Rất ít nhân vật gây chia rẽ ở Trung Quốc như ông Chu Vĩnh Khang, ông hoàng phụ trách bộ máy an ninh của nước này.
Ông Chu, vốn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa trước hiện đã nghỉ hưu, được cho là đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra về tội tham nhũng.
Thậm chí ngay cả ông Bạc Hy Lai, người vừa ra tòa hồi tuần trước về tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, cũng không khiến người ta có những cảm nghĩ sâu sắc như trường hợp của ông Chu.
Trùm an ninh
Từ những giếng dầu ở miền đông bắc lạnh giá của Trung Quốc, ông Chu đã leo dần lên đến Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi còn ở đỉnh cao quyền lực, ngân sách nhà nước chi tiêu cho bộ máy an ninh và tư pháp của ông Chu còn nhiều hơn chi tiêu cho quốc phòng, y tế và giáo dục.
“Trong nội bộ Đảng, ông ấy (Chu Vĩnh Khang) được cho là có công đảm bảo ổn định và giúp cho Đảng tránh bị sụp đổ,” một nguồn tin giấu tên thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói với hãng tin Anh Reuters.
Trong khi đó, ông Hồ Giai, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc, thì nhận xét hoàn toàn trái ngược: “Không ai có thể kiểm soát ông ta. Không ai có thể đụng đến được ông ta.”
Hồ Giai bị kết tội hoạt động lật đổ chính quyền hồi năm 2008. Một trong số các nguyên do là ông đã có một loạt bài viết kêu gọi đem Chu Vĩnh Khang đi treo cổ vì bị một loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền.
"Trong nội bộ Đảng, ông ấy (Chu Vĩnh Khang) được cho là có công đảm bảo ổn định và giúp cho Đảng tránh bị sụp đổ. "
Một nguồn tin giấu tên thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc
Hôm thứ Sáu ngày 30/8, nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng có trụ sở ở Hong Kong đưa tin ông Chu đang bị điều tra về tham nhũng.
Mặc dù thông tin này khó lòng kiểm chứng nhưng chính quyền Trung Quốc cho thấy họ đang xử lý người từng được ông Chu đỡ đầu tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Ông Chu đã thăng tiến dần qua các chức vụ trong ngành dầu khí cho đến khi lên đến chức giám đốc điều hành của CNPC vào giữa những năm 1990.
Hôm Chủ nhật ngày 1/9, chính quyền loan báo rằng ông Tưởng Khiết Mẫn, chủ tịch của CNPC cho đến tháng Ba năm nay, đang bị điều tra vì ‘vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng’. Đây là cách nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc thường dùng cho tội tham ô.
Ông Tưởng hiện đang là người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp nhà nước.
‘Số phận chấm hết’
Bất kỳ hành động điều tra nào nhằm vào ông Chu cũng là một việc chưa từng xảy ra ở Trung Quốc bởi vì chưa có bất cứ một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào, dù là đang tại nhiệm hay đã về hưu, từng bị ngồi tù vì các tội danh kinh tế kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949.
“Tôi nghĩ Chu Vĩnh Khang rõ ràng là đã gặp chuyện. Chính xác là chuyện gì thì tôi không biết nhưng người ta nói với tôi rằng số phận ông ấy là chấm hết,” ông Tony Saich, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Quản lý Kennedy của Đại học Harvard.
Sinh trưởng ở tỉnh Giang Tô gần Thượng Hải vào lúc mà cuộc xâm lược của Nhật Bản đang ở cao trào vào năm 1942, Chu Vĩnh Khang gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc khi còn là sinh viên tại Học viện Dầu khí Bắc Kinh.
Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực dầu khí và các bộ có liên quan, Chu được giao cho cai quản tỉnh Tứ Xuyên rộng lớn ở tây nam trước khi được cất nhắc lên làm bộ trưởng công an vào năm 2002 và sau đó vào Thường vụ Bộ Chính trị năm năm sau đó để phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Đảng.
Các lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã rất ấn tượng trước thành tích phụ trách an ninh của Chu mặc dù các cuộc nổi loạn và biểu tình vẫn lan rộng ở Trung Quốc do sự bất mãn với hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, ô nhiễm môi trường, cưỡng chế đất và tình trạng tham nhũng của các quan chức.
Ông Hạ Quốc Cường, người từng đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương Đảng, hồi năm 2002 đã từng nhận xét ông Chu là ‘sáng suốt, sáng tạo, táo bạo và tập trung’
Cho đến năm 2007, ông Lý Nguyên Triều, người lên kế nhiệm ông Hạ, đánh giá tình hình an ninh dưới thời của ông Chu là ‘một trong những thời kỳ tốt nhất trong lịch sử’.
“Công lao của Chu Vĩnh Khang không nhỏ,” nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói.
Ông Chu từng cảnh báo rằng quá trình phát triển của Trung Quốc cần sự ổn định và trật tự. Ông nói rằng giữ gìn ổn định là ‘nhiệm vụ số một của chính phủ’.
Liên hệ với Bạc?
Chính vì vậy mà ông Chu đã tạo ra rất nhiều kẻ thù trong cộng đồng nhân quyền mặc dù nhỏ nhưng rất quyết liệt của Trung Quốc.
Ông truy tố bất cứ ai mà ông cho rằng có thể gây hại đến ổn định, trong đó có các thành viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động dân chủ như ông Lưu Hiểu Ba, người đạt giải Nobel Hòa bình.
“Chu phải chịu phần lớn trách nhiệm cho việc các vấn đề pháp lý dậm chân tại chỗ trong vòng 10, 20 năm qua. Thật ra, mọi thứ đã đi lùi,” Ngãi Vị Vị, nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ suốt 81 ngày mà không có cáo trạng hồi năm 2001, nói.
Ông Chu vẫn duy trì mối liên hệ gần gũi với ngành công nghiệp dầu khí ngay cả khi ông vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Trong những năm gần đây ông cũng góp phần trong việc thúc đẩy và điều phối các thỏa thuận về đường ống cung cấp khí đốt từ các nước láng giềng Trung Á như Tukmenistan và Kazakhstan.
“Ông Chu luôn dõi theo các hoạt động trong ngành. Ông ấy quan tâm và ủng hộ ngành từ vị trí cao,” một quan chức dầu khí giấu tên nói.
"Tôi nghĩ Chu Vĩnh Khang rõ ràng là đã gặp chuyện. Chính xác là chuyện gì thì tôi không biết nhưng người ta nói với tôi rằng số phận ông ấy là chấm hết. "
Tony Saich, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Quản lý Kennedy của Đại học Harvard
Rắc rối bắt đầu xảy đến với ông Chu hồi năm ngoái.
Các tin đồn cho rằng ông đã do dự trong việc trừng phạt Bạc Hy Lai, cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Trước khi ông Bạc sa cơ, Chu Vĩnh Khang đã đề xuất cho Bạc lên thay ông ở Ủy ban Chính pháp, một số nguồn tin ẩn danh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết.
Bộ máy an ninh của ông Chu cũng hứng chịu một thất bại ê chề hồi năm ngoái khi nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành có thể trốn thoát khi đang bị quản thúc tại gia và bỏ chạy đến Tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.
Vụ tai tiếng đó đã khiến cho chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào và người kế nhiệm ông là ông Tập Cận Bình, phải đặt bộ máy an ninh và tình báo dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn.
Khi ông Chu kết thúc nhiệm kỳ tại Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng hồi tháng 11 năm ngoái, vị trí của ông cũng bị giáng cấp.
Mạnh Kiến Trụ, bộ trưởng Công an khi đó, đã lên thay ông Chu. Tuy nhiên ông Mạnh chỉ là ủy viên Bộ Chính trị chứ không được vào Thường vụ Bộ Chính trị.