Truyện Ngắn & Phóng Sự
Áo bông chần ngày Tết
Hồi bà nội tôi còn sống, gần đến tết, vào những ngày nắng ráo, nội thường mang chiếc áo bông chần ra phơi trước hiên nhà. Chiếc áo ấy, nội chỉ mặc trong ba ngày tết, còn cả năm nội gấp vuông vắn cất ở đầu giường, cạnh cái gối nội hay nằm.
Áo bông chần ngày Tết
Hồi bà nội tôi còn sống, gần đến tết, vào những ngày nắng ráo, nội thường mang chiếc áo bông chần ra phơi trước hiên nhà. Chiếc áo ấy, nội chỉ mặc trong ba ngày tết, còn cả năm nội gấp vuông vắn cất ở đầu giường, cạnh cái gối nội hay nằm.
***
Trong kí ức của tôi, mỗi lần nhìn thấy chiếc áo bông chần vải chéo go, màu bã trầu đung đưa trong gió mới, lòng tôi lại nao nao kì lạ một niềm thương nhớ bồi hồi. Mẹ tôi kể, chiếc áo bông chần ấy là kỉ vật của ông nội tôi. Ông tôi mất khi bố tôi mới lên ba, nội ở vậy tới cuối đời. Mỗi năm tết đến, nội mới khoác chiếc áo bông chần ông tặng, cổ đeo chuỗi tràng hạt Bồ Đề, bàn tay run run vấn lại mái tóc đã bạc trắng xác xơ, trông ra ngoài ngõ vắng xa tiếng chân người. Mẹ tôi bảo, nội đang đợi ông về.
Vào ba ngày đầu năm mới, nội thường kêu tôi mở toang hết cửa nẻo trong nhà, mặc cho cái lạnh heo hút từ ngoài cánh đồng thổi tới, cù li buốt lịm trên da thịt. Nội nói: "Mấy ngày này, tổ tiên sẽ về ăn tết cùng con cháu, tụi bây cứ cửa đóng then cài kín mít làm sao các cụ vào nhà được". Rồi nội trải cái chiếu hoa ngay dưới chân ban thờ, ngồi têm trầu và vấn thuốc lá. Một nhúm lá thuốc đã thái sợi, phơi khô, nội quận lại trong mảnh giấy quyến, thành những điếu thuốc dài nhỏ xinh, đặt vào một cái đĩa sứ. Mặc cho bao bận cha tôi mua về hộp lớn hộp bé thuốc lá ngoại xịn, tết hằng năm, nội vẫn tự quấn thuốc đặt lên ban thờ ông. Nội bảo: "Ngày xưa, lúc ông nội bay còn sống, ông mê hút thuốc lắm. Dạo ấy không có thuốc lá gói sẵn như bây giờ, mà phải tự vấn lấy bằng lá chuối non phơi nắng hoặc lá chằm chày, to hơn ngón tay cái, gọi là thuốc rê. Phải chi, ông bay sống đến bây giờ...".
Mùi hương khói quện với mùi vôi, cay xè cả mắt nội. Tôi nằm trong lòng nội, nghe nội bỏm bẻm kể lại những chuyện xưa lắc xưa lơ. Cái thời nội còn trẻ, nội mới đi lấy chồng, gia đình chồng nghèo lắm, ba mươi tết mà trong nhà mới chỉ có một vại dưa muối. Vậy mà ông nội dám lén lên chợ huyện mua cho vợ cái áo bông chần chơi tết, bị mẹ mắng té tát như mưa... Nội cứ nói liên miên một mình như thế, cho đến khi tôi ngủ thiếp đi, giữa đám bụi thời gian bay lất phất, bên tai văng vẳng tiếng nội ru: "Anh têm cho em là miếng trầu, là duyên, là nợ/ Em vấn cho anh hút một điếu thuốc là nghĩa vợ chồng...".
Có lẽ, với nội tôi, ba ngày tết đầu năm chính là ngày sum họp, vui vầy cùng ông nội trong miền thức cảm nhớ thương thăm thẳm.
Năm nội ốm nặng, tết ấy, nội chẳng còn đủ sức để mang chiếc áo bông chần ra phơi trước thềm nhà, nắng cứ đứng mãi bên ô cửa sổ cạnh giường nội, như một quầng sáng vàng hiu hắt. Sáng mồng một tết, nội gọi tôi: "Mặc cho nội cái áo, đưa nội ra ban thờ ông". Tôi ôm nội với hơi thở mong manh trong lồng ngực, nghe nội dặn: "Khi nào nội mất, nhớ chôn cái áo bông chần cùng với nội".
Nội đi yên bình, ngày ấy - mùa xuân vẫn còn đang dập dìu ngoài ngõ. Nội đi mang theo tuổi thơ của chúng tôi lên tận Thiên Đàng. Từ nay, sẽ không còn ai gói bánh chưng ngon như nội, không còn ai nấu thịt đông, muối dưa hành khéo tay bằng nội, và cũng không còn ai, mỗi bận tết đến xuân sang, vào những ngày nắng ủ vàng trời đất, lại đem phơi chiếc áo bông chần trước hiên nhà.
My Việt
QuynhMai Post
Áo bông chần ngày Tết
Hồi bà nội tôi còn sống, gần đến tết, vào những ngày nắng ráo, nội thường mang chiếc áo bông chần ra phơi trước hiên nhà. Chiếc áo ấy, nội chỉ mặc trong ba ngày tết, còn cả năm nội gấp vuông vắn cất ở đầu giường, cạnh cái gối nội hay nằm.
Áo bông chần ngày Tết
Hồi bà nội tôi còn sống, gần đến tết, vào những ngày nắng ráo, nội thường mang chiếc áo bông chần ra phơi trước hiên nhà. Chiếc áo ấy, nội chỉ mặc trong ba ngày tết, còn cả năm nội gấp vuông vắn cất ở đầu giường, cạnh cái gối nội hay nằm.
***
Trong kí ức của tôi, mỗi lần nhìn thấy chiếc áo bông chần vải chéo go, màu bã trầu đung đưa trong gió mới, lòng tôi lại nao nao kì lạ một niềm thương nhớ bồi hồi. Mẹ tôi kể, chiếc áo bông chần ấy là kỉ vật của ông nội tôi. Ông tôi mất khi bố tôi mới lên ba, nội ở vậy tới cuối đời. Mỗi năm tết đến, nội mới khoác chiếc áo bông chần ông tặng, cổ đeo chuỗi tràng hạt Bồ Đề, bàn tay run run vấn lại mái tóc đã bạc trắng xác xơ, trông ra ngoài ngõ vắng xa tiếng chân người. Mẹ tôi bảo, nội đang đợi ông về.
Vào ba ngày đầu năm mới, nội thường kêu tôi mở toang hết cửa nẻo trong nhà, mặc cho cái lạnh heo hút từ ngoài cánh đồng thổi tới, cù li buốt lịm trên da thịt. Nội nói: "Mấy ngày này, tổ tiên sẽ về ăn tết cùng con cháu, tụi bây cứ cửa đóng then cài kín mít làm sao các cụ vào nhà được". Rồi nội trải cái chiếu hoa ngay dưới chân ban thờ, ngồi têm trầu và vấn thuốc lá. Một nhúm lá thuốc đã thái sợi, phơi khô, nội quận lại trong mảnh giấy quyến, thành những điếu thuốc dài nhỏ xinh, đặt vào một cái đĩa sứ. Mặc cho bao bận cha tôi mua về hộp lớn hộp bé thuốc lá ngoại xịn, tết hằng năm, nội vẫn tự quấn thuốc đặt lên ban thờ ông. Nội bảo: "Ngày xưa, lúc ông nội bay còn sống, ông mê hút thuốc lắm. Dạo ấy không có thuốc lá gói sẵn như bây giờ, mà phải tự vấn lấy bằng lá chuối non phơi nắng hoặc lá chằm chày, to hơn ngón tay cái, gọi là thuốc rê. Phải chi, ông bay sống đến bây giờ...".
Mùi hương khói quện với mùi vôi, cay xè cả mắt nội. Tôi nằm trong lòng nội, nghe nội bỏm bẻm kể lại những chuyện xưa lắc xưa lơ. Cái thời nội còn trẻ, nội mới đi lấy chồng, gia đình chồng nghèo lắm, ba mươi tết mà trong nhà mới chỉ có một vại dưa muối. Vậy mà ông nội dám lén lên chợ huyện mua cho vợ cái áo bông chần chơi tết, bị mẹ mắng té tát như mưa... Nội cứ nói liên miên một mình như thế, cho đến khi tôi ngủ thiếp đi, giữa đám bụi thời gian bay lất phất, bên tai văng vẳng tiếng nội ru: "Anh têm cho em là miếng trầu, là duyên, là nợ/ Em vấn cho anh hút một điếu thuốc là nghĩa vợ chồng...".
Có lẽ, với nội tôi, ba ngày tết đầu năm chính là ngày sum họp, vui vầy cùng ông nội trong miền thức cảm nhớ thương thăm thẳm.
Năm nội ốm nặng, tết ấy, nội chẳng còn đủ sức để mang chiếc áo bông chần ra phơi trước thềm nhà, nắng cứ đứng mãi bên ô cửa sổ cạnh giường nội, như một quầng sáng vàng hiu hắt. Sáng mồng một tết, nội gọi tôi: "Mặc cho nội cái áo, đưa nội ra ban thờ ông". Tôi ôm nội với hơi thở mong manh trong lồng ngực, nghe nội dặn: "Khi nào nội mất, nhớ chôn cái áo bông chần cùng với nội".
Nội đi yên bình, ngày ấy - mùa xuân vẫn còn đang dập dìu ngoài ngõ. Nội đi mang theo tuổi thơ của chúng tôi lên tận Thiên Đàng. Từ nay, sẽ không còn ai gói bánh chưng ngon như nội, không còn ai nấu thịt đông, muối dưa hành khéo tay bằng nội, và cũng không còn ai, mỗi bận tết đến xuân sang, vào những ngày nắng ủ vàng trời đất, lại đem phơi chiếc áo bông chần trước hiên nhà.
My Việt
QuynhMai Post