Quân đội Miền Nam vẫn tiếp tục bảo vệ vùng ven đô Sài Gòn. Họ từng chiến đấu hết sức anh dũng vào những giai đoạn cuối này của cuộc chiến, nhưng nay họ đang rơi vào tình trạng hỗn mang.
Miền Nam vốn đặt hết hy vọng vào quân viện mà người Mỹ từng cam kết, nay tin giờ chót cho hay sẽ không còn thêm viện trợ nào. Chuyến tàu chở trọng pháo chót đã được gửi đi nhưng không có đạn. Cả chính quyền lẫn quân đội nay biết rõ không còn gì để mà hy vọng nữa.
Màn kết đến vào sáng hôm sau, thứ Ba, ngày 29. Sáng hôm đó, tòa đại sứ Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc di tản. Người Mỹ ở Sài Gòn được nhắc nhở lắng nghe mật hiệu phát trên đài phát thanh Quân Đội Mỹ. Khi mật hiệu bắt đầu được phát, nó sẽ được lập lại mỗi mười lăm phút, theo sau bằng giọng Bing Crosby hát bản “White Christmas.”
Khi nghe được, tất cả văn phòng báo chí ngoại quốc, ở khu thương xá Eden, khách sạn Caravelle và ở nơi khác nữa, bắt đầu thu xếp hành lý. Nhân viên hãng Telenews đã rút lui từ một tuần trước, mang theo hết dụng cụ sang Bangkok, bỏ trống văn phòng và giao chùm chìa khóa cho tôi. Tôi chọn tường thuật cho London và họ hài lòng lắm nhưng từ đây Telenews không còn chịu trách nhiệm đối với tôi nữa.
Mặc dù Tân Sơn Nhứt bị pháo bằng hỏa tiễn, trực thăng TQLC Mỹ từ Đệ Thất Hạm Đội đậu ở ngoài khơi bay vào để di tản hết tất cả người Mỹ còn lại ở Sài Gòn. Họ cũng tính bốc luôn những người Việt làm việc cho các cơ quan Mỹ. Tuy nhiên máy bay không thể lên xuống vì phi trường phải đóng cửa do bị pháo, điều có nghĩa là người Việt được bốc sẽ ít hơn so với dự trù.
Người dân trong thành phố hiểu như vậy, nên cuộc hoảng loạn càng trầm trọng thêm. Người Mỹ cho các nhà báo ngoại quốc biết những địa điểm để trực thăng đến đón; những chuyến xe buýt đặc biệt cũng tìm đón họ ở những nơi chọn trước quanh thành phố. Chỉ một số rất ít phóng viên và nhiếp ảnh gia quyết định ở lại, trong đó có tôi và Mike.
Chúng tôi lập căn cứ ở văn phòng để trống của Telenews tại cao ốc Eden. Văn phòng của hãng thông tấn AP ở tầng trên chúng tôi. Vào khoảng 11 giờ trưa, sau khi kiểm tra xong dụng cụ chúng tôi quyết định lên đó xem thế nào, luôn tiện chào tạm biệt họ luôn.
Không ai rãnh để nói chuyện với chúng tôi. Cảnh tưởng ở đó trông điên rồ như một phòng học vô trật tự. Điện thoại reo inh ỏi nhưng không được trả lời, một giọng người Mỹ nói qua máy vô tuyến, cả phòng ai cũng lo vét dọn bàn làm việc của mình, nhét đồ vào bao, vào túi xách, họ làm thoăn thoắt. Hầu hết đều mồ hôi đầm đìa; có người cười giỡn, có người lo âu lộ trên nét mặt.
Một người đang xếp hành lý liếc mắt về phía chúng tôi. Gã là một chủ biên, có bộ râu mép vàng, tên là gì tôi quên mất. Quí vị mới sang hả? gã hỏi. Lo dời đít đi là vừa.
Không, chúng tôi ở lại, chúng tôi đáp. Và chúng tôi trao cho gã mớ phim, nhờ mang theo ra khỏi Việt Nam rồi chuyển đi giúp. Về sau gã đã chuyển. Telenews rất vui với những gì tôi gửi cho họ và tường thuật đó được chiếu ở nhiều quốc gia.
Các anh loạn thần kinh hết rồi, gã nói. Điên như Ed Carter đó kìa. Các anh sẽ chết. Giữa những người vội vàng, kêu la ồn ào, Ed vẫn điềm nhiên ngồi đọc báo, chân gát lên bàn làm việc của mình. Ed luôn luôn rất điềm tĩnh.
Chúng tôi bước đến gần và ông ngước nhìn lên qua cặp kính. Theo tôi, nên có ai đó ở lại để đón Đại Tướng Giáp chứ. Các anh muốn tôi nhập bọn chung luôn không? Tôi có phương tiện ngon lành đây. Vừa nói ông vừa đưa lên cao xâu chìa khóa.
Các đặc phái viên được trực thăng đến bốc đi mỗi người chỉ được phép mang theo một hành lý; ngoài ra bắt buộc phải vứt lại hết. Một tay biên tập của AP đành gạt nước mắt để lại chiếc Ford Mustang tuyệt đẹp, y giao chìa khóa cho Ed và dặn nhờ bán lại giùm rồi gửi tiền cho y, trường hợp nếu ông may mắn được CS tha chết. Vì vậy chúng tôi đi đến chỗ ở của y để lấy chiếc Mustang rồi lái chạy vòng vòng quanh thành phố.
Ngoài đường đám đông có thể thấy khắp nơi. Ai cũng tay xách nách mang, người xách vali, người dắt bầy con. Nhiều người chạy như trong cơn điên loạn, tôi nghĩ họ không còn biết đường nào để chạy nữa.
Tôi thấy một người đàn ông tóc bạc, nhỏ con, đội nón vải trắng, tay xách một vali nhỏ, đang chạy vòng tròn giữa đường Nguyễn Huệ, tôi chắc là ông ta bị quẩn trí rồi. White Mice (tiếng lóng người Mỹ ám chỉ cảnh sát hoặc quân cảnh người Việt. tp) bây giờ biến mất hết, điều khiến chúng tôi hiểu rằng an ninh trật tự không còn nữa, thành phố trở nên vô chủ.
Đúng ra cả thủ đô đang trong tình trạng giới nghiêm nhưng điều đó bây giờ trở nên vô nghĩa. Thành phố nay giống như một cuộc vui cuồng loạn nhưng không phải cuộc vui giải trí.
Xe buýt của người Mỹ đi Tân Sơn Nhứt chạy khắp thành phố, đến những điểm đón đặc biệt để đón hành khách; và người dân trên các con phố, có đến hàng chục, hàng ngàn, chạy theo, van xin, kêu gào muốn được lên theo.
Giờ đây họ xem những chuyến xe buýt là hy vọng cuối cùng, mà họ đúng. Các tài xế tìm cách xua đuổi họ mỗi lần mở cửa nhưng không phải luôn luôn làm như vậy được. Cửa sổ xe buýt được bảo vệ bằng lưới thép dày, nhưng vẫn có người lọt vào qua cửa kéo ở phía sau, nhiều người nhét con cái của họ vào.
Xe vô chủ bỏ lại dọc đường, chìa khóa vẫn còn treo ngay ổ, nếu ai cần, chỉ việc leo lên lái đi. Ở nhiều vỉa hè, chúng tôi thấy quân phục lính Miền Nam quăng bỏ, mấy người lính nay thay qua đồ thường dân rồi hòa lẫn vào với đám đông.
Cuộc hôi của bắt đầu, người ta xông vào các biệt thự sang trọng và đường phố trở thành nơi nguy hiểm. Nhiều người nay ghét Mỹ vì đã bỏ rơi họ, vì thế khi chúng tôi chạy ngang qua, và họ thấy những khuôn mặt da trắng của Mike và của Ed Carter, họ hét to: Go home, Yankees. Tụi Mỹ cút về nước đi. Du đảng Sài Gòn phóng xe Honda đi giật đồ. Chúng tôi cũng thấy có người không làm gì cả; họ chỉ việc đứng khóc trên vỉa hè như trẻ con bị lạc.
(Xem tiếp kỳ sau) Mac Dinh chuyen