(Nhân ngày nhậm chức của Tổng thống Macron 15-05-2017)
Lê Phú Khải
Năm 2001, tôi ở Paris hơn một tháng, suốt ngày ngồi đọc sách. Thấy thế, một người đồng hương của tôi bảo: Ai đến thăm Paris cũng nhào đi thăm tháp Effel, bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame)... sao ông chỉ ở nhà? Tôi trả lời: Nếu chỉ thăm những nơi đó thôi thì chưa hiểu gì nước Pháp cả!. Ngạc nhiên, người kia bảo: Vậy theo ông thì phải đi thăm nơi nào? Tôi trả lời: Phải đi trên cầu Concorde! Người kia lại “tấn công” tôi: Sao kỳ vậy? Tôi đành giải thích, ngày 14 tháng 7 năm 1789, nhân dân Paris nổi lên phá ngục Bastille, sau đó đã lấy đá ngục này để xây cầu Concorde; để nhân dân muôn đời sau nhớ đến nỗi nhục Bastille, để Tự do đạp dưới chân mình Bóng Tối. Chỉ có dân tộc Pháp với khát vọng là “hiện thân của Tự do” mới có những cây cầu như thế. Concorde tiếng Pháp có nghĩa là “hòa giải”. Sau bao máu đã đổ trong cuộc cách mạng 1789, dân tộc Pháp muốn hòa giải mọi hận thù; vì thế mới có cây cầu Concorde!
Chính vì thế mà Marx đã gọi Cách mạng Pháp 1789 là “đầu tàu của lịch sử”. Con tàu lịch sử nhân loại mà nước Pháp là đầu tàu đã chạy từ đó đến nay, suốt hơn 200 năm, vượt qua bao thác ghềnh. Con tàu đó đi trên những đường ray có tên là: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã dẫn loài người đến bến bờ hôm nay. Nhưng đầu năm 2017 này, đúng 100 năm sau cái ngày “rung chuyển thế giới” Cách mạng tháng 10 Nga 1917, con tàu nhân loại đang đi vào khúc quanh hiểm nghèo: nạn khủng bố của Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy, sự chia rẽ, sự suy thoái kinh tế ở ngay các nền kinh tế lớn... thì siêu cường hàng đầu thế giới lại chọn một anh con buôn chính trị (politicailler), chỉ có nghiệp vụ “chia lô bán đất” như chính người Mỹ đã nhận xét, lên cầm quyền! Vì thế, cả loài người tiến bộ đã nín thở theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Pháp ở vòng chung kết, chỉ còn có hai nhân vật, đại diện cho hai hướng trái ngược nhau. Một bên là người đàn bà (Marie Le Pen) “chua ngoa, lắm điều, lỗ mãng” theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại... Một bên là người đàn ông mới bước vào chính trường (Emmanuel Macron) “mang thông điệp nhân văn cho toàn thế giới, chống kỳ thị một cách không khoan nhượng, sống với thời đại toàn cầu”...
Không nín thở sao được, vì vừa mới hai năm trước đó, ngày 13/11/2015, nước Pháp bị khủng bố tấn công ở nhiều nơi, ở sân vận động Stade de France, ở nhà hát Bataclan, làm thiệt mạng 132 người. Trước đó 17 người đã chết tại tòa soạn báo Charlie Hebdo chỉ vì tội... châm biếm! Và gần đây là khủng bố bằng xe tải ở thành phố du lịch Nice... Vì thế, tại vòng 1 cuộc tranh cử (23-4), 50% cử tri Pháp đã ủng hộ phe cực hữu! Nước Pháp đang chia rẽ trong những ngày đi bỏ phiếu bầu người bẻ lái cái “đầu tàu của lịch sử”! Có nhìn thẳng vào sự thật ấy mới đánh giá hết ý nghĩa mà ngày 7.5.2017, người đàn ông 39 tuổi có tên là Macron đã dũng cảm và bình tĩnh “đi trên cầu Concorde để... đến thẳng điện Élysée!”
Marx đã rất đúng khi gọi Cách mạng 1789 là “đầu tàu của lịch sử.” Cụ Hồ cũng rất đúng khi dẫn Tuyên ngôn Dân quyền của Cách mạng Pháp vào Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng...” (Tous les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits).
Tình yêu mạnh hơn thù hận (L'amour plus fort que la haine!), ngay sau ngày bị khủng bố, tờ Charlie Hebdo đã viết như thế. Đó là “nét sáng chói của dân tộc Pháp” như lời trong diễn văn đầu tiên (8.5) khi trúng cử, đã giúp ông Macron chiến thắng với đa số phiếu. Muôn vàn khó khăn còn ở lại trước mặt người đàn ông dũng cảm này. Và, của cả nhân loại!
Sài Gòn 5/2017
L. P. K.
https://vandoanviet.blogspot.com/2017/05/kinh-chao-nuoc-phap.html