Truyện Ngắn & Phóng Sự
Thằng Bạn Chưa Thân
Cái thằng bạn cùng khoá chơi ác thiệt, nó cứ nhắm vô mình mà bắt viết cho tập san binh chủng của nó một bài, mà thật tình tôi có phải là dân cầm viết đâu, thành tích học hành trong quá khứ của tôi là văn không hay, chữ không giỏi. Vậy mà nó cứ bơm tôi lên trên chín mười từng mây xanh, nào là mầy làm được, tao thấy mầy có lý luận khá “cứng” v.v… Tôi phát bật cười, cứng gì mà cứng, cái kiểu lý luận cùn như tôi chỉ để chọc giận bạn bè cho vui, chớ nếu mà tôi giỏi về môn nầy thì chắc tôi không đi lính mà đã bon chen theo ngành chính trị rồi!
Đầu óc bây giờ tệ lắm, không còn sáng như hồi thanh niên trong trường, với lại trăm ngàn chuyện nghĩ suy riết rồi bộ óc cũng biến thành đông đặc. Nhớ chuyện nầy bắt qua chuyện kia, mà chỉ cần vài phút không tự kềm chế được mình, múa bậy múa bạ là sinh ra đụng chạm mích lòng. Cho nên tôi chỉ muốn hòa lẫn trong bóng râm của quãng đời còn lại, không muốn gợi nhớ những kỷ niệm của một thời quá khứ hiên ngang, từ khi bước qua cổng Nam Quan của trường Mẹ cho đến ngày ngẩng cao đầu hãnh diện “Đứng dậy tân Sĩ Quan”.
Rồi sau cuộc đổi đời đầy bi thảm và uất ức, từng tháng ngày thăng trầm trôi qua mãi. Cho đến bây giờ tôi tưởng là đã quá xa, quá lâu, cũng tưởng là đã quên đi để chấp nhận sự an bình của hiện tại mà tiếp tục sống với con, với cháu ở một nơi xa thật xa, khác biệt hẳn với quê hương mình hồi đó, sống với tiện với nghi không thật nhiều nhưng cũng khá đầy đủ so với sự nghèo khổ túng cùng trước kia. Vậy mà không hẳn là như thế! Tưởng quên nhưng thật sự không thể nào quên, cái nhớ vẫn còn ẩn nấp đâu đó, làm như là có một tập hồ sơ cũ kỹ nhưng mà sạch trơn nằm ở trong đầu của mình, hễ đúng vào cái thời điểm cần phải nhớ lại là nó tự động mở ra từ từ lật từng trang từng trang như mình đang đọc sách vậy. Và rồi nước ở đâu trong khóe mắt nó cứ tuôn ra, không cách gì ngăn lại được. Tôi thấy mình đang khóc, phải, khóc thiệt, khóc như một đứa trẻ con vừa bị giật mất một món đồ mà nó thích, đang giữ chặt trong lòng bàn tay của nó. Đó, tại nó mà tôi sắp mắc phải lỗi lầm, xé rào phá lệ do chính mình tự đặt ra. Thôi thôi, tôi sẽ không nhớ nhiều về quá khứ thương đau ấy nữa đâu!
Nói đến thằng bạn, tôi cứ phải... bật cười một mình. Hai đứa trong trường chỉ biết nhau qua những lần tập họp hay đi học văn hóa, quân sự chung, chớ tôi bên tiểu đoàn 1 còn nó ở tiểu đoàn 2. Hai dãy “batiment” cách nhau một cái sân cỏ Trung Đoàn, đứa nào cũng có những sinh hoạt riêng của phía bên mình rất hiếm khi chạy qua chạy về. Chúng tôi, cho đến ngày tốt nghiệp vẫn chưa phải là đôi bạn chí thân.
Gặp lại nhau lần ấy trên chiến trường “ngoại biên” khoảng chừng chưa tới một năm sau ngày mãn khoá, nó về binh chủng đi bộ nhưng là đơn vị thứ dữ rằn ri “cọp nhe răng”, tôi thì chơi nón đen đội ngược, đi xe có bọc sắt đàng hoàng. VC thì xếp tụi tôi cũng vào hàng cọp như thằng bạn tôi, nhưng là “cọp giấy”. Sở dĩ hai đứa tôi có duyên gặp lại nhau là vì mặc dù không đi chung đơn vị nhưng lại chung một Vùng Chiến Thuật, và còn đậm đà hơn nữa là xe bọc sắt có nhiệm vụ cõng mấy anh rằn ri đi bộ cho lẹ. Thế là gặp nhau ở môt nơi xa lắc bên ngoài lãnh thổ quốc gia mình và cũng chính cái nhiệm vụ phải đi “tùng thiết” mà hai đơn vị có “tình” với nhau hơn. Mừng lắm, vui quá. Mừng vì hai thằng vẫn còn sống, vẫn còn đang hít thở chung một bầu khí quyển trên chiến trường sôi bỏng sau ngày ra trường.
Đã có vài người sớm bỏ anh em mà ra đi xa thật là xa không ngoái đầu nhìn lại, nhưng tôi tin chắc rằng các bạn ấy vẫn còn đang quanh quẩn đâu đó rất gần anh em chúng tôi để mà phù hộ cho chúng tôi thẳng tiến về phía trước. Mừng vì chỉ mới có mấy tháng mà đứa nào đứa nấy ngó coi bộ dạng khá phong trần khác xa hẳn với hồi mới là tân sĩ quan dáng vẻ thư sinh. Nhưng mặc dù là lính lội bộ băng rừng, nó vẫn giữ phong cách cũ, nghĩa là vẫn trông sạch nét, không bèo nhèo bôi bác. Nó làm cho tôi hãnh diện lây trước các sĩ quan và binh sỉ của đơn vị tôi. Cái dáng dong dỏng cao, phủ đầy bụi đường xa vẫn không che được nụ cười ngạo mạn, nó hất hàm hỏi tôi,
- Ê, khỏe không mầy?
Tôi cũng cười nhẩy xuống xe, không trả lời ngay được vì thấy như mắc nghẹn trong cổ họng vậy. Hai anh chàng Thiếu Úy trẻ với hai mầu quân phục khác nhau trên cánh đồng ruộng khô, trong lúc dừng quân chờ lập căn cứ phòng thủ dã chiến, đã khiến cho binh lính của hai đơn vị tò mò nhìn hai đứa chúng tôi chuyện trò râm ran như là hai anh em ruột tình cờ gặp lại sau nhiều năm xa cách. Mà thiệt tình, tất cả anh em tụi tôi, chẳng những cùng khóa mà cùng xuất thân từ trường Mẹ, đều tự xem nhau như anh em ruột thịt vậy. Điều nầy chắc bây giờ nhiều người cũng đã nhận thấy.
Sau lần gặp ngắn ngủi ấy, cuộc đời binh nghiệp đã đưa chúng tôi tiếp tục đi, miệt mài ngày tháng dài trong binh lửa chiến chinh, đi để thực hiện “giấc mộng vàng” của tuổi trẻ thời bấy giờ. Giấc mộng mà ai ai cũng mong cũng muốn. Đó là trên ngực áo phải lóng lánh huy chương chiến công và trên cổ áo trellis có đơm thêm vài bông mai vàng, bông mai bạc sáng rực rỡ huy hoàng. Vậy là tạm quên nhau đi để mai sau nầy có dịp gặp lại, nhìn nhau trong niềm hân hoan hãnh diện đời trai.
Nhưng than ôi, giấc Nam Kha đã bất thành, hai thằng chúng tôi tình cờ gặp lại với nụ cười méo xệch trên đường phố nhộn nhịp vội vàng người qua lại của Sài Gòn, sau khi được phóng thích từ các trại tù khổ sai không lồ của CSVN. Những trại tù đày khắc nghiệt mà bọn chúng đã từng tự hào là cầm chân được hằng ngàn sĩ quan của quân lực mình. Rồi lại hấp tấp hỏi thăm nhau, rồi mừng một chút vì hai thằng vẫn còn sống sót sau bao nhiêu năm biến đổi thăng trầm, rồi buồn nhiều hơn vì thương xót cho số phận hẩm hiu của Tổ Quốc mình, buồn vì sự mất mát to lớn mà không do chính mình gây ra.
Hỏi nó đang làm gì để “thoát hiểm mưu sinh”? Không trả lời, nó đưa ngón tay chỉ vào mấy cái can nhựa trắng được ràng dây thun ba bốn sợi chằng chịt cẩn thận đàng sau yên chiếc xe honda xập xình. Tôi hỏi nó để đựng cái gì trong đó? Nó trả lời gọn hơ “bia lên cơn”. Rồi nó bắt đầu giải thích,
- Tao chế biến bia rồi tự đi giao mối cho mấy quán nhậu lề đường ở miệt xa xa. Tên gọi của nó là “bia hơi”, nhưng dân giang hồ tứ xứ gọi nó là “bia lên cơn”. Nhờ là dân có “học hành đàng hoàng”, mẹ nó, chớ phải đồ bỏ đâu! Cho nên tao chế biến được đúng công thức và nguyên tắc, độ nồng của bia đậm đà hơn là các “nhà sản xuất lậu” khác, nên cũng kiếm được nhiều mối hơn. Nhờ thế tao tạm sống qua ngày.
Tôi lại hỏi,
- Mầy chế nhưng mà có uống không?
Nó trả lời tỉnh bơ, “Không!” Biết thằng bạn mình thật tình, tôi tin nó. Rồi nó hỏi tôi làm gì?
- Tao đi bán đồ văn phòng phẩm cho mấy cái tiệm sách và tạp hóa ở xa. Nói thiệt ra là chạy mua hàng trong Chợ Lớn mới rồi đi chào bán ở chỗ khác xa, lấy chút công làm lời, ít lâu rồi quen mối, chạy theo “toa” của tiệm. Họ cũng biết giá gốc nhưng đi lấy hàng xa mất công, tốn kém cũng vô đó, giờ có người đi thế cũng đỡ, lại còn được đặt món nào hết chút đỉnh thì mua liền khỏi chờ cho cả tiệm gần hết rồi mới đi một lần. Nhờ vậy mà tao cũng kiếm sống qua ngày. Ban đầu thì còng lưng trên chếc xe đạp “bốn vùng chiến thuật” giăng nắng cả ngày, giờ mua được chiếc SU100, biệt danh của “con trâu già Suzuky một trăm năm”, 50cc, đỡ chân đạp mỗi ngày! Cũng biết luồn lách mượn đầu heo nấu cháo. Chớ ở tù ra lấy gì mà làm vốn. Một phần là nhờ mấy ông bà chủ sạp người Hoa, họ nghe mình nói là sĩ quan “cải tạo” mới về, nhìn cái dáng vẻ sao đó nên họ tin liền. Còn nói , “Chú cứ lấy hàng đi bán đi rồi thu tiền đem về trả cho tui là được rồi, chút đỉnh mà.” Họ còn khuyên mình ráng bám cái Chợ Lớn nầy mà sống, “Chú không có chết đói được đâu!” Thế là tao nghe lời họ cứ quần thảo trong miệt Chợ Lớn suốt mấy năm trời nay rồi!
Kể chuyện cho nhau nghe mà cùng nhau muốn ứa nước mắt, nhưng rồi cũng ráng mỉm miệng cười, nhớ một lời nguyền “Không có gì không thể làm được đối với người sinh viên sỉ quan.”
Seattle mùa đông 2012
minhtank23
Sinh Tồn chuyển
Thằng Bạn Chưa Thân
Cái thằng bạn cùng khoá chơi ác thiệt, nó cứ nhắm vô mình mà bắt viết cho tập san binh chủng của nó một bài, mà thật tình tôi có phải là dân cầm viết đâu, thành tích học hành trong quá khứ của tôi là văn không hay, chữ không giỏi. Vậy mà nó cứ bơm tôi lên trên chín mười từng mây xanh, nào là mầy làm được, tao thấy mầy có lý luận khá “cứng” v.v… Tôi phát bật cười, cứng gì mà cứng, cái kiểu lý luận cùn như tôi chỉ để chọc giận bạn bè cho vui, chớ nếu mà tôi giỏi về môn nầy thì chắc tôi không đi lính mà đã bon chen theo ngành chính trị rồi!
Đầu óc bây giờ tệ lắm, không còn sáng như hồi thanh niên trong trường, với lại trăm ngàn chuyện nghĩ suy riết rồi bộ óc cũng biến thành đông đặc. Nhớ chuyện nầy bắt qua chuyện kia, mà chỉ cần vài phút không tự kềm chế được mình, múa bậy múa bạ là sinh ra đụng chạm mích lòng. Cho nên tôi chỉ muốn hòa lẫn trong bóng râm của quãng đời còn lại, không muốn gợi nhớ những kỷ niệm của một thời quá khứ hiên ngang, từ khi bước qua cổng Nam Quan của trường Mẹ cho đến ngày ngẩng cao đầu hãnh diện “Đứng dậy tân Sĩ Quan”.
Rồi sau cuộc đổi đời đầy bi thảm và uất ức, từng tháng ngày thăng trầm trôi qua mãi. Cho đến bây giờ tôi tưởng là đã quá xa, quá lâu, cũng tưởng là đã quên đi để chấp nhận sự an bình của hiện tại mà tiếp tục sống với con, với cháu ở một nơi xa thật xa, khác biệt hẳn với quê hương mình hồi đó, sống với tiện với nghi không thật nhiều nhưng cũng khá đầy đủ so với sự nghèo khổ túng cùng trước kia. Vậy mà không hẳn là như thế! Tưởng quên nhưng thật sự không thể nào quên, cái nhớ vẫn còn ẩn nấp đâu đó, làm như là có một tập hồ sơ cũ kỹ nhưng mà sạch trơn nằm ở trong đầu của mình, hễ đúng vào cái thời điểm cần phải nhớ lại là nó tự động mở ra từ từ lật từng trang từng trang như mình đang đọc sách vậy. Và rồi nước ở đâu trong khóe mắt nó cứ tuôn ra, không cách gì ngăn lại được. Tôi thấy mình đang khóc, phải, khóc thiệt, khóc như một đứa trẻ con vừa bị giật mất một món đồ mà nó thích, đang giữ chặt trong lòng bàn tay của nó. Đó, tại nó mà tôi sắp mắc phải lỗi lầm, xé rào phá lệ do chính mình tự đặt ra. Thôi thôi, tôi sẽ không nhớ nhiều về quá khứ thương đau ấy nữa đâu!
Nói đến thằng bạn, tôi cứ phải... bật cười một mình. Hai đứa trong trường chỉ biết nhau qua những lần tập họp hay đi học văn hóa, quân sự chung, chớ tôi bên tiểu đoàn 1 còn nó ở tiểu đoàn 2. Hai dãy “batiment” cách nhau một cái sân cỏ Trung Đoàn, đứa nào cũng có những sinh hoạt riêng của phía bên mình rất hiếm khi chạy qua chạy về. Chúng tôi, cho đến ngày tốt nghiệp vẫn chưa phải là đôi bạn chí thân.
Gặp lại nhau lần ấy trên chiến trường “ngoại biên” khoảng chừng chưa tới một năm sau ngày mãn khoá, nó về binh chủng đi bộ nhưng là đơn vị thứ dữ rằn ri “cọp nhe răng”, tôi thì chơi nón đen đội ngược, đi xe có bọc sắt đàng hoàng. VC thì xếp tụi tôi cũng vào hàng cọp như thằng bạn tôi, nhưng là “cọp giấy”. Sở dĩ hai đứa tôi có duyên gặp lại nhau là vì mặc dù không đi chung đơn vị nhưng lại chung một Vùng Chiến Thuật, và còn đậm đà hơn nữa là xe bọc sắt có nhiệm vụ cõng mấy anh rằn ri đi bộ cho lẹ. Thế là gặp nhau ở môt nơi xa lắc bên ngoài lãnh thổ quốc gia mình và cũng chính cái nhiệm vụ phải đi “tùng thiết” mà hai đơn vị có “tình” với nhau hơn. Mừng lắm, vui quá. Mừng vì hai thằng vẫn còn sống, vẫn còn đang hít thở chung một bầu khí quyển trên chiến trường sôi bỏng sau ngày ra trường.
Đã có vài người sớm bỏ anh em mà ra đi xa thật là xa không ngoái đầu nhìn lại, nhưng tôi tin chắc rằng các bạn ấy vẫn còn đang quanh quẩn đâu đó rất gần anh em chúng tôi để mà phù hộ cho chúng tôi thẳng tiến về phía trước. Mừng vì chỉ mới có mấy tháng mà đứa nào đứa nấy ngó coi bộ dạng khá phong trần khác xa hẳn với hồi mới là tân sĩ quan dáng vẻ thư sinh. Nhưng mặc dù là lính lội bộ băng rừng, nó vẫn giữ phong cách cũ, nghĩa là vẫn trông sạch nét, không bèo nhèo bôi bác. Nó làm cho tôi hãnh diện lây trước các sĩ quan và binh sỉ của đơn vị tôi. Cái dáng dong dỏng cao, phủ đầy bụi đường xa vẫn không che được nụ cười ngạo mạn, nó hất hàm hỏi tôi,
- Ê, khỏe không mầy?
Tôi cũng cười nhẩy xuống xe, không trả lời ngay được vì thấy như mắc nghẹn trong cổ họng vậy. Hai anh chàng Thiếu Úy trẻ với hai mầu quân phục khác nhau trên cánh đồng ruộng khô, trong lúc dừng quân chờ lập căn cứ phòng thủ dã chiến, đã khiến cho binh lính của hai đơn vị tò mò nhìn hai đứa chúng tôi chuyện trò râm ran như là hai anh em ruột tình cờ gặp lại sau nhiều năm xa cách. Mà thiệt tình, tất cả anh em tụi tôi, chẳng những cùng khóa mà cùng xuất thân từ trường Mẹ, đều tự xem nhau như anh em ruột thịt vậy. Điều nầy chắc bây giờ nhiều người cũng đã nhận thấy.
Sau lần gặp ngắn ngủi ấy, cuộc đời binh nghiệp đã đưa chúng tôi tiếp tục đi, miệt mài ngày tháng dài trong binh lửa chiến chinh, đi để thực hiện “giấc mộng vàng” của tuổi trẻ thời bấy giờ. Giấc mộng mà ai ai cũng mong cũng muốn. Đó là trên ngực áo phải lóng lánh huy chương chiến công và trên cổ áo trellis có đơm thêm vài bông mai vàng, bông mai bạc sáng rực rỡ huy hoàng. Vậy là tạm quên nhau đi để mai sau nầy có dịp gặp lại, nhìn nhau trong niềm hân hoan hãnh diện đời trai.
Nhưng than ôi, giấc Nam Kha đã bất thành, hai thằng chúng tôi tình cờ gặp lại với nụ cười méo xệch trên đường phố nhộn nhịp vội vàng người qua lại của Sài Gòn, sau khi được phóng thích từ các trại tù khổ sai không lồ của CSVN. Những trại tù đày khắc nghiệt mà bọn chúng đã từng tự hào là cầm chân được hằng ngàn sĩ quan của quân lực mình. Rồi lại hấp tấp hỏi thăm nhau, rồi mừng một chút vì hai thằng vẫn còn sống sót sau bao nhiêu năm biến đổi thăng trầm, rồi buồn nhiều hơn vì thương xót cho số phận hẩm hiu của Tổ Quốc mình, buồn vì sự mất mát to lớn mà không do chính mình gây ra.
Hỏi nó đang làm gì để “thoát hiểm mưu sinh”? Không trả lời, nó đưa ngón tay chỉ vào mấy cái can nhựa trắng được ràng dây thun ba bốn sợi chằng chịt cẩn thận đàng sau yên chiếc xe honda xập xình. Tôi hỏi nó để đựng cái gì trong đó? Nó trả lời gọn hơ “bia lên cơn”. Rồi nó bắt đầu giải thích,
- Tao chế biến bia rồi tự đi giao mối cho mấy quán nhậu lề đường ở miệt xa xa. Tên gọi của nó là “bia hơi”, nhưng dân giang hồ tứ xứ gọi nó là “bia lên cơn”. Nhờ là dân có “học hành đàng hoàng”, mẹ nó, chớ phải đồ bỏ đâu! Cho nên tao chế biến được đúng công thức và nguyên tắc, độ nồng của bia đậm đà hơn là các “nhà sản xuất lậu” khác, nên cũng kiếm được nhiều mối hơn. Nhờ thế tao tạm sống qua ngày.
Tôi lại hỏi,
- Mầy chế nhưng mà có uống không?
Nó trả lời tỉnh bơ, “Không!” Biết thằng bạn mình thật tình, tôi tin nó. Rồi nó hỏi tôi làm gì?
- Tao đi bán đồ văn phòng phẩm cho mấy cái tiệm sách và tạp hóa ở xa. Nói thiệt ra là chạy mua hàng trong Chợ Lớn mới rồi đi chào bán ở chỗ khác xa, lấy chút công làm lời, ít lâu rồi quen mối, chạy theo “toa” của tiệm. Họ cũng biết giá gốc nhưng đi lấy hàng xa mất công, tốn kém cũng vô đó, giờ có người đi thế cũng đỡ, lại còn được đặt món nào hết chút đỉnh thì mua liền khỏi chờ cho cả tiệm gần hết rồi mới đi một lần. Nhờ vậy mà tao cũng kiếm sống qua ngày. Ban đầu thì còng lưng trên chếc xe đạp “bốn vùng chiến thuật” giăng nắng cả ngày, giờ mua được chiếc SU100, biệt danh của “con trâu già Suzuky một trăm năm”, 50cc, đỡ chân đạp mỗi ngày! Cũng biết luồn lách mượn đầu heo nấu cháo. Chớ ở tù ra lấy gì mà làm vốn. Một phần là nhờ mấy ông bà chủ sạp người Hoa, họ nghe mình nói là sĩ quan “cải tạo” mới về, nhìn cái dáng vẻ sao đó nên họ tin liền. Còn nói , “Chú cứ lấy hàng đi bán đi rồi thu tiền đem về trả cho tui là được rồi, chút đỉnh mà.” Họ còn khuyên mình ráng bám cái Chợ Lớn nầy mà sống, “Chú không có chết đói được đâu!” Thế là tao nghe lời họ cứ quần thảo trong miệt Chợ Lớn suốt mấy năm trời nay rồi!
Kể chuyện cho nhau nghe mà cùng nhau muốn ứa nước mắt, nhưng rồi cũng ráng mỉm miệng cười, nhớ một lời nguyền “Không có gì không thể làm được đối với người sinh viên sỉ quan.”
Seattle mùa đông 2012
minhtank23
Sinh Tồn chuyển