Trong thông cáo ngày 18/05/2016, tổ chức Human Rights Watch nhấn mạnh đến tính chất ôn hòa của phong trào biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố lớn, đòi chính phủ Việt Nam điều tra minh bạch về hiện tượng cá chết hàng loạt ở bờ biển miền trung. Nhưng « thay vì giải quyết tình trạng ô nhiễm thì chính quyền dùng vũ lực không cần thiết giải tán biểu tình, trừng phạt những người lên tiếng yêu cầu nhà nước giải trình trách nhiệm ».
Tổ chức nhân quyền Mỹ đặc biệt lưu ý chiến thuật trấn áp của an ninh : dùng vũ lực đàn áp ngày 08/05. Đến ngày 15/05 thì huy động hàng loạt biện pháp cô lập để chia cắt đoàn biểu tình thành nhóm nhỏ rồi dùng một lực lượng đông gấp nhiều lần để vây bắt. Cho đến hôm nay vẫn còn nhiều người vẫn bị giam giữ ở một nơi được gọi là « trung tâm hỗ trợ xã hội ».
Mặc khác, chính quyền còn dùng thủ đoạn công kích, kết tội người biểu tình vì môi trường « nhận tiền của các nhóm phản động ».
Trong phần kết luận, Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính trị, theo đó nhân viên công lực phải kềm chế và hành động với mục đích hợp pháp khi dùng vũ lực. Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy để cho người dân phát biểu ý kiến nhưng đã làm tình hình căng thẳng thêm vì sử dụng vũ lực.
Phó giám đốc Tổ chức HRW khu vực châu Á, Phil Robertson kêu gọi: « Chính quyền Hà Nội cần có biện pháp cải thiện tình hình tồi tệ này ».
Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực vô hạn định
Chính quyền Việt nam cũng được yêu cầu « thượng tôn pháp luật, tổ chức trưng cầu dân ý quyết định thể chế chính trị ». Người đưa ra lời kêu gọi này là tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Ông là một doanh nhân trẻ có tiếng tại Việt Nam, bị kết án 16 năm tù vào năm 2010.
Ông cũng là một trong những sáng lập viên tổ chức « Con Đường Việt Nam » mà truyền thông nhà nước gọi là « thế lực phản động » xúi giục dân biểu tình làm « cách mạng Cá ». Ngày 05/05, ông bị chính quyền cưỡng chế đưa từ nhà giam Xuyên Mộc ở miền nam ra tận nhà giam có tiếng cay nghiệt « Trại 6 » ở Nghệ An, để gây áp lực tinh thần.
Thân phụ của ông là Trần Văn Huỳnh, nguyên là giáo sư luật Đại Học Luật Sài Gòn, thuật lại trong buổi thăm nuôi ngày 14/05 rằng Trần Huỳnh Duy Thức cho biết sẽ « tuyệt thực kể từ ngày 24/05 cho đến khi đất nước có biến chuyển lớn ». Ông « chấp nhận cái chết vì quyền lợi của dân, của nước » và cương quyết « không đánh đổi tự do với lưu vong ».