều anh đưa chúng tôi đi đánh trận giả trên bờ đê sông Cầu Chày. Hễ anh bắn được một thằng Mỹ giả nào, anh lại hùng hổ hô vang: “Bọn bay đảng ta ta vĩ đại thật”. Bọn tôi bắt chước anh cũng hô vang theo: “Vĩ đại. Vĩ đại. Muôn, muôn năm”.
Mà không phải chỉ có trưa hay chiều đâu nhá, những đêm mùa đông giá lạnh, đường thôn quê ngoằn nghèo, vắng vẻ, đi sinh hoạt đội về, anh luôn cao hứng hát những bài có từ đảng ta. Đêm khuya nghe anh hát, cứ tưởng như đảng ta đang xua tan đêm tối.
Bọn trẻ chăn trâu, chăn bò chúng tôi cảm ơn anh Đoàn nhiều lắm! Đứa nào cũng muốn chơi với anh, thầm tin anh mai này sẽ là một lãnh tụ vĩ đại, chỉ sau cụ Đản.
Anh Đoàn vẫn thường căn dặn chúng tôi:
- Bọn bay đảng ta là cái to của sự to, vĩ của sự vĩ. Vĩ đại lắm! Bọn bay thuộc chưa. Cái sự vĩ đại ấy mà giáng xuống đâu thì lửa khói ở đó đều tung lên mù mịt, núi sông chao đảo, người người lao đao, chết như ngã rạ.
Quê tôi, chỉ mình nhà anh là có cái đài, nên anh Đoàn nói cái gì cũng đúng, bọn tôi tin sái cổ. Có đứa nịnh anh Đoàn, giả vờ hỏi :
- Nó có to bằng cái núi Nội (Tên một núi ở huyện Yên Định), không anh?
Quê nhà tôi, núi Nội là cái núi to nhất. Bọn trẻ chăn trâu, chăn bò thường xuyên rủ nhau trèo lên núi Nội chơi, nhưng chỉ mới đặt chân lên đỉnh núi mà chưa một lần hạ được chân xuống chân núi phía bên kia, vì còn phải lo trèo xuống nơi xuất phát để đưa trâu bò về nhà, kẻo trời tối mất. Nó to đến thế. Bọn tôi chỉ mong anh Đoàn nói đảng ta to gần bằng cái núi Nội, cũng là khiếp quá rồi! Nhưng không, anh Đoàn phồng mang, trợn mắt nhấn mạnh:
- Ăn thua gì! Núi Nội chỉ bao quanh vùng Định Hoà. Vùng Định Hoà lại lọt thỏm trong vùng to hơn Định Hoà là Yên Định. Yên Định lại nằm lọt thỏm trong vùng to hơn Yên Định là Thanh Hoá. Thanh Hoá lại nằm lọt thỏm trong vùng to hơn Thanh Hoá là Khu Bốn. Khu Bốn lại nằm lọt thỏm trong vùng to hơn Khu Bốn là miền Trung. Miền Trung lại nằm lọt thỏm trong vùng to hơn miền Trung là Trung Trung bộ… Ngay rộng lớn như nước ta đây, rừng vàng, biển bạc, xóm làng bát ngát mênh mông, cũng nằm lọt thỏm vào Trung Quốc, Liên Xô. Ăn thua gì! Đảng ta vĩ đại lắm! Không thể đo, tính được đâu. Cái núi Nội, một xã ôm không xuể, thì cả huyện, cả tỉnh, cả nước xếp thành một vòng tròn mà ôm, kín ngay, to gì!
Đứa khác nịnh anh Đoàn, hỏi tiếp:
- Thế đảng ta có vĩ đại bằng dãy núi Trường Sơn không anh?
Anh Đoàn ngần ngừ một lúc rồi lắc đầu:
- Trường Sơn cũng chưa thể bằng. Trường Sơn chạy từ nước Lào, bé tí, đến đâu “Quảng Bình quê ta ơi”, là hết. Bằng gì? Bác Hồ còn bảo cần thì dãy Trừơng Sơn, đảng ta cũng đốt kia mà. Bằng làm sao được.
- Thế đảng ta phải to bằng thế giới, vũ trụ, anh Đoàn nhỉ?
Anh Đoàn căng họng lên, khạc khạc và nhổ ra một cục nhớt nhầy nhầy, hầm hầm:
- Bọn bay ngu lắm! đảng ta vĩ đại là tất cả. To hơn tất cả. Trùm lên tất cả. Thế giới, vũ trụ, ăn thua gì.
Thấy anh Đoàn hằm hằm, bọn tôi sợ quá, nhưng có đứa vẫn cố nịnh:
- Ai bảo với anh là đảng ta trùm lên tất cả?
- Đài ta nói mà lại. Đài ta suốt ngày nói: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói đảng ta vĩ đại thật. Ghê gớm đến thế kai mà. Mày học lịch sử lớp ba mà không nhớ à?
Đài nói thì phải tin rồi. Bọn tôi chỉ có cách câm lặng để mà tin. Mà không tin thì đài nói – tiếng từ không trung xa xôi rót vào tai – không tin cũng không có cách gì cải lại được.
Một lần, làng tôi xì xào chuyện đế quốc Mỹ rất tài giỏi, đã đưa được người lên Mặt Trăng, lại còn bốc đất đá ở đó đem về Trái Đất nữa. Anh Đoàn nhất định không tin, huấn thị lại chúng tôi:
- Làm đéo gì mà bọn Mỹ lên đó được? Chúng nó đi bằng cái gì? Máy bay của bọn hắn ném bom Việt Nam ta còn bị nông dân Việt Nam bắn rụng như sung rụng, có cái hết xăng còn đâm sầm vào núi bốc cháy, nữa là lên Mặt Trăng, mấy nghìn cây số. Có khi là bọn phản động tuyên truyền, không biết chừng. Mà tao đã nghe đài ta nói đâu, bố tao nói đâu? Bố tao chưa nói, đài ta chưa nói là chưa thể tin được.
Truyện ngắn Phạm Thành: Hậu ngự thiệnHoan hô anh Đoàn. Bố anh chưa nói, đài ta chưa nói. Mỹ tài giỏi hơn ta chỉ là luận điệu của địch. Tối hôm đó, anh Đoàn mượn cái alô, rủ bọn tôi trèo lên cây xoan cao ở giữa làng, loa loa cho dân chúng biết, tin Mỹ đi máy bay lên Mặt Trăng là tin phản động. Sướng thật!
Bận khác, khi đài phát thanh kể chuyện, các nhà khoa học của đảng ta có sáng kiến vĩ đại, dùng phân trâu, phân bò làm thức ăn chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt, rất hiệu quả. Ngay ngày hôm sau, anh Đoàn đã khảng định:
- Đó là chuyện bình thường của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ăn thua gì. Ở bên Trung Quốc, Liên Xô, người ta đã chế tạo được một cái máy có tên gọi là Mưu sinh vạn năng. Cái máy đó vĩ đại lắm. Nó giúp người ta cứ ăn, rồi khi ỉa, cứ ỉa vào đấy, máy hoạt động một lúc, lại ra thức ăn cho người. Tuyệt diệu không? Đó mới là sáng kiến vĩ đại. Mỹ đưa người lên Cung Trăng, ăn thua gì?
Bọn tôi thích lắm, sung sướng lắm! Cứ sau bữa cơm, khi bụng vẫn còn đói, lại nhớ đến Trung Quốc, Liên Xô.
Có đứa háu ăn đem chuyện cái máy Mưu sinh vạn năng của Trung Quốc, Liên Xô kể cho bố mẹ nó nghe. Hôm sau, má có đứa sưng lên như bánh đúc, mếu méo mách với anh Đoàn.
Anh Đoàn sờ sờ cái má sưng tím của đám đàn em, chắc anh cũng đau lòng, cổ họng anh lại to như sợi thừng buộc trâu bò, gầm lên:
- Nhà mày ngu lắm! Đài ta vừa nói tối qua xong. Nhà mày không tin đài ta là nhà mày phản động. Điên tiết, tao bảo bố tao gô cổ cả nhà mày lại bây giờ.
Ở quê tôi, đám con cháu nhà bác giáo Mai còn nhiều, nên chỉ nghe anh Đoàn dọa thế, cũng đã sợ dúm cả lại.
Anh Đoàn doạ thế, nhưng ơn trời là anh chưa làm. Anh chưa đến lúc để được giao trách nhiệm làm cái việc ấy. Cụ Đản giao cho anh phải ăn học thành tài, đi Trung Quốc, Liên xô kiếm thật nhiều cái máy Mưu sinh vạn năng về cho quê tôi. Nhưng, đấy là chuyện ở một đoạn khác trong đời anh. Còn ở cái đoạn này, ngày ngày anh vẫn cùng chúng tôi đi chăn trâu, chăn bò ngoài bãi sông. Những khi Hè về, đồng không mông quạnh, nắng như đổ lửa xuống mặt đất, hơi nóng bốc lên hầm hập, anh vẫn cùng chúng tôi “đội trời” ra sông tắm. Tắm xong, anh Đoàn lận túi, bốc ra một nắm ớt chỉ thiên. Anh sai bọn tôi lần theo mép bờ sông nhổ những cụm rau má cụ. Rau má cụ, củ to bằng quả ớt chỉ thiên. Nhổ xong, chúng tôi đem “rau má cụ” xuống sông, rửa quáng quàng. Sau đó, “rau má cụ” được chúng tôi dùng tay quấn tròn quả ớt chỉ thiên lại, ngoằm ngòm tống cả vào mồm, nhai nghiến ngấu như những con ma đói. Trời ơi ! Cái miệng của mỗi đứa chúng tôi còn nóng hơn cả mặt trời đổ lửa. Anh Đoàn ra lệnh: cấm được nhăn mặt, chảy nước mắt; cấm được uống nước sông, nên không có cách gì làm cho cái miệng đỡ nóng, bọn tôi đều phải đưa tay lên bịt chặt lấy miệng, vừa nằm, vừa lăn đi lăn lại trên bờ sông, không khác gì một con chó động dại. Mồ hôi đứa nào đứa nấy túa ra, đầm đìa. Nhưng, sau cái nóng, chúng tôi cũng nhận thấy cái vị mát, bùi của rau má lan toả trong lưỡi, trong mao mạch. Ấy thế mà, sau miếng thứ nhất, chúng tôi, đứa nào cũng hăm hở ăn miếng thứ hai, thứ ba; ăn đến khi bỏng môi, rộp lưỡi mới thôi. Chẳng phải chúng tôi ăn vào thì nghiện ngay mà là do bụng trẻ em ở nông thôn lúc nào cũng rỗng tếch. Cũng có thể nói, nhờ mẹ cha cặm cụi trên đồng ruộng, bọt bèn hạt gạo, hạt vừng và nhờ ăn rau má quấn ớt chỉ thiên mà chúng tôi đã lớn dần lên. Bây giờ, ngẫm lại, thấy muốn ăn một bữa rau má như thế. Thèm. Có người nói, cái vị bùi, đắng, ngọt của rau má và cái vị cay nóng như xé lưỡi của ớt chỉ thiên đã làm nên phẩm chất anh hùng của lớp thanh niên thời chống Mỹ chúng tôi. Quê tôi có biết bao người đi bộ đội. Hết chiến tranh chống Mỹ, anh hùng liệt sĩ có nhiều lắm. Có dạo, lễ truy điệu cứ diễn ra liên miên. Anh nào hy sinh cũng kèm theo chiến công hiển hách. Họ đúng là những người từng nếm mùi khổ cực, cay đắng từ khi còn nhỏ tuổi, nên lúc trong quân ngũ đã thực hiện đúng lời dạy của cụ Đản: “ Một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”. Lời cụ Đản vĩ đại quá, trung trinh quá, hào hùng quá, trúng tim óc lũ trai trẻ quê tôi quá! Cụ kiên quyết đem máu xương con em mình nhuộm đỏ non sông để giành về sự độc lập cho dân tộc. Ghê gớm quá! Sắt máu quá! Điên cuồng quá! Tang thương quá! Vâng. Nhưng đây là cảm giác của ba mươi năm sau. Còn lúc đó, cái huân chương trên ngực, cái màu cỏ non xanh trên mộ, như một chất kích thích, giục dã lũ thanh niên chúng tôi lao vào, quyết một đời phải có huân chương trên ngực.
Tôi không được cụ Đản ban cho cái vinh hạnh đó. Nó là số phận tôi. Như quả ớt chỉ thiên bé như cái đầu tăm sót lại trên cành khô lá héo trên cây ớt đã qua mùa sinh trưởng. Cũng là ở cụ Đản vĩ đại mà ra. Cụ Đản kiên quyết không cho tôi có cơ hội để được “xanh cỏ” hoặc “đỏ ngực” như hầu hết thanh niên quê tôi. Chả là, tôi là con cháu nhà bác giáo Mai, bị quy cho là thành phần địa chủ, nên dù tôi có xung phong cách gì, cụ Đản và anh Đoàn nhất quyết không duyệt cho đi bộ đội, mà chỉ cho đi dân công hoả tuyến.
Sau này, có lần cụ Đản tâm sự với tôi:
- Anh, sở dĩ không được đi bộ đội là vì, nếu anh cũng lập được chiến công oanh liệt, rồi hy sinh, thế nào anh cũng được công nhận là liệt sĩ. Gia đình anh được công nhận là liệt sĩ, thế thì danh dự của quê ta còn ra cái thể thống gì nữa. Chẳng lẽ, cộng sản lại đi truy điệu, tôn vinh thành phần địa chủ? Vi vậy mà chi bộ quê tôi chỉ quyết cho anh đi dân công hoả tuyến.
Cụ Đản còn thì thầm:
- Anh cung làm nhiệm vụ chơ súng, chở đạn ra chiến trường, cũng bị máy bay địch tòm diệt, nhưng chẳng may anh hy sinh, thì chết đâu, chôn đấy. Dân công chết thì làm gì được tôn vinh là liệt sĩ.
Đây là câu chuyện một thời đã từng xấy ra ở quê tôi. Bây giờ, những khi “tống cựu” trong nhà xí, tôi vẫn hay nghĩ đến nó. Hoá ra, tôi sống được đến tận bây giờ chính là nhờ cái chính sách phân biệt đối xử về thành phần của cụ Đản. Chẳng biết có phải trời xui, đất khiến hay không mà cụ Đản đã vô tình để cho một số đối tượng bị cụ hành được tránh cảnh mũi tên, hòn đạn trong cuộc chiến chống Mỹ, trong đó có tôi.
Còn anh Đoàn, tuy thỉnh thoảng có ăn rau má cuộn ớt chỉ thiên như chúng tôi, nhưng anh cũng không thuộc đối tượng được đi bộ đội. Anh là hạt giống đỏ của quê tôi. Anh phải sang Trung Quốc, Liên xô học tập kỹ thuật hiện đại để về xây dựng chủ nghĩa xã hội và kiếm thật nhiều cái máy Mưu sinh vạn năng đem về cho dân quê tôi. Có nó, con đường “làm theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu” mới có cở để thành hiện thực.
Một ngày của những năm sáu mươi, đúng như cụ Đản tính toán, chúng tôi thấy anh Đoàn lái chiếc máy cày do Liên Xô hay Trung Quốc chế tạo về làng. Trông cái máy cày, thấy nó oai hùng quá. Cái bánh xích của nó to như tấm ván chôn người, có những bờ răng ngang, dọc. Khi nó đi trên đường cái, tiếng xích sát nghiến xuống đường ầm ầm, kèn kẹt, rú rít, loảng xoảng, hệt tiếng xích sắt rít lên, giống như âm thanh bọn Đế quốc, Thực dân, Phong kiến tra tấn người cách mạng trong phim ảnh của ta, Trung Quốc, Triều Tiên mà đội lưu động chiếu bóng quê tôi thỉnh thoảng đem đến sân đình để chiếu. Vì cái máy cày của anh Đoàn, mà già trẻ, gái trái quê tôi phải vác cuốc, vác mai ra đồng, phá bờ ruộng. Đoàn Thanh niên tiền phong, Đội thiếu niên nhi đồng tiền phong được nghỉ học, cùng tập trung thành một đoàn vác ảnh Bác Hồ, Bác Trường Chinh, Bác Võ Nguyên Giáp, Bác Hoàng Văn Hoan, Bác Hòang Quốc Việt… cùng ra đồng để chào mừng máy cày của anh Đoàn về quê. Vui quá! Nhìn cái máy cày gầm rú trên cánh đồng, chạy băng băng, lật úp những thớ đất lên, trông như những đợt sóng, lớp nọ nối lớp kia, thật không thể tả hết sự sung sướng của người dân quê tôi. Thôi nhá, có anh Đoàn, có máy cày Xô – Viết, Trung Hoa, ngày mai nông dân sẽ chỉ nằm đợi mà ăn. Cả dân tộc sẽ bước vào thời kỳ “ Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Sướng nhé?
Nhưng rồi, đất anh Đoàn cày lên, đợi mãi chẳng thấy anh đem máy bừa về bừa. Lại thấy, anh suốt ngày kỳ cạch với máy ở ngoài đồng. Đến khi anh đem cái phần bừa về thì máy cày của anh, làm cách chi cũng không nổ được. Thành ra, bà con nông dân quê tôi lại phải đem trâu, bò ra bừa. Những thớ đất do máy cày anh Đoàn lật lên cũng to ngang cái bánh xích của máy cày. Trâu, người è sức để băm nhỏ chúng ra, thật khổ nhục như kiếp “trâu cày, ngựa cưỡi”. Mùa đó, cây lúa cấy xuống, phát triển kém. Có cụm lúa ra bông, nhưng không có hạt. Có cụm lúa chỉ có đòng đòng mà không trổ ra bông được. Mùa sau, nông dân chẳng ai mặn mà với cái máy cày của anh Đoàn nữa. Thành ra, cái máy cày, đích thị là sản phẩm vĩ đại của chính quyền Xô – Viết, Trung Hoa cứ nằm lù lù ở giữa đồng, thỉnh thoảng mới được anh Đoàn cho nổ lên vài tiếng. Vài mùa sau nữa, nó thành đống sắt vụn. Mùa sau nữa, nó thành cái mã ông ăn mày. Nhân dân đi qua, đi lại, không ai là không ném vào đó một cục đá, cục gạch. Nông dân đi cày, đi bừa, đi nhổ mạ, gánh phân… cũng nhằm cái máy cày ấy mà tấp rác rưởi vào. Kết quả, cái máy cày có từ những năm sáu mươi ấy, đến nay vẫn còn lù lù ở giữa cánh đồng, giống như cái mã tổ, kỷ niệm một thời hợp tác xã ở quê tôi.
Sau bận đó, không thấy anh Đoàn đem máy cày, máy bừa về nữa. Nông dân vẫn lấy con trâu đi trước, cái cày đi sau làm kế sinh nhai. Anh Đoàn lại tiếp tục sang Trung Quốc, Liên Xô để tiếp tục đào tạo thành tài và kiên quyết kiếm cho được cái Máy mưu sinh vạn năng đem về cho dân quê tôi, để khi đất nước giải phóng, thống nhất anh Đoàn sẽ lại về làng xây dựng chủ nghĩa xã hội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác Hồ, lãnh tụ của Đảng ta, của dân tộc ta, của non sông đất nước ta đã dạy rồi: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, cơ mà!
Anh Đoàn cũng có bình luận về chuyện này. Anh bảo:
- Bác Hồ của chúng ta quả là người vĩ đại. Lúc biết mình sắp chết, viết di chúc rất vĩ đại đã đành, mà bác còn làm thơ ở trong đó nữa. Gì, sắp chết mà còn đủ sức để viết nên câu thơ vĩ đại như vậy, Việt Nam chỉ có một, thế giới may ra mới có hai, ba. Mà ông Stalin là hai, bác Mao Trạch Đông là ba rồi. Thơ bác không phải thơ suông đâu nhé, nó mang ý nghĩa chỉ đạo phong trào cách mạng nữa đấy. “ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đàng hoàng hơn mười ngày nay.”. Chữ “ngày nay” nó hay lắm! Hôm nay, cũng là “ngày nay”. “Ngày mai” rồi cũng thành “ngày nay”. Bao giờ cho hết ngày nay, ngày mai. Ngày nay, ngay mai cứ liên tục xoay vần, tạo nên một vòng tròn khép kín. Tài là tài ở chỗ ấy. Còn vĩ đại là ở chỗ này, Bác rất biết lo xa. Bác rất sợ thắng giặc Mỹ rồi, cán bộ, nhân dân ta, vì sung sướng quá mà chỉ nghĩ đến chuyện hưởng thụ theo nhu cầu, ăn chơi, du lịch, rượu chè,… hoặc chỉ cần xây dựng hơn ngày nay một tý là được, mà phải hơn mười lần. Vĩ đại thật! Đến lúc sắp đi gặp cụ Các-mác, cụ Lê- nin và các vị tiền bối cách mạng mà vẫn không quên dạy dỗ đảng ta. Thế giới chỉ có một.
Anh Đoàn nói hay quá, rất giống Xuân Diệu bình thơ Huy Cận nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bọn tôi há hốc mồm ra nghe, như muốn nuốt lấy từng lời của anh, giống như chó liếm nước bọt. Giọng anh Đoàn lúc trầm, lúc bổng, lúc nghe oang oang như tiếng phát thanh viên trên đài, lúc thì thầm như người ta bàn nhau đi hội họp trong đêm…Có lẽ từ đó mà đảng ta, dân tộc ta cứ dần dần vĩ đại lên trong tâm trí bọn trẻ nhà quê chúng tôi.
Điều đó lại càng được củng cố khi sau giải phóng miền Nam năm 1975, anh Đoàn lái chiếc ô tô về làng.
Cụ Đản bảo, anh Đoàn bây giờ là chiến sĩ trên mặt trận vận tải, chuyên chở hàng hoá từ ta sang nước Lào. Ở Lào, Vàng Pao hoạt động dữ lắm, thường xuyên tìm xe tải để giết người, cướp hàng.
Chẳng biết cụ Đản kể có đúng không, nhưng bọn tôi thường thấy, tháng tháng anh Đoàn về làng, bao giờ trong xe cũng có mì chính, vải vóc đem tặng cụ Đản, và cho vợ con anh. Nghe nói, vài gói mì chính đã đổi được một cái xe máy Honda tận Sài Gòn. Nghe đâu, một cái xe máy có giá bằng mấy ngôi nhà gỗ của nhà tôi đang ở do ông bà tôi là địa chủ ngày xưa để lại, mà hãi hồn. Có bận, làng không có dầu thắp đèn Hoa Kỳ, anh Đoàn hút từ bình xăng ra, cho mỗi nhà một chai Năm Long xăng. Anh bảo “ Xăng là máu, không cho nhiều được”. Nhìn cái màu xăng trong suốt như rượu nút lá chuối, anh còn bảo: “Nếu khát rựợu, cũng có thể làm vài ngụm, đỡ thèm”. Nói rồi, anh đưa vòi lên miệng hút xăng, nhấp vài ngụm. Làng tôi có tay bợm ruợu cũng uống xăng theo anh. Người khác vì xăng của anh Đoàn mà suýt bị mất mạng vì nhà bị cháy. Nhờ có cái xe ô tô mà nhà cụ Đản, anh Đoàn giầu nứt đổ, đổ vách.
Khi ngồi nhà vệ sinh để “ tống cựu” tôi cũng thường nghĩ đến chuyện anh Đoàn hay uống xăng và cái máy Mưu sinh vạn năng của Liên Xô hoặc Trung Quốc chế tạo. Giá như dân quê tôi có vài ba chục cái máy như vậy thì hay biết bao. Có nó, nhất định dân quê tôi sẽ được no đủ, khỏi phải chân lấm tay bùn, quanh năm đầu tắt mặt tôi, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn. Có nó, nhất định lý luận: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” của cụ Mác, cụ Lenin sẽ thành hiện thực. Nhất định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở quê tôi sẽ thành công. Bởi vậy, dù anh Đoàn có là kẻ dị nhân, biết uống xăng như uống rượu, hoặc đem máy cày Liên Xô, Trung Quốc về rồi biến chúng thành cái mã tổ giữa cánh đồng, người dân quê tôi vẫn cứ đợi một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ đem Máy mưu sinh vạn năng về. Nếu anh không đem cái máy đó về, tôi thực sự tiếc cho con đường hạnh phúc của quê tôi đã đành, mà anh Đoàn nhất định sẽ bị mang tiếng là kẻ lừa đảo và cái vị trí kế tục sự nghiệp của cụ Đản, sẽ có phần khó cho anh.
Bây giờ, ngồi trong nhà xí, nhớ lại chuyện nằm lòng này, tôi vẫn thấy nó ghê ghê. Chẳng biết máy Mưu sinh vạn năng của Trung Quốc, Liên Xô khi vận hành có bốc mùi như hố xí của quê tôi trong ngày mưa hoặc nắng không? Nó có tương đồng với cái mùi máu trên con đương vinh quang, tiến lên phía trước như con đường định mệnh của quê tôi không? Tôi hát cho bạn nghe một đoạn nhé, kẻo không lại bảo tôi bịa: “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đường vinh quang xây xác quân thù…Tiến mau ra sa trường…”. Hồn của lá cờ là máu, hồn của dân tộc ẩn trong lá cờ ấy là máu. Máu gì đây? Máu người. Con đường chúng ta đi lên là con đường của máu và xác người. Hành động là giết người. Tiên chỉ chưa??? Định mệnh chưa???? Kỳ lạ chưa??? Sao vậy cờ? Tiến lên hạnh phúc, ấm nó, yên vui không tiến lại chỉ tiến ra nơi máu lửa, vậy cờ? Cổ vũ cho sự hành tiến này với một điệu nhạc thật hay. Nó có chỗ ngắn, dồn dập để mắm môi, trợn mắt hét lên, oai hùng; có chỗ dài, buông thả để mà du dương, da diết. Còn, những câu chuyện của cụ Đản, anh Đoàn, lại mang sứ mệnh anh dũng khác. Nó như những cái dùi khoét vào tai và để lại sẹo. Có lẽ, tất cả từ đó mà cái âm thanh vĩ đại, muôn muôn năm vẫn âm vang cho đến tận bây giờ. Cái sẹo ở tai của dân quê tôi vẫn chưa có cách gì để lành lặn lại được. Cũng vì chính cái sẹo đó mà cứ có dịp vào nhà xí là cái từ vĩ đại, muôn muôn năm đó lại âm vang bên tai tôi và cụ Đản. Thành ra, họng tôi, miệng tôi, lúc thì sằng sặc, lúc thì lại nhầy nhụa nhớt. Tệ thật! Tha hoá thật! Hỏng cả rồi, bớ dân quê tôi ơi! Bụng đang chứa toàn khoai, sắn, nghĩ đến xôi, đến thịt không nghĩ lại nghĩ đến mấy câu chuyện có mùi này. Tôi bực mình, thấy cái thằng tôi cũng vớ vẩn lắm, vội quát:
- Có im mà rặn đi không? Cụ Đản, anh Đoàn mà biết thì chết bây giờ!
Im. Có còn gì trong bụng nữa đâu mà rặn. Tôi lại vạch “lá chắn xấu hổ” nhìn sang nhà xí nhà cụ Đản, thấy cụ Đản vẫn ngồi trong đó. Đôi gò má gìa đang nheo nheo, hình như cụ đã chuyển cười sang tủm tỉm. Tôi cố rặn thêm vài hơi nữa, rồi lại vạch “lá chắn xấu hổ” nhìn sang, vẫn thấy cụ Đản ngồi trong đó, mới giật mình nhớ ra: người già đi vệ sinh thường lâu. Nhưng cụ Đản đi vệ sinh lâu như thế thì đạt tới tầm vĩ đại rồi. Không thể kiên gan ngồi trong nhà xí chờ cụ Đản như chờ chủ nghĩa xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” được, tôi đành kéo quần lên, tạm biệt cụ Đản, rồi len lén theo bờ rào đi ra.
Chẳng rõ cụ Đản ngồi trong nhà xí đạt tới tầm vĩ đại nào?
Mấy hôm sau, gặp nhau kể chuyện lãnh tụ, đàm đạo việc nước, việc đảng ta, tôi hỏi:
- Sao hôm đó cụ “tống cựu” gì mà lâu quá thế?
Cụ Đản cười hồ hồ, rồi thủ thỉ:
- Mình vừa được cấp trên ra quyết định sửa sai, lại còn tăng cho bậc lương nữa.
Trời ạ! Tôi cứ tưởng cụ đang lo, đang buồn vì cái bệnh “tống cựu” ra phân lẫn máu vô phương cứu chữa của cụ cơ đấy.
Cụ trịnh trọng kể:
- Cái bận tớ bị kỷ luật lần đầu ấy, bị quy kết là tội tham ô. Nhưng, nó có đáng bao nhiêu tiền, đâu cậu. Số tiền đó, bây giờ thì mua nổi bao nhiêu cân thóc. Mà mình tham ô, có bỏ vào túi mình đâu. Mình chỉ tiếp khách và mua một ít dụng cụ cho cơ quan. Ấy mà có đứa tố cáo. Rồi thanh tra về. Tiền mình chi, mình chịu. Tớ bị đình chỉ công tác. Thế mà lại hay, cậu ạ. Mấy ông bạn thời cắt tóc cùng nhau về bảo, “lên trên mà làm”. Trong khi mình còn phân phân thì lại gặp mấy ông bạn, cũng là thời cắt tóc, bảo, “lên trên nữa mà làm”. Ừ thì lên trên nữa cho hết tầm đại bác. Một tấc lên tiên, cậu ạ. Tớ được bổ nhiệm làm chánh văn phòng cơ quan. Oách lắm! Tiền ở cơ quan trung ương nhiều như lá đa, lá đề ở quê. Tớ rút kinh nghiệm, một xu cũng không tơ hào. Ai tơ hào mặc người ta. Thế mà cũng chẳng thoát, vẫn cứ bị cái tình nó làm hại. Có gì đâu, cũng là tiền mình chi cho cái chung cả, như là tiếp khách này, tiệc tùng này, phong bao, quà cáp này…Quen tay cứ ký, cứ chi. Ấy mà một năm cộng lại cũng cơ man nào là tiền, cậu ạ.
Cụ Đản lại nhăn mặt, giống như khi cụ ngồi trong nhà xí:
- Mấy tỷ, tiền cơ quan cứ như nước, chảy vào tài khoản mình cứ ào ào, tiêu đi cũng ào ào. Một ngày tớ tiêu mấy triệu, mấy tỷ, cứ như nhà quê tiêu mấy hào, mấy đồng.
Bỗng Cụ Đản hạ giọng:
- Cậu có biết a-le, boa, đờ- rát- xì- tờ- vui- che là cái gì không?
Cụ với tay cầm cái điếu cày, nhìn tôi như thách thức. Tôi thì, thưa các bạn, không biết thật.
- Cậu đếch biết là phải. Đúng là năm, sáu mươi tuổi, mà chân chưa bước qua luỹ tre làng, mắt chưa rời khỏi đít con trâu, thì vẫn cứ là anh nhà quê một cục. Đổi mới hay không cũng thế mà thôi! Bông – dua là tiếng Pháp, he – lo là tiếng Anh, đờ-rát-xì-tờ-vui-che (zdravxtvuiche) là tiếng Nga. Tiếp khách nước ngoài ở trung ương, khách nước nào thì phải nói theo ngôn ngữ nước đó. A-le là nhanh, tiền boa nhanh. Cậu hiểu chưa? Đi với các em, ôm một tý, hôn một tý, lịch sự là he- lo, đờ-rát-xì-tờ-vui-che, a-le, boa.
- Cụ Đản dại gái – Tôi buột miệng nói lên thành lời. Ở nhà quê, phàm là đàn ông mà đem tiền cho gái là chịu tiếng hèn, tiếng nhục.
- Chứ lị.- Cụ Đản nháy mắt, tâm đắc! – Hồi ấy, tớ oách lắm! Chủ tài khoản cơ quan trung ương mà lại. Lãnh đạo quý tớ như vàng. Một tay tớ giữ mấy tài khoản, mấy chục cái xe con, đi đâu là cứ đi bằng đít. Gái theo cứ là gạt đi không hết.
Cụ Đản hứng chí, co chân lên giường, văn vẹo cái lưng, lại vớ cái điếu cày:
- Nói thật với cậu, tớ không tư túi lấy một đồng. Tội tớ chỉ là lãng phí, đầu tư sai. Nhưng sao lại là lãng phí, cậu nhỉ? Lãnh đạo ăn nhiều, thân xác được bồi bổ thì lại càng khoẻ ra, mà càng khoẻ ra thì lại càng phục vụ cách mạng được nhiều hơn. Còn, chơi nhiều thì được bồi bổ ở cái tinh thần. Tinh thần được sảng khoái, làm việc giờ nào, chất lượng giờ ấy. Lãng phí cái con khỉ mốc gì? Tớ phải về hưu là vì cái tình, nhận hết trách nhiệm cho lãnh đạo, chứ chẳng phải ăn tàn phá hại của dân hay yếu kém về quản lý tiền bạc, gây thất thoát đâu. Hồi ấy, nó thế, cậu ạ. Không như bây giờ đâu, có chức, có quyền, ngu gì mà không tham, ngu gì mà không thó một tí. Hồi ấy, tớ chỉ cần nhón một tý, cái nhà xí nhà tớ không phải tuềnh toàng như nhà xí của nhà cậu đâu!
Cụ Đản lại nheo nheo mắt, đưa tay vỗ bồm bộp vào miệng ống điếu. Bất ngờ, cụ rỉ vào tai tôi:
- Thỉnh thoảng đi ỉa, tớ cúi nhìn cái con giống của mình, lại nhớ đến cái khoản vĩ đại của cô này, cô kia – Cụ suýt xoa. Chu cha. Trắng lốp. Đen xì. Thơm thơm như mùi táo tây chín. Không giống mấy bà con gái nhà quê, mồ hôi dầu, uống nước chè tàu bằng lá ổi đâu!
Không thể nhịn được, tôi cười ngặt, cười ngẻo, cười hô hố, cười rúc rích, cười như vừa thoả mãn một sự sung sướng, đến tức cả bụng, đau cả đầu, rồi mới giật mình nhớ ra, câu chuyện của cụ Đản hôm nay có điểm mới, đó là cụ vừa được nhà nước sửa sai và tăng một bậc lương. Trời ạ! Chẳng trách mà cụ tủm tỉm, nhâm nhi lâu trong nhà xí như chó đói nhâm nhi cứt ba nắng. Nó giống cái gì nhỉ? Bọn lâm tặc tìm được trầm hương? Bọn cuồng dâm bắt được con gái nhà lành? Bọn cướp bắt được trí, phú, địa, hào? Thôi rồi! Chỉ có nước tan tành mà thôi!
Đây là chuyện riêng, bí mật của cụ Đản, chỉ mình tôi, thỉnh thoảng được cụ tâm sự cho biết. Còn cả quê tôi, cứ tưởng cụ Đản đang lo cho anh Đoàn, hạt giống đỏ của quê tôi, có kế tục sự nghiệp của cụ Đản trong dịp đại hội toàn thể quê tôi khoá này hay không? Cả quê tôi đều nghĩ, do bị bệnh trĩ, nên mỗi lần đi ỉa, tốn nhiều thời gian đã đành, mà hậu môn cụ còn thường rỉ ra một ít máu tươi. Vì vậy, mỗi khi cụ đi ỉa, đã làm đít cụ vừa đau, vừa rát, nếu không có tờ báo để đọc hoặc nghị quyết của đảng ta để nhìn, thì đau có thể làm cụ Đản gục ngay trong nhà xí mà chết. Dân quê tôi cũng biết, nếu cụ Đản không tham ô, tham nhũng, không bắt dân phá đình, phá chùa, không tin theo luận điệu phản động, không tin theo khoa học nhảm nhí, không rắp tâm bần cùng hoá nhân dân, không dồn dân vào bạo lực chiến tranh… thì làm sao, cứ mỗi lần đi “tống cựu” cụ Đản lại phải đứt ruột, rỉ ra nhiều máu tươi như thế?
Một lần tôi thành thật hỏi cụ Đản:
- Thưa cụ. Trong nhà xí thối lắm, cụ có bí quyết gì mà vẫn bình tĩnh ngồi được thật lâu trong đó thế?
- Cụ Đản cười hồ hồ, giọng trầm hẳn xuống, nghiêm nghiêm:
- Bí quyết gì đâu, anh? Ngồi lâu trong đó mũi nó quen đi thôi. Tôi bị bệnh ỉa ra máu. Lần nào đi vệ sinh cũng như muốn đứt từng khúc ruột. Có thấy mùi gì đâu. Hơn nữa, lúc đi vệ sinh, đừng tưởng tượng đấy là đồ cứt đái phế thải, mà nên nghĩ, đó là những sản phẩm từ cao lương mỹ vị mà ra, có khi còn thích ngửi nữa là khác.
À. Ra thế.
Lại một lần khác, tôi hỏi cụ Đản :
- Cái chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn, bao giờ cũng có quy mô to hơn cái nhà nhà xí, sao chỉ được gọi là chuồng? Còn cái nhà xí nhỏ hơn chuồng trâu, chuồng bò rất nhiều, lại được Đại Việt ta gọi là nhà, hở cụ?
- Văn minh của dân Đại Việt ta là ở chỗ đó. – Cụ Đản nheo nheo mắt, khoái chí – Nhà nhốt trâu, bò, lợn, to hơn thật, nhưng nó chỉ là nơi nhốt động vật, nên chỉ gọi là chuồng. Còn nhà xí, tuy là bé, bẩn thỉu, hôi hám nhưng lại là nơi hậu ngự thiện của con người, nên nhỏ cũng phải gọi là nhà. Nhà xí quan trọng lắm! Bác Hồ đi thăm đâu, trước tiên và bao giờ cụ cũng đi thăm nhà xí trước đấy. Cậu hiểu chưa? Nhà xí cũng còn là nơi rèn luyện đức kiên trì của những người cách mạng. Bác Hồ chẳng đã có thơ: “Ngồi trong hố xí đợi ngày mai”, là gì.
À. Ra thế!
Bạn đọc thông cảm, nhờ là người có chức vụ cao nhất, nên lời nói của cụ Đản, lúc nào cũng là chân lý. Ngay cái hố xí cũng vậy, chẳng ai hiểu bằng cụ Đản. Đó là cái đức cách mạng một lòng của cụ. Hơn nữa, cụ lại từng trãi, lại do mắc phải cái bệnh trĩ, một ngày phải “thăm” nhà xí vài ba bận; mà vào nhà xí, ngoài ị ra, thì còn biết làm gì, ngoài ngắm chúng. Cho nên, ở quê tôi, có nhiều nhà xí tương đương nhà xí nhà cụ Đản, nhưng khái niệm về nhà xí, chỉ có cụ Đản là người nói vừa gọn, vừa đầy đủ và hàm xúc nhất. Thôi thì, người ta biết đông, biết tây, biết mỗi thứ một tý, kể như không biết gì; chỉ biết một tý, tuy chỉ là nhà xí, nhưng lại là biết cặn kẽ, chi thiết, thấu đáo, thì vẫn cứ là người biết. Hơn thua ở một đời, có khi lại chỉ ở chỗ be bé, cỏn con ấy.
Nhưng thật lòng tôi vẫn không tin về sự giải thích của cụ Đản: Ngồi lâu trong nhà xí thì mũi nó quen đi? Chẳng lẽ, cái mũi của dân quê tôi đã bị mùi thối đồng hoá thành mũi của chó cả rồi sao, khi mà các bộ phận khác của con người vẫn giống là của con người? Quả tình, tôi không mấy tin. Tôi đánh bạo hỏi anh Đoàn, người có cả Thế giới học trong đầu.
- Thưa anh! Anh là hạt giống đỏ của quê ta, đi Nam đi Bắc, đi Đông, đi Tây, đi Nga, đi Tầu, lại là người lãnh đạo kế cận, anh có thể cho tôi biết một cách tường tận, khoa học, tại sao nhà xí thối, mà cụ nhà ta, mỗi ngày, có thể ở đó cả mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chịu được?
Anh Đoàn cũng cười hồ hồ.
- Tôi biết là anh không tin. Dân quê ta cũng không thể tin. Như thế mới đúng anh là dân nhà quê, ngu xi, dốt nát. Bốn, năm chục tuổi đời mà chân chưa bước ra khỏi cái luỹ tre làng, quanh năm ngày tháng bám đít con trâu, thì cứ là ngu như bò. – Bổng anh Đoàn cao giọng hẳn lên, rất giống giọng của những người làm công tác tuyên huấn lâu năm. – Nhà xí nào mà không thối. Lúc đầu mới vào, đéo ai mà chịu được. Ngồi lâu trong đó thì quen. Sao cái gì? Bí quyết cái gì? Khi anh ngồi trong nhà xí mà cứ đinh ninh anh đang ở trong nhà xí, làm gì mà không thấy thối. Tôi bảo anh nhá, mỗi khi anh xách quần ra nhà xí, hãy tưởng tượng như anh sắp vào khách sạn bảy sao của nước Mỹ, chẳng hạn. Tại đó, mỗi khi anh phóng phân ra, anh hãy tưởng tượng, đó là anh đang sản xuất ra thức ăn bổ dưỡng cho động vật loại. Mỗi khi anh đái, hãy tưởng tưởng như anh đang rót rượu Voka hay Mao Đài ra chén. Mỗi khi mùi hôi thối bốc lên, anh hãy tưởng tượng, đó là mùi thịt nướng, chiên, hay tái lăn. Mỗi khi lá chuối khô, gió thổi nghe lào xào, nhạm tai, anh hãy tưởng tượng, đó là tiếng của các đồng chí lúc đang hội họp. Anh cứ tưởng tượng ra thế, có mà ngồi trong đó bao lâu mà chẳng được.
À. Ra thế!
Anh Đoàn còn càu nhàu với tôi:
- Theo cách mạng, mà lại cứ nhớ, vào nhà xí là vào nhà xí, thì trọn đời đi theo làm sao được! Anh không biết à? Thuở Cụ Hồ còn bôn ba tìm đường cứu nước đã làm thơ về cái Đại vũ trụ này đấy: “Ngồi trong hố xí đợi ngày mai”, cơ mà. Cụ còn chỉ đạo cụ Vũ Đình Huỳnh “Lúc cần cười thì phải cười, lúc cần khóc thì phải khóc”. Làm cách mạng, theo cách mạng, ai ai cũng phải nằm lòng hai phương châm cách mạng này. Cậu hiểu chưa?
À. Ra thế!
Anh Đoàn còn tru miệng, hét vào tai tôi:
- Sao mày ngu lâu thế? Dân làng này ngu lâu thế. Làm đéo gì có cái máy Mưu sinh vạn năng, chế biến cứt thành thức ăn cho người. Chẳng qua đường lối phải nói như thế cho dân tin mà ngóng theo. Do dân nào? Của dân nào? Vì dân nào?
À. Ra thế!
Anh Đoàn lại cười hồ hồ, sung sướng giống như người bắt được chân lý thời đại: đoàn kết công nông, giải phóng, cứu khổ, cứu nạn cho dân tộc và loài người vậy.
Ối trời ơi!
Kẻ nhà quê ngu muội, một lòng tin theo cụ Đản, anh Đoàn như tôi, bỗng thấy đau nhói trong tim như đang bị hàng ngàn răng nanh của lũ chó ngao cắm ngập vào. Để trả đũa kẻ phản bội, tôi tự hứa với lòng mình, lần sau đi nhà xí, nhất quyết tôi không vạch “lá chắn xấu hổ” để nhìn và tâm sự với cụ Đản, anh Đoàn nữa. Tôi sợ mũi của tôi, một cơ quan quan trọng của Tiểu vũ trụ, thường xuyên lưu thông với Đại vũ trụ, có ngày sẽ giống như mũi cụ Đản, anh Đoàn. Nhưng rồi lại nhận ra cái xứ sở này, phân người và phân đười ươi đang lẩn lộn nhau. Biết đâu là của người, biết đâu là của đười ươi, chính tôi, tôi cũng ngờ cái mũi của mình lắm lắm!
Tháng 8/2007
Truyện ngắn Phạm Thành: Hậu ngự thiện
khi thở ra, hít vào; bằng lỗ đít, khi ị; bằng cặc, khi đái ở đàn ông; bằng lồn, khi đái ở đàn bà…Tôi nhất định nói thế. Văn minh là sự vật nào phải gọi đúng tên sự vật ấy. Bản thân ngôn ngữ không có màu, có mùi. Tôi rất ghét cái lối: ăn thì bảo là ngự thiện, đi lại, nhìn ngó đâu đó, gọi là thăm quan, ngự lãm; đến cái thời Cộng sản này, dân đói rả họng ra thì nói tình hình khó khăn, cái bệnh tả thì gọi là tiêu chảy cấp
Truyện ngắn Phạm Thành: Hậu ngự thiện
Con người là một Tiểu vũ trụ, thông giao với Đại vũ trụ bằng mồm, khi ăn, nói; bằng mũi,
khi thở ra, hít vào; bằng lỗ đít, khi ị; bằng cặc, khi đái ở đàn ông; bằng lồn, khi đái ở đàn bà…Tôi nhất định nói thế. Văn minh là sự vật nào phải gọi đúng tên sự vật ấy. Bản thân ngôn ngữ không có màu, có mùi. Tôi rất ghét cái lối: ăn thì bảo là ngự thiện, đi lại, nhìn ngó đâu đó, gọi là thăm quan, ngự lãm; đến cái thời Cộng sản này, dân đói rả họng ra thì nói tình hình khó khăn, cái bệnh tả thì gọi là tiêu chảy cấp, của cải của bọn nhà giầu, bọn độc quyền, tư bản đỏ lại bảo là của cải của nhân dân… Tôi cho rằng, cách gọi trên, bản chất là sự bịp bơm, lừa dối, ăn cắp – ăn cắp sự thật, cưỡng hiếp sự thật, xuyên tạc bản chất của cuộc sống… Với tôi, đã là kẻ ăn cắp, lừa dối, kẻ cưỡng hiếp thì không có chỗ cho đạo đức nằm lòng. Nhưng than ôi, ở quê tôi, kẻ cắp và người ngay, trí thức và vô học, sáng tạo và copy…đều như phân người và phân đười ươi trộn lẫn mất rồi. Ai biết đâu là phân người, đâu là cứt chó, và ai sẽ là người chấn hưng sự thật đây?