Truyện Ngắn & Phóng Sự
Chuyến Bay Định Mạng và Những Người Mỹ Cao Thượng
Khi những nhóm phản chiến Hoa Kỳ, trong những y phục nhìn không được sạch sẽ lang thang trên các công viên đường phố Hoa Kỳ lên tiếng cáo buộc cho rằng “người lính Mỹ tại VIệt Nam là những người bắn giết trẻ thơ” thì chính lúc đó, những người lính Mỹ đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, và rất nhiều công tác hữu ích cho con người. Tôi đã có dịp xử dụng những cơ sở, phòng ốc và những sự săn sóc hữu hiệu, vì con người, của những người Mỹ đó.
Tôi nhớ lại vào khoảng trưa 12 tháng 10 năm 1972, tôi được đưa vào Bịnh Viện 95 Dã Chiến Hoa Kỳ, từ Phi Đạo của Phi Đoàn 233, Không Đoàn 51 Chiến Thuật, Đà Nẵng, Miền Nam Việt Nam. Đây là ngày vui của Phi Đoàn 233. Chúng tôi có thể nói là ngày vui của cả Sư Đoàn Một Không Quân. Lý do quá giản dị. Tôi đã ở trong rừng năm đêm, sáu ngày vừa qua, phá kỷ lục, sau khi chiếc trực thăng của tôi bị hỏa tiễn Việt Cộng bắn trúng đứt đuôi.
Bịnh Viện này rất quen thuộc với những người phi hành như tôi. Tất cả nhân viên phi hành đều được trị thương tốt lành như chính những người lính Mỹ. Bịnh Viện được trang bị đầy đủ cho dù đây là một Bịnh Viện Dã Chiến!
oOo
Vào Chuyện,
Ngày 07 tháng 10 năm 1972
Phi Đoàn 233, Thiên Ưng, Không Đoàn 51 Chiến Thuật, biệt phái 13 chiếc trực thăng với trách nhiệm 4 ngày liền tại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, phi trường Phú Bài, để phục vụ cho Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam 6 trực thăng, đóng tại quận Hương Điền; và Sư Đoàn Dù 7 trực thăng, đóng tại cây số 17 Quốc Lộ 1.
Khoảng hơn 9 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1972, tôi được phi lịnh bốc giúp một thiếu phụ lâm vào cảnh khó khăn sinh con, khoảng 20 phút bay về phía Bắc của quận Hương Điền, chúng tôi gọi là Ngã Tư Quốc Tế, và đưa bà mẹ không may này về Bịnh Viện Nguyễn Tri Phương, Huế.
Sau phi vụ nhân đạo đó, tôi trở lại quận Hương Điền, Cơ Phi và Xạ Thủ đã nhanh chóng cột xong cánh quạt chánh để tránh gió đập làm hỏng. Chúng tôi có bữa cơm trưa đạm bạc bên hàng tre già còn xanh lá, cạnh con đường đất miền quê hiền hòa Hương Điền uốn éo giữa những đám ruộng lúa xanh rờn đầy nhựa sống! Sau đó, chúng tôi còn lãnh lương nữa chứ, lãnh lương tại nơi mình biệt phái, xin cám ơn Phòng Lương Sư Đoàn I Không Quân. Nhân viên phi hành được ưu tiên, không xếp hàng đợi chờ mất thì giờ. Tôi được ngạch lương 32 ngàn 500 đồng mỗi tháng, tôi cẩn thận xếp đôi xấp tiền cho gọn và để tất cả vào túi áo bay bên chân phải, xong kéo miệng túi bảo đảm không rơi mất đồng lương nhiều mồ hôi, và nguy hiểm đó!
Chỉ trong khoảng nửa giờ sau bữa cơm trưa, tôi nhận được một phi lịnh đặc biệt khác nữa. Đó là phi lịnh cứu cấp. Một hoa tiêu A- 37 bị súng phòng không Việt Cộng. Anh ta đã nhảy dù xuống an toàn một giờ vừa qua!
Tôi đã nhiều lần cứu cấp hoa tiêu lâm nạn phải nhảy dù xuống như vậy. Nhưng lần này, tôi cảm thấy rất đặc biệt. Tại sao A-37 oanh tạc lại không báo cho trực thăng ứng trực ngay trên bầu trời? Tại sao phải đợi đến một giờ sau mới gọi cứu cấp? Ai trách nhiệm cho việc ra lịnh trễ nảy như vậy? Thiếu trách nhiệm chết người!
Tôi phải cố nhanh chóng hành động sao cho hơn tốc độ của kim đồng hồ. Tôi chụp lấy nón bay, nhảy lên ghế lái, dù ẫchưa xỏ chân vào gìày, và vẩy tay ra lịnh mở dây cột cánh quạt. Tôi ra hiệu năm chiếc trực thăng, gồm có cả hai chiếc võ trang còn lại cất cánh sau tôi. Phi hành đoàn của tôi chưa ai mang giày, và mang áo an toàn. Chúng tôi vừa bay và vừa trang bị cho đầy đủ. Tôi cũng đã kiểm soát xem tất cả phi hành đoàn đều có áo an toàn vì rằng hoa tiêu đã lâm nạn hơn một giờ qua. Một giờ, thời gian đủ dài để Việt Cộng chuẩn bị những cái bẫy, và chuẩn bị đầy đủ hỏa lực để sẵn sàng dụ những phi hành đoàn cứu cấp gan dạ như chúng tôi!
Ngay sau khi cất cánh tại Hương Điền, tôi bấm máy ra lịnh 3 trực thăng vận tải theo sau phải giữ khoảng cách là 3 phút bay. Hai chiếc võ trang bay hai bên cách tôi một phút bay, vì tôi phải áp dụng chiến thuật bay cho phi lịnh cực kỳ nguy hiểm này!
Trên bầu trời Quảng Trị , nắng gắt, gió Đông Nam thổi nhẹ. Quan Sát Cơ L-19 mang tên Pigeon 10 đang trách nhiệm bao vùng theo dõi.Tôi bắt đầu liên lạc với anh ta khi còn bay với cao độ 1000 bộ, với tốc độ 110 knotts
- Pigeon 10, Pigeon 10, Eagle 3, Eagle 3, Eagle 3 là tên của tôi trong phi lịnh này.
- Eagle 3, Eagle 3, Pigeon 10 tôi nghe anh.
- Pigeon 10, chỉ dẫn mục tiêu.
- 12 giờ trước mặt,
- 12 giờ nhận rõ.
Sau đó, tôi đã quyết định đưa trực thăng nhào xuống bay sát mặt đất, tốc độ 120 knotts và bắt đầu bay chiến thuật vào vùng tử địa.
Cứ mỗi giây phút trôi qua là nguy hiểm đến gần hơn và gần hơn. Mặc dù hai chiếc võ trang bay sau tôi để yểm trợ, tôi cho lịnh Xạ thủ Tuấn và Cơ Phi Xôm khi tôi nghiêng cánh bên nào bên đó bắn không ngừng để đàn áp hỏa lực Việt Cộng dưới đất.
Tôi đã liên lạc với Pigeon 10 nhiều lần và cũng nhận cùng một câu trả lời như trên. Hỏa lực từ đất bắn lên rát lắm. Chúng xuyên thủng trực thăng nhiều nơi. Một viên đạn đã nổ tung phía đầu bọc kính, trước chân tôi. Một mảnh nhỏ đã bay vào giữa đôi chân mày, trên sóng mũi tôi, một giọt máu lăn xuống mí mắt làm tôi thấy màu đỏ loang loáng. Tôi biết ngay rõ ràng là chốn nguy hiểm vô cùng đã đến. Tôi bảo hoa tiêu phụ Trịnh Hữu Văn:
- Tao đã trúng miểng đạn ở trán. Mầy để tay vào cần lái, bay theo tao.
Văn, không nói lời nào, nhanh chóng đưa tay vào cần lái và nhẹ nhàng bay theo tôi. Đây là cách phòng ngừa khi tôi thình lình ra đi trên ghế lái.
Từ Phòng Kiểm Soát Hành Quân, sau khi nghe tiếng tôi, Thiếu Tá Nguyễn văn Thanh, giọng nhẹ nhàng ra lịnh:
- Eagle 3, Phải hết sức cẩn thận. Rồi Thiếu Tá lập lại, “Phải hết sức cẩn thận, Tôi nói anh hiểu không?”
- Vâng, Eagle 3 tôi hiểu, Thiếu Tá!
Liên lạc với Pigeon 10, thì vẫn chỉ có một câu trả lời “12 giờ trước mặt!” Tôi thấy được những tràng đạn đại liên mini của hai chiếc trực thăng võ trang nổ dòn phía trước dưới chân tôi. Tôi cũng thấy những viên đạn lửa của Việt Cộng bay xiên xéo lên phi cơ. Trong lúc nóng lòng tìm Hoa Tiêu lâm nạn, thình lình Cơ Phi Xôm hét to lên mừng rỡ:
- Cánh dù bên trái! Thiếu Úy!
Tôi nhanh chóng nhìn về phía trái, khi bay 120 knotts. Tôi kéo xuống 80 rồi 60 rồi sẵn sàng đáp xuống. Nhưng không có hoa tiêu lâm nạn ở đó, chỉ có cánh dù mà thôi! Tôi lại liên lạc:
- Pigeon 10, Pigeon 10, Eagle 3
- Eagle 3, Pigeon 10
- Mục tiêu.
- 12 giờ trước mặt, Nghe rõ?
Lại cứ trả lời 12 giờ nữa rồi! Tôi trả lời nhanh:
- 12 giờ trước mặt, Nhận rõ!
Việc liên lạc trên phi cơ gồm 3 hệ thống. Đó là FM, UHF và VHF. Tôi dùng FM với Pigeon 10, để cho các lực lượng dưới đất trong vùng, cùng tần số, có thể theo dỏi phi vụ cứu nguy này. VHF và UHF để dùng vào Kiểm Soát Không Lưu và nội bộ. Ngoài trời nắng lên gay gắt, nóng ơi là nóng. Hai mảnh áo an toàn trước và sau thân tôi làm tôi không thoải mái.
Tôi vẫn theo chỉ dẫn “12 giờ trước mặt” của Pigeon 10. Gió Đông Nam thổi nhẹ. Trời nắng nóng càng nóng hơn. Hai phút sau khi bay khỏi nơi thấy cánh dù, lần này tôi nhận ra hoa tiêu lâm nạn.
Tôi dùng phương pháp đáp khẩn cấp từ 120 knotts, bay thấp trên mặt đất cùng lúc vội vàng bấm máy ra lịnh:
- Tất cả ba trực thăng theo sau bay ra ngoài vùng. Trực thăng võ trang bắn thêm yểm trợ.
Và tôi quyết định đáp xuống khi cả vùng trời ngập trong lửa đạn đủ loại, miểng pháo và khói bụi mịt mù. Kéo cần lái sát vào người, cùng lúc tôi đưa cần cao độ sát xuống thấp, quẹo trái, áp dụng kỹ thuật đáp khẩn cấp. Đạn của ta và đạn của địch thi tài áp đảo nhau! Việt Cộng còn giúp thêm cho tử thần bằng cách mưa pháo bồi vào bãi đáp nữa chứ! Quang cảnh chẳng khác nào phi hành đoàn vào địa ngục để cứu hoa tiêu A-37 lâm nạn!
Cơ phi Xôm và Xạ thủ Tuấn gan dạ và nhanh nhẹn nhảy xuống đất, phóng nhanh về phía hoa tiêu lâm nạn và kẹp hai tay xốc anh này chạy vội vàng về trực thăng. Tôi nhận ra đó là Thiếu Úy Nguyễn Hàn.
Khi cả ba đã bước lên trực thăng. Tôi vội vã kéo cần lái, cần cao độ cất cánh trong bụi cát mịt mù dưới cơn bão pháo và súng nhỏ lớn, các loại của Việt Cộng. Tất cả vô cùng mừng rỡ, phi vụ cứu cấp đã sắp thành công! Tôi vội bay hướng Đông Nam về Huế, Phú Bài!
Mọi việc được hoàn tất mau chóng và chuyên nghiệp trong khi Việt Cộng liên tục pháo vô số vào bãi đáp!
Khi đạt tới cao độ vào khoảng 200 bộ, một quả pháo chạm phải cánh quạt đuôi. Trực thăng giựt mạnh quẹo sang trái. Tôi lại phải tắt máy và áp dụng thể thức đáp khẩn cấp. Bây giờ là đáp khẩn cấp thật sự đây! Năm người trên trực thăng, kể cả Thiếu Úy Nguyễn Hàn, giờ phải tìm cách mưu sinh thoát hiểm, bởi vì trong khoảng cát bụi mịt mù và mưa pháo của Việt Cộng tôi đâu muốn để cho anh em bên ngoài vào cấp cứu.
Khi bối rối đó, Thiếu Úy Nguyễn văn Bằng, bay trực thăng võ trang, hô to:
- Hoan hô Eagle 3 đáp khẩn cấp hay quá, hay quá!
Ngay khi trực thăng đáp xuống đất rồi, tình thế rất khẩn cấp đầy bất trắc, tôi gọi xạ thủ Tuấn mở ngay cửa cho hoa tiêu phụ Trịnh Hữu Văn, và rồi mọi người theo tôi, vì tôi giữ máy liên lạc.
Nhưng trong cơn mưa pháo của Việt Cộng, chúng mong sát hại cả phi hành đoàn, Cơ Phi Xôm, Xạ Thủ Tuấn, Hoa Tiêu phụ Trịnh Hữu Văn và hoa tiêu A-37, Thiếu Úy Nguyễn Hàn, tất cả đã rời khỏi trực thăng qua cánh trái, khi tôi lấy dụng cụ và máy liên lạc cứu cấp xong, tôi nhảy xuống đất bên phải của trực thăng. Chỉ vài phút sau là chúng tôi mất liên lạc với nhau. Không cách nào thấy nhau trong cơn bão pháo và bụi mịt mù! Địa ngục đây rồi?
Dưới bầu trời nắng gay gắt, Việt Cộng vẫn liên tục mưa pháo vào mục tiêu trực thăng của tôi. Bụi mù và miểng đạn mưa pháo làm cho cảnh vật hiện hình rõ ràng là một vùng tử địa! Trong cảnh đó, không ai nhìn thấy ai nữa! Tôi có nhiều lần khẩn khoản 3 hoa tiêu anh em trực thăng đừng vào vì rất nguy hiểm. Dù tôi nói thế nào đi nữa, 3 chiếc trực thăng còn lại nóng lòng muốn cứu chúng tôi, cũng bay vào, rồi thì bị đạn, rồi thì cũng không tài nào thấy được nơi chúng tôi đang nấp, vì tránh pháo. Nên trong khoảnh khắc giành giựt với tử thần đó, anh em cũng phải rời vùng! Bầu trời bây giờ lại có thêm 2 trực thăng Cobra và một chiếc trực thăng chuyên môn cứu cấp là CH 53 của Hoa Kỳ cũng bay hướng đến cấp cứu! Tôi cũng đã dùng máy liên lạc và kêu gọi các trực thăng cứu cấp Hoa Kỳ đừng bay vào bãi đáp vì lý do đơn giản, súng phòng không của Việt Cộng trang bị đầy dẫy chung quanh bãi đáp rồi! Đừng bay vào rọ!
Chiếc trực thăng của Phi Đoàn 233 xấu số của tôi, danh số ở đuôi là 827 màu trắng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ chói chang dưới nắng, trong cơn bão pháo, đã đứng hiên ngang ngạo nghễ sau những tháng năm dài phục vụ con người. Giờ đây, đã nhằm giờ hóa kiếp, nó đã bị thương mất đuôi, và rồi lãnh trọn phải một quả pháo Liên Xô hay Trung Cộng. Chiếc trực thăng bốc cháy ngùn ngụt cao ngất một cách hãnh diện giữa một ngày nóng bỏng của chiến trường sát nhân oái oăm Quảng Trị!
Trong khoảnh khắc đó, tôi chạy khỏi phi cơ độ hơn 100 thước về phía Tây của bãi đáp, bất ngờ tôi lại bị thương! Tôi ãđã ngả xuống một lỗ đạn pháo sâu đầy nước trước đây. Tôi bất tỉnh, mê đi trong giấc ngủ vùi!
Tiếng đạn pháo giết người liên tục nổ gầm vang, tiếng gió cuốn bụi cát xát mạnh vào mặt làm tôi choàng tỉnh và mở mắt ra! Bầu trời bây giờ không còn xanh nữa, mà xám xịt, mây đen thấp xuống, bao phủ cả vòm trời! Buổi chiều về mau lẹ với cơn mưa to, nhiều sấm sét. Chiếc trực thăng mang số đuôi 827 theo tôi qua bao cuộc hành quân, yểm trợ, trên 5 tỉnh phía Bắc địa đầu, ngày nào cũng lảnh đạn thù, có lần Cơ Phi báo cáo cả thảy 37 lỗ đạn xuyên qua thân. Sĩ Quan và binh sĩ Phi Đạo 233 lo vá ngày đêm, vá mệt nghỉ. Giờ đây, mãn phần hóa kiếp, cả chiếc trực thăng to lớn như thế cũng chỉ còn lại lớp bụi trắng trên đất. Mỗi cơn gió cuốn qua, một số tro bay tung chạy đua theo gió!
Để tránh Việt Cộng phát hiện, tôi chôn gói thuốc Winton hút còn dang dở, và chiếc quẹt máy Zippo xuống bùn. Tôi đã cố gắng rất nhiều lần kêu gọi các trực thăng cứu cấp nên rời vùng nguy hiểm này bởi vỉ hỏa lực địch quá mạnh và cài đặt khắp nơi như một cái bẫy lớn. Trong cơn mưa như trút nước và sấm sét như xé trời, âm thanh nghe được từ máy liên lạc cứu cấp nhỏ dần, và đứt khoảng, khó nghe. Với những cố gắng để sống còn đã có được một kết quả là những chiếc trực thăng đã nghe tôi rời xa vùng lâm nạn.
Sau đó, tôi giữ hoàn toàn yên lặng và chôn tiếp đồng hồ Seiko, và máy liên lạc đã yếu pin xuống sâu dưới đáy bùn! Đến nửa đêm khi đạn pháo bớt nhắm vào vùng chúng tôi, khi tôi đã phải dấu mình dưới bùn và cỏ, tôi nghe tiếng như có người, lục soát, tìm kiếm chúng tôi. Tôi cố giữ hoàn toàn yên lặng để khỏi bị bắt. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng họ là lính Việt Cộng!
Nằm núp dưới đất bùn dơ bẩn, trong cơn mưa sấm sét, tôi cảm thấy lạnh vô cùng. Tôi phải lách mình, mò đi một cách êm thắm, trầm mình nhẹ nhàng xuống lạch nước. Nhờ vậy tôi thấy ấm hơn! Bấy giờ tôi liên tưởng đến những người khác. Bao nhiêu nhân viên phi hành đã bị bắt, bị đối xử một cách hoang dã khi phi cơ họ bị bắn rơi! Hoa tiêu F4 Skyhawk Mc Cain của Hải Quân Hoa Kỳ là một. Ông này bị tóm cổ một cách dã man ngay sau khi chạm đất! Lực lượng Cộng Sản đánh đập ông tàn nhẫn, họ nhục mạ ông, nhục mạ xứ sở Mỹ Quốc của ông. Trường hợp tôi, cũng bị bắn rơi, mà không ai bắt tôi được. Tôi may mắn biết bao!
Đầu óc tôi lẩn quẩn nghĩ miên man tới phi hành đoàn của tôi và hoa tiêu A-37 Nguyễn Hàn. Hoa Tiêu phụ Trịnh Hữu Văn, nhà ở Quảng Tín, mới ở Mỹ về, tôi bay với Văn và đã đề nghị cho Văn đi hành quân với trách nhiệm là hoa tiêu phụ. Văn đã khoe với tôi còn giữ 300 Mỹ Kim và cất ở túi bay dưới chưn nhằm để dành cưới vợ. Còn Xôm và Tuấn rồi Hàn bây giờ ra sao rồi? Cả bốn người có bị Việt Cộng gian ác bắt đi không? Tuấn và Hàn là người gốc Huế, mà Huế và Quảng Trị đâu xa gì! Chắc là cả bốn người biết luồn lách mà tránh được Việt Cộng để về đến Huế. Tôi bị mặc cảm vằng vặc mãi. Bởi vì tôi, vì tôi quyết tâm bay vào lửa đạn để cứu hoa tiêu lâm nạn! Nếu lúc Thiếu Tá Thanh nhắc chừng mà tôi đã nhận thấy ra quá nguy hiểm mà bay trở lại thì đã an toàn cho tất cả phi hành đoàn. Nhưng rồi Thiếu Úy Nguyễn Hàn thì sao?
Dù sao, tôi vẫn cứ tự an ủi nếu ai cũng thiếu gan dạ, không chấp nhận hiểm nguy thì tình chiến hữu đồng đội có ra chi. Bị thương, ừ thì bị thương; chết ừ thì chết; bổn phận không thể không hoàn tất. Mạng sống con người quý giá lắm. Nhưng cái quý giá đó không so sánh được nếu vì lý tưởng, bổn phận phải hy sinh. Tôi đã từng bảo hoa tiêu Lê Công Quởn, đã hy sinh tại căn cứ Hoàng Đế phía Tây của Huế, rằng ”là người làm tròn nhiệm vụ, hy sinh cho người khác, khi chết sẽ được vinh hạnh thành Thánh, nếu không cũng được thành Thần”.
Tôi đã cầu nguyện luôn luôn cho bốn người này. Tôi cũng cầu nguyện Đức Chí Tôn “xin che chở cho tôi nếu Ngài nghĩ rằng tôi còn hữu ích cho đời, cho cộng đồng nhân loại. Nhược bằng trái lại, xin cho tôi nhận một quả pháo trọn vẹn từ quân Việt Cộng vô thần, gian ác! Tôi xin đoàn tụ cùng những bậc tiền nhân, ông cha anh hùng của tôi.”
Tôi mãi nghĩ đến cái vinh dự cao cả của bao nhiêu người lính gan dạ đã đem thân bảo vệ sự độc lập, hòa bình của tổ quốc mình thì đâu sá gì có bị thương hay bị hy sinh bởi súng đạn quân Việt Cộng xâm lăng.
Tôi biết rõ tôi đau đớn lắm vì tôi bị thương bởi đạn pháo của các đế quốc Trung Cộng hay của Liên Bang Xô Viết, vì tôi không phải bị thương bởi súng đạn do chính Việt Cộng Hà Nội chế tạo! Có đến thế nào đi nữa, tôi cũng rất hãnh diện được đổ máu, trên quê hương, hy sinh cho Tổ Quốc tôi, một quê hương đầy đủ nồng nàn ấm lạnh, dù phải cảnh nghèo nàn, cơ cực, cũng đã nuôi tôi lớn lên, cho học hành cẩn thận để biết phân biệt thiện ác, chánh tà. Sau khi tôi chết đi hồn tôi theo về với Tổ Tiên anh hùng của tôi, còn thân xác tôi sẽ trở lại bón phân cho cây cỏ, làm đất thêm mầu mỡ tốt lành!
Mãi mê suy nghĩ đến bổn phận, mơ màng trong trách nhiệm của các đấng nam nhi, kể cả nữ nhi, thế rồi tôi rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay!
Tiếng động của bước chân người rầm rập trên mặt đất mỗi lúc một gần hơn, gần hơn. Thế rồi một nhóm Việt Cộng hung ác đứng sững trước chỗ chui trốn ngụy trang của tôi. Tôi đã vùi thân mình dưới tầng bùn đen. Tôi chẳng còn gì trên tay, chiếc nón bay, áo chống đạn đã để lại trên trực thăng đã cháy rụi rồi. Bỗng, một tên Việt Cộng con, trang bị đầy đủ súng đạn, đứng trước tôi, hắn thét lên:
- Ê, thằng trong bùn đó, đứng dậy dơ tay lên!
Tôi vẫn giữ yên lặng, không cử động gì. Tôi cảm thấy toàn thân lên cơn lạnh như nằm trên tảng băng. Trán tôi đã hiện rõ những giọt mồ hôi như trong buổi trưa hè!
- Đứng dậy hay chờ tao bắn? Tên lính Việt Cộng nhóc con lập lại.
Tôi vẫn không trả lời hắn. Hắn ra lịnh bốn tên Việt Cộng con khác xấn tới bên tôi, và kéo tôi ra khỏi vũng bùn. Nhưng mà cái háng bên phải bị thương thì làm gì tôi đứng cho được! Tôi té ngả xuống. Chúng xông tới bên tôi, xách hai tay và kéo tôi lên. Tôi lại té xuống lần nữa trên vũng bùn! Tôi lại té xuống lần nữa nằm sóng xoài trong vũng bùn đen! Một tên Việt Cộng trẻ nhứt đã rời chỗ đứng đi đâu đó. Khoảng nửa giờ sau, cậu ấy trở lại với đôi nạng gỗ cũ mèm, bám nhiều vết máu đen trao cho tôi.
Rồi hai tên đến xốc nách lôi tôi dậy. Đám hung thần này dùng mũi súng AK 47 chĩa vào xương sườn của tôi để hướng dẫn đường đi!
Đi suốt đêm như vậy, đến khi mặt trời mọc, có đến hai, ba sào, chúng ra lịnh tôi ngồi xuống bên thềm nhà lồng chợ Đông Hà, đợi lịnh. Tôi nhớ rõ nơi này, cũng nơi đây tháng rồi, Thiếu Tá Nguyễn Du bị cột quỵ xuống đất, người Thiếu Tá nhiều khả năng tài giỏi, và trẻ nhứt của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã bị đám Cộng Sản ác ôn và đồng bào nơi đây xẻo thịt, lóc da cho đến chết! Nghĩ đến thì man rợ đấy nhưng có người dân nào có đủ can đảm không nghe theo lịnh của Việt Cộng. Nếu người dân nào không tuân lịnh cầm dao xẻo thịt Thiếu Tá Nguyễn Du thì sẽ bị đám Việt Cộng lôi ra bắn chết ngay. Bởi thế, cứ mỗi người bước qua chỗ Thiếu Tá Nguyễn Du thì họ cắt tai, cắt mũi, xẻ thịt, lớn tiếng xỉ vả và cười cao ngạo man rợ lắm! Chúng nó móc mắt, chặt tay, cắt chưn moi ngực, mổ bụng. Thiếu Tá Nguyễn Du đau đớn ngất trời, anh đã chết đi trong những giây phút đầu tiên đó! Hồn anh bay bổng tận mây xanh nhìn lại trần gian đầy quỷ đói dữ dằn! Thế mà cái màn chia thịt người sống vẫn cứ tiếp tục hoang loạn, điên cuồng. Hình ảnh này khắc sâu vào khung trời Quảng Trị, vào óc, vào tim người dân có nhiều oan trái Quảng Trị. Xem ra chẳng khác nào một đám ác quỷ miệng đầy máu me tanh tưởi, nhe răng điên cuồng hò hét, chẳng khác nào một đàn sư tử đói khát xâu xé xác một con nai tơ nạn nhân!
Tôi cứ tiếc mãi, nếu đã có thêm trực thăng võ trang đến cứu cấp kịp thời khi tôi vào cứu Thiếu Tá Nguyễn Du, ngay lúc anh ta vừa bung dù xuống đất thì đâu đến nỗi anh bị lũ Việt Cộng bắt giết dã man như thế! Chúng nó cột anh xuống cái cọc đóng sâu vào đất để dụ phi hành đoàn trực thăng cứu cấp vào bẫy!
Tôi đã đáp gần chỗ Thiếu Tá Nguyễn Du, khi mà súng đạn, lực lượng Việt Cộng cài dày đặc như lưới. Chúng lại có thêm pháo từ xa bắn tới nữa chứ!
Hai trực thăng võ trang của chúng ta, hỏa lực mạnh như thế mà vẫn không thể khống chế hỏa lực địch! Trên bãi đáp tôi ra lịnh cho xạ thủ và cơ phi bắn không ngừng nghỉ. Kiếng trước của chiếc trực thăng của tôi trúng đạn, gió lùa qua chân tôi thấy mát mẻ lạ.
Hơn hai phút, bất thần xạ thủ đại liên cho biết không còn đạn nữa, tôi nhanh chóng nhắc bổng lên cần cao độ, và đẩy cần lái về phía trước cất cánh hướng về phía Nam, bỏ lại Thiếu Tá Nguyễn Du anh hùng trơ trọi, bơ vơ! Lòng tôi rối bời khổ sở!
Trong giây phút căng thẳng đó, tôi nhấc phi cơ lên, cố gắng bay về căn cứ. Nhưng rồi, không may chút nào, đèn báo hiệu có mạt sắt trong hệ thống trục chuyền cũng lại nổi lên! Tôi đã phải đáp xuống căn cứ Sư Đoàn Dù tại cây số 17, phía Bắc Huế. Những khoảnh khắc may mắn thường qua mau! Bộ Tư Lệnh Không Quân cho lịnh dùng hơi ngạt giải cứu Thiếu Tá Du. Nhưng trực thăng cứu cấp đến nơi thì Việt Cộng biết trước, chúng đã trói Thiếu Tá Du dẫn đi mất rồi! Ai đã báo cho Việt Cộng? Trận chiến oan khiên!
Trở lại chuyện hiện giờ của tôi, trong cái sân rộng phía Nam của chợ Đông Hà, tôi thấy người đâu mà đông đảo quá! Mọi chuyện đều tiến hành nhanh chóng. Hai tên Việt Cộng trẻ măng xồng xộc đến bên tôi và đưa mũi súng, ra lịnh tôi chống nạng đứng lên, đi vào giữa đám đông ngoài kia. Tôi biết ngay đó là một Tòa Án Nhân Dân của Việt Cộng!
Đám đông yên lặng đó xem chừng quá nhút nhát, e dè khi một người đàn ông nét da sạm nắng, trong bộ bà ba đen đọc bản kết luận của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Quảng Trị rằng tôi sẽ bị xẻo thịt cho đến chết! Và rằng bản án sẽ thi hành ngay!
Mặt trời bây giờ xế, qua đỉnh đầu. Cái nóng bức gay gắt làm sao! Mồ hôi tôi đổ ra như tắm trên đầu và trên mặt. Tôi đã giận cành hông, nên đã vận động hết sức mình là hét lên rằng :
- Không! Không! Tôi vô tội! Tôi chỉ bảo vệ nước tôi! Tôi vô tội!
Dù tôi đã hét lên như sắp chết rằng tôi vô tội, song, đám đông đã tiến sát về phía tôi. Mỗi người đều có con dao ngắn hay dài trên tay. Tôi nhắm đôi mắt lại và tiếp tục hét to lên rằng “tôi vô tội, tôi chỉ lo gìn giữ nước tôi mà thôi”. Miệng tôi hét to lên thì tay chân tôi cũng quơ quào chống đỡ. Việc đó làm tôi đau đớn vô cùng, và làm tôi tỉnh giấc!
Thế là tôi ra khỏi cơn mơ kinh khiếp! Trống ngực còn đập thình thịch. Cơn mơ làm tôi sợ hãi vô cùng, và nhờ đó, trên đường mưu sinh thoát hiểm về lại căn cứ tôi đã hết sức đề phòng từng ly, từng tí mọi bất trắc!
Mò ra khỏi vũng bùn, chiếc áo bay của tôi quá nhiều túi, bây giờ chứa đầy bùn trở thành một gánh nặng nên tôi đã cởi bỏ. Bấy giờ tôi chỉ còn mặc một chiếc quần lót mà thôi!
Mặt trời treo trên cao, nóng cháy da người, và gió nhẹ. Một vài vừng mây trắng bạch lười biếng trôi lững lờ làm tôi thở dài nhớ lại mấy câu thơ tôi đã ghi ra hôm nào:
Gió thổi trời cao, mây vẽ chó,
Lửa tràn mái thấp, khói lùa ong.
Cuộc đời nay có, mai không,
Những người phản trắc, để long làm chi!
Để ngụy trang, tôi đã dùng bùn, đất sét trét đầy lên khắp người, và hết sức cẩn thận trườn đi bằng ngực, hoặc bằng lưng của tôi, bởi vì làm sao tôi có thể đi được khi mà khớp nối của đầu xương đùi bị thương quá nặng.
Tôi trườn được một đỗi vừa để ý tựa tai mình xuống mặt đất để nghe có tiếng chân ai đó hay không. Tai tôi cũng mở rộng, hết sức chăm chú. Lúc này trời cũng sắp tối đến rồi. Theo hướng gió từ xa đưa lại, tôi nghe tiếng nói eo éo trong gió của đám Việt Cộng. Tôi vội vàng lẩn trốn ngay.
Những cơn gió chiều thổi càng lúc càng mạnh hơn khi những đám mây đen kéo đến che kín bầu trời. Tôi đoán mưa to rồi sẽ đến như đêm qua. Nhiệt độ bây giờ thấp xuống và dễ chịu hơn. Chỉ có một việc tôi cảm thấy cồn cào đó là đói và khát nước! Đạn pháo hôm nay ít hơn hôm qua.
Tôi cầu nguyện, và cầu nguyện liên tục. Tôi tin ở Tổ Tiên tôi, Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Tả Quân Lê văn Duyệt. Tôi cầu nguyện Thượng Đế, trong tôn giáo Cao Đài có cho người trần thế biết tên là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Rồi thì mưa đổ xuống như thác, tôi nhờ vào đó mà di chuyển an toàn hơn. Tôi dùng hai bàn tay nắm cỏ cao kéo tới, chân trái phụ vào bằng cách đạp vào mặt đất cho toàn thân di chuyển về phía trước được hai hay ba chục phân tây. Thật kể sao cho hết, tôi may mắn làm sao! Mưa càng to thì tôi càng di chuyển được dễ dàng và an toàn hơn, bởi lũ Việt Cộng ác ôn trong cơn mưa, chúng lười biếng đi kiểm soát.
Mưa rơi thì cứ rơi, đạn pháo và việc lùng kiếm giết nhau cũng đâu có bớt đi. Tiếng pháo có thưa hơn, nhưng không hề dứt. Thỉnh thoảng những tràng M16 lại nổ dòn, xen kẽ với tiếng nổ rát tai của AK47, và súng cối.
Mưa vẫn còn tiếp tục rơi, và tiếp tục rơi. Sấm chớp vẫn còn sấm chớp. Ngày còn nhỏ bác tôi bảo đó là Thiên Lôi giết quỷ sứ! Tôi tin lắm vì quỷ sứ có nanh vuốt, ác độc, không tốt! Tôi cũng đã buồn ngủ quá rồi, vì tôi đã kiệt sức! Dù vậy tôi cũng đã cố hết sức chuyển đến một hố nước cũng như đêm qua. Tôi trầm mình dưới vũng nước để thấy ấm hơn trên mặt đất có gió thổi. Hai bàn tay khuấy nước cho sạch bớt bùn đất, rồi hai tay chụm lại hứng từng giọt nước mưa để thấm giọng cho đỡ cơn khát! Tôi tiếp tục làm như vậy cho đến khi tôi thấy bớt khát nước.
Tôi tự bảo rằng dừng lại việc di chuyển về hướng Nam là tự sát. Bởi vậy, tôi phải cố gắng di chuyển và di chuyển cũng như tôi cố mà lắng tai nghe với tất cả sự chú ý của tôi coi có sự động tĩnh gì hay giọng nói nào của lũ Việt Cộng hay không. May mắn quá tôi không thấy ra cái gì cả! Nhưng có điều những dây điện thoại liên lạc thì giăng đầy như lưới nhện trong vùng tử địa chiến tranh tàn khốc này.
Tôi biết mỗi phân, mỗi tấc tôi trườn tới có nghĩa là tôi tiếp cận đến chỗ an toàn sớm hơn. Mặt trời chừng như lố dạng ở chân trời phương Đông, Tôi đã qua thêm một đêm nữa. Mọi vật chung quanh tôi có vẻ yên tĩnh, chỉ trừ có đạn pháo thì không ngừng mà thôi. Pháo suốt đêm! Tôi lại tìm chỗ ẩn thân. Tôi biết không gì cản nổi tôi đi vào giấc ngủ rồi, vì tôi quá đỗi mệt, mệt vì kiệt sức!
Ngày thứ ba trên bãi chiến khi tôi thức giấc cũng là thêm một ngày nóng rát nữa. Tiếng phi cơ phản lực tôi nghe được vọng lại từ xa xôi lắm. Tôi hy vọng chúng đến gần tôi hơn, để tôi có thể đánh hiệu lên cho chúng biết rằng tôi vẫn còn sống!
Tôi nhớ Thiếu Úy Hồng, cùng Phi Đoàn 233 của tôi, đã dùng chính hộp nước ngọt để gửi dấu hiệu cho trực thăng tìm kiếm của Đại Úy Nguyễn văn Banh. Đại Úy Banh nhận được tín hiệu tức khắc Đại Úy Banh tắt máy cho được an toàn và đáp xuống một khoảng trống cạnh một con rạch nhỏ của dãy núi cao. Đại Úy Banh đã cứu được Thiếu Úy Hồng một cách ngoạn mục! Tôi cũng đã thết đải Thiếu Úy Hồng một chầu mừng thoát chết. Tôi cũng đã học hỏi cách nào Thiếu Úy Hồng mưu sinh thoát hiểm để có ngày nào đó đến lượt tôi, thì tôi đã có chút đỉnh kinh nghiệm.
Tôi đã quan sát cẩn thận chung quanh cho an toàn nếu tôi tiếp tục mò về hướng Nam. Lúc đó một chiếc Quan Sát OV-10 trên bầu trời bỗng bay thẳng vút lên trời xanh tránh hỏa tiển SA7 của Cộng Sản Sô Viết để lại một vệt khói trắng màu tang. Tôi hú hồn cho chàng hoa tiêu trên chiếc OV-10 đó!
Trong chốc lát, tôi bỗng miên man nhớ lại hình ảnh của Đại Tá Khánh, Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 1 Không Quân, Trung Tá Phước, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 51 Chiến Thuật, còn gọi là Phước răng vàng. Tôi nhớ Thiếu Tá Bùi Quang Chính, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 233. Ông này làm anh cả thì tốt hơn là Phi Đoàn Trưởng. Ông đã chăm sóc mọi thứ cho thuộc hạ dưới quyền, từ Sĩ Quan cho đến Binh Sĩ! Gia đình ra sao, anh chị em thế nào. Ông biết rõ từng người trong gia đình của Phi Đoàn. Tôi nợ ông nhiều lắm. Tôi phải trả cho ông và vợ ông, chị Ngọc Diệp. Bà giáo Diệp đối xử với tôi như là chị ruột.
Cơn đói kéo tôi vào giấc ngủ nữa rồi. Trong lúc ngủ tôi gặp Thiếu Úy Trần Thanh, hoa tiêu trực thăng võ trang. Anh này cất cánh tại Đà Nẳng lúc 7:00 giờ sáng, lãnh một quả SA7, lúc 9:00 giờ sáng cùng ngày. Tôi cũng gặp Thiếu Úy Lê Công Quởn. Đặc biệt Thiếu Úy Quởn gia nhập vào Binh Chủng Không Quân, bay sang Hoa Kỳ thụ huấn trở thành hoa tiêu trực thăng, về Việt Nam và được lịnh phục vụ tại Phi Đoàn 233, Sư Đoàn 1 Không Quân , và là một Sĩ Quan trẻ chung phòng với tôi, cứ hai người một phòng. Tôi coi Quởn như em, cháu. Quởn trọng tôi như chú vậy, bởi vì Quởn tình nguyện đầu quân lúc mới 18 tuổi!
Tôi nhớ rõ sáng hôm đó, tôi được lịnh dẫn 5 trực thăng chuyển quân Thủy Quân Lục Chiến tại Đại Nội Huế. Khi đó, Thiếu Úy Quởn đang thi hành phi vụ tải thương tại căn cứ núi Hoàng Đế King. Thiếu Úy Đỗ Trọng là Trưởng phi tuần. Toán trực thăng của tôi tại Đại Nội vừa cho Thủy Quân Lục Chiến lên tàu, thì tôi nghe được trực thăng của Thiếu Úy Quởn đã rơi tại căn cứ Hoàng Đế King. Tôi cho ngưng lại tất cả việc đổ quân Thủy Quân Lục Chiến, tất cả trực thăng bay thẳng đến căn cứ Hoàng Đế King để cấp cứu phi hành đoàn của Thiếu Úy Quởn. Trung Tướng Trần văn Minh, Tư Lịnh Không Quân cho phép như vậy khi phải cấp cứu một “đại bàng gãy cánh”.
Chúng tôi bay những vòng chờ phía Đông căn cứ Hoàng Đế King, phía Tây dãy núi này hỏa lực và phòng không của Việt Cộng rất mạnh. Không biết Quởn có phải bị súng phòng không Việt Cộng bên kia sườn núi Hoàng Đế King hay không? Tôi bay một vòng quan sát rất thấp trên ngọn cây, song tôi không nhận ra nơi nào trực thăng của Quởn lâm nạn. Quan sát kỹ hơn nữa, bất ngờ đèn báo động có mạt sắt trong hệ thống chuyền lực nổi lên. Tôi mang tên Eagle 5 rời vùng và chiếc Eagle 6 theo sau tôi bay phòng hờ khi nào phi cơ tôi lâm nạn. Tôi hạ cao độ trực thăng xuống thật thấp. Bầu trời rực rỡ sáng, và cơn nóng đã đến vội vàng. Giọng nói êm nhẹ quen thuộc của Thiếu Tá Thanh nghe được:
- Eagle 5, bay sát xuống đất, Eagle 6 bay gần vào, nghe rõ?
Và tôi đáp nhanh:
- Eagle 5 nhận rõ 5 trên 5, Thẩm quyền.
Tôi dự định về Huế để lấy một trực thăng khác để bay tới vùng cứu cấp Thiếu Úy Quởn. Trên đường tới Huế Phú Bài, tôi nghe được tin Trung Úy Lưu, Sĩ Quan trực Cứu Cấp đã trên đường tới căn cứ Hoàng Đế. Trực thăng của Trung Úy Lưu có đầy đủ trang bị cứu cấp trong rừng, có cả hệ thống rước người lâm nạn bất tỉnh kéo lên trực thăng bằng máy.
Tôi chưa tìm được chiếc trực thăng khả dụng nào thì hay tin Trung Úy Lưu đã kéo Thiếu Úy Quởn lên trực thăng và hạ cánh xuống bãi đất gần đó, chuyển cho trực thăng khác đưa Thiếu Úy Quởn về bịnh viện Nguyễn Tri Phương, Huế, vì Trung Úy Lưu còn phải trở lại hiện trường rước thêm 3 người nữa của phi hành đoàn.
Tôi được một trực thăng khả dụng, nên bay thẳng đến bịnh viện Nguyễn Tri Phương. Tôi gặp ngay Bác Sĩ Bùi văn Đức, con nuôi của ba tôi. Bác Sĩ Đức có mặt ngay tại chỗ vì nghe là hoa tiêu bị thương. Anh chạy tới tức thì vì nghĩ có thể là tôi! Anh nói cho tôi biết vết thương của Thiếu Úy Quởn vô cùng trầm trọng, xương sọ phía sau ót bị nứt, tay chưn bị co rút giựt mạnh mẽ luôn! Thấy vẻ mặt tôi lo lắng anh kéo tôi ra ngoài sân và nói nhỏ bên tai tôi để anh theo dõi suốt đêm nay xem Thiếu Úy Quởn có thể phục hồi hay không. Tôi bất chợt nhớ lại rằng tôi đã nói với Quởn rằng: “Khi chúng ta hoàn tất mọi nhiệm vụ được giao phó nhằm phục vụ con người một cách tốt lành, khi phải tử vong chúng ta được lên cõi trên hay được làm thần thánh ở Thượng giới”. Chia tay vơi anh Đức, tôi bay về căn cứ Huế Phú Bài, trằn trọc suốt đêm. Không biết có phải vì câu nói của tôi mà Quởn thêm gan dạ dẫn đến việc hy sinh như vậy?
Sáng hôm sau, Tôi tới Bịnh Viện thì được biết Thiếu Úy Quởn qua đời! Mãi đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng Thiếu Úy Quởn vẫn luôn đi theo tôi đến bất cứ nơi đâu để che chở cho tôi khỏi sự nguy khốn.
Cơn mưa chiều nhiều sấm sét hợp cùng tiếng nổ đạn pháo kích của hai bên Quốc Gia và Cộng Sản làm cho bầu không khí trở nên ồn ào ghê rợn khiến tôi không thể nào nghe rõ sự vật quanh tôi! Tôi sắp bước qua đêm thứ ba không quần, không áo! Chính bùn và đất sét và bèo cỏ đã thay cho quần áo và là phương tiện che chở ngụy trang rất hữu hiệu cho tôi. Tôi thầm nhủ rằng lợi dụng đêm tối, mưa giông để mò đi sẽ làm ngắn lại con đường an toàn về căn cứ.
Mưa to quá, mưa xối xả như trút nước, sấm chớp vang trời như thiên lôi rượt đuổi, diệt trừ quỷ ma đang hành hạ con người! Tôi nhờ mưa đêm che chở tránh được sự dò tìm của bộ đội độc ác Việt Cộng.
Tôi vừa trườn qua một chiếc đầu lâu và bộ xương người trắng hếu. Bàn tay tôi nhẹ nhàn vuốt cái xương sọ cùng lúc van vái rằng:”Tôi biết tại sao người bị giết, Hãy giúp cho tôi, che chở tôi đến nơi bình an tôi sẽ cúng cho.”
Một lúc sau tôi thấy một con mèo đen đi quanh quẩn bên tôi và rồi đi về hướng Nam. Tôi cố trườn theo con mèo, nhanh và nhanh hơn nữa, vì vết thương đã có mùi thối như xác chết! Đây là bãi chiến trường, vùng oanh kích tự do. Do vậy, không vật chi còn nguyên vẹn. Chẳng có vật gì lớn hơn 3 ngón tay được lành lặn. Chẳng có hàng tre hay bờ tường nào cao hơn 3 tấc! Tất cả là điêu tàn, là sắt máu hận thù!
Có lẽ tôi đã trườn đi một khoảng xa lắm. Tôi cám ơn Trời. Tôi cảm ơn Quốc Tổ Hùng Vương. Tôi cảm ơn Đức Tả Quân Lê văn Duyệt, đấng đã che chở cho ba tôi trên đường hành Đạo, nay xin Ngài che chở cho tôi. Mưa thì chưa ngớt hột mà tôi thì đã kiệt sức rồi. Tay không còn nắm chặt được cỏ, chưn trái không còn đạp để tiến về phía trước được rồi. Tôi may mắn nằm bên bờ lạch nước đầy cỏ phủ nổi bên trên. Phương Đông có ửng chút ánh hồng. Tôi trầm mình vào lạch nước, phủ đầy cò lên người, cơn mưa đã dịu lại. Chỉ còn sấm sét nổ loang loáng một đôi nơi. Tôi rơi nhanh vào giấc ngủ li bì.
Xe chạy qua đường Lê Văn Duyệt, quẹo qua Tô Hiến Thành, về nhà, về đến nhà, tôi vui mừng tra chìa khóa vào ổ khóa mở cửa sắt nhẹ nhàng bước vào bên trong. Nhìn lên đồng hồ kim chỉ hơn 12 giờ đêm và ba tôi vẫn liên tục cầu kinh ở tầng trên. Ông luôn luôn cầu kinh cho tôi được an toàn! Tôi rón rén giữ sự yên lặng hoàn toàn. Vào khoảng cuối lễ cúng thời Tý, tôi thấy một con mèo trắng nhảy qua ngọn đèn dầu trên trang thờ, làm rơi ngả cây đèn dầu vào chồng kinh sách và phát hỏa lớn lên sau đó. Tôi vội vàng nhảy vào vùng lửa khói lửa để cứu ba tôi. Khi tôi dìu ông ra, tôi đã phải chạy ngang qua vùng lửa cháy, tôi bị phỏng nặng. Tôi đã làm cho tôi bị nhức nhối vô cùng. Nhờ vào sự cử động mạnh mẽ làm đau nhức đó, tôi đã thức dậy và nhìn ra được rằng tôi đang nằm dưới vũng bùn đen giữa bãi chiến chết người!
Ngày thứ tư trên bãi chiến bắt đầu bằng đạn pháo ầm ĩ, súng nổ bốn bề, nhằm giết đi hết mọi sinh vật của Thượng Đế trên đời! Nghĩ cho cùng, nếu Hà Nội không ngu xuẩn nghe lời xúi dại của Liên Xô và Trung Cộng, xua quân xâm lấn miền Nam, thì làm gí có cảnh gió tanh mưa máu hôm nay. Cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt. Ngàn đời nguyền rủa sự ngu xuẩn tham lam của lũ Cộng Sản bạo tàn!
Có lẽ là hai hay ba giờ chiều. Đây là ngày thứ tư tôi nằm trên vùng tử địa. Cơn nắng chiều nghiêng hẳn về Tây và nhiệt độ ngoài trời có lẽ đến cực điểm của ngày. Trời xanh thẳm, một vài tảng mây trắng trôi bập bềnh như vẻ tranh. Tuổi trẻ của tôi ngắm mây trôi là một thú vị. Nhìn mây vẻ hình thú vật thay đổi trong khoảnh khắc mà cứ tưởng mình đang lơ lửng giữa trần mây! Cũng không được bao lâu sau đó, những đám mây sậm màu từ mạn Nam kéo đến, rồi mây đen theo sau, bầu trời phía Đông Nam giờ đây trở nên đen kịt. Gió mát thổi càng lúc càng mạnh. Cơn mưa pháo vẫn rót đều vào phía Tây của bãi chiến bên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.
Gió mạnh cũng tràn về làm ngả rạp đám cỏ hoang cao quá đầu gối. Trông cảnh ấy chẳng có khác gì cảnh ruộng mạ mênh mông của miền Nam Việt Nam. Tôi vẫn luôn cảnh giác nghe ngóng về giọng nói của người và sự động tĩnh bất thường trên đường thoát hiểm hướng về Nam. Tôi đã từng biết rõ ràng là bộ đội Việt Cộng không khiêng thương binh đồng đội của chúng, vì khi tháo lui mà phải khiêng vác nữa thì gánh nặng khó khăn đến bực nào, nên chúng nó đã giết hết thương binh của chúng! Thì theo đó, nếu chúng phát giác được tôi trong tình trạng bị thương nặng như vầy, tôi không thể bước đi, thì ngại ngùng gì chúng không cho tôi một viên vào đầu tức khắc. Vì vậy, tôi phải cực kỳ cảnh giác, cho mỗi gang tấc tiến về phía Nam cho được an toàn.
Tôi đã không có một chút thực phẩm nào ba ngày qua, tôi thấy đói và đói. Tôi thấy mình dần dần yếu đi, đến nỗi tôi muốn dừng lại một chỗ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, dừng lại chẳng khác nào tự tử. Đâu ai biết tôi nơi nào mà cứu cấp! Do vậy mà tôi phải cố gắng trườn đi từng tấc, từng tấc đất để về Nam. Nhờ vận chuyển tôi thấy có thêm sức mạnh và ấm người hơn.
Bèo cám trên mặt nước dân miền Nam dùng để cho heo ăn, nhưng rồi không có cái gì bỏ vào miệng cho bao tử làm việc sinh ra nhiệt, nên tôi buộc lòng nhặt một ít bỏ vào miệng nhai, nhai và nuốt trọng vào, Tôi cảm thấy có cát đất đi vào bao tử với nhúm bèo cám. Tôi nghĩ bao tử tôi reo vui khi làm trọn vai trò sinh nhiệt cho thân tôi.
Trời lại sắp mưa. Gió giật, gió quyện vào nhau cuốn từng cọng rác to nhỏ xoáy tròn bay cao lên khoảng trời đen sẫm. Tôi lại trườn qua gần một mái tranh sụp xuống gần ngang mặt đất. Tôi nghe chừng như ai đó nói chuyện bên trong. Tôi chắc chắn họ là ai. Lũ ác ôn Việt Cộng đây rồi! Tôi lặng yên trườn đi nhanh xa chỗ đó. Tôi lại may mắn vô cùng bởi trời đã đổ cơn mưa lúc đó! Thật quá căng thẳng, quá khiếp sợ đến nỗi tôi đã nghe được cả nhịp tim tôi đập liên hồi trong lồng ngực thiếu sinh khí của tôi.
Trời mưa lớn quá, lớn quá. Sấm sét liên tục dội vào màn nhĩ tôi làm tôi khó chịu thế nào ấy. Chúng thách thức đua đòi hơn thua với âm vang của đạn pháo của con người giữa Việt Cộng đối đầu cùng Sư Đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa tại bản doanh hai sư đoàn này. Tôi lại được dịp qua bờ rạch nhỏ, lừa mình đi nhẹ nhàng đến nỗi không một gợn sóng lan ra trên mặt nước. Tôi tạm nghỉ ngơi, hít thở những hơi dài, coi như rất sảng khoái. Tôi đã cách xa chòi lá giết người lúc nãy rồi. Tôi ghi nhận đó là bản doanh chỉ huy của Việt Cộng ác ôn.
Nhìn lại, đây có thể là đêm nguy hiểm nhứt tôi chưa từng gặp. Tôi nghe giọng nói con người từ hướng Nam theo gió tới tai tôi. Tôi chưa nhận ra là bạn hay thù! Tôi tự khuyến khích chính mình còn hai ngày nữa tôi mò đến mục tiêu đàng kia rồi. Chỉ cần hai ngày nữa! Hai ngày nữa mà thôi!
Hai bàn tay tôi chừng như rã rời. Nhìn lại ngực và lưng tôi nghe ran rát, những đường máu khô đặc lại, gặp nước cho tôi cảm giác xót buốt vô cùng! Thực ra tôi không còn sức di chuyển nữa rồi. Lúc bấy giờ tôi đang bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi cẩn thận mò xuống dòng sông ngước nhìn tìm ra chỗ trú an toàn. Tôi biết tôi có thể ngủ ngay tức khắc! Do vậy tôi phải tìm cách nào kín đáo nhứt để ẩn thân đi vào giấc ngủ vùi hẹn hò nhiều mộng mị!
Buổi Hội Thảo hàng tuần chiều Thứ Năm lại đến. Tôi bước vào phòng hội khi nhiều người đã có mặt. Họ gồm cả hàng binh sĩ và sĩ quan của Sư Đoàn 1 Không Quân. Sau phần chào cờ, hát quốc ca và một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổ Tiên, anh hùng giữ nước, Thiếu Tá Giả, thay mặt Trung Tá Hậu, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn, nêu đề tài tại sao chúng ta gia nhập lực lượng quân đội quốc gia.
Sau bài nói chuyện gợi ý của một Thiếu Úy trẻ, Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn, Thiếu Tá Giã mời mọi người lên phát biểu ý kiến. Một vài người tiến về phía trước phát biểu lập luận rằng mọi người phải gia nhập quân đội khi quốc biến. Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách. Đám người ngồi sau tôi dịch nghĩa “khi đất nước gặp cơn nguy biến, thì có 7 người có trách nhiệm ra gánh vác” rồi xúm nhau cười. Cũng có kẻ trả lời nghe tiêu cực là nếu không gia nhập thì bị Cảnh Sát bắt tội trốn quân dịch!
Tôi không bằng lòng cách suy nghĩ yếu hèn đó nên đưa tay cao lên phát biểu. Tôi đã cao giọng rằng:
- “Chúng ta gia nhập quân đội quốc gia vì chúng ta muốn tự do! Hà Nội đã tạo ra và cầm đầu cuộc chiến miền Bắc xâm lăng miền Nam, chính vì Khối Cộng Sản Quôc Tế ra lịnh HCM làm như vậy. Liên Bang Sô Viết và Trung Cộng muốn cho Khối Cộng mở rộng ra về phía Đông Nam Á Châu, và Khối Cộng Sản Quốc Tế sẽ trợ giúp hoàn toàn từ tuyên truyền cho đến vủ khí đạn dược, kể cả tiền bạc phục vụ cho chiến tranh.
Trong cái thế làm tay chưn, một thứ tay sai thời đại mới, nên HCM làm sao dám cãi lại. Nếu không vâng lịnh thì chắc gì được sống! Mặt khác có thêm nguồn lợi tiền tài danh vọng thì sao không nhận?
Việc xâm lăng xuống miền Nam có nghĩa là xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa. Và cũng có nghĩa là Việt Cộng phía Bắc Vĩ Tuyến 17 xua quân chiếm thêm, lấy vùng đất và giết hại dân chúng phía Nam của Vĩ Tuyến 17. Việt Cộng phía Bắc làm sao có sự khôn ngoan đủ để cho người dân xây dựng đất nước? Ai cũng nêu câu hỏi tại sao Việt Cộng không để cho người dân phát triển tự do? Sao không để cho người dân hai miền có điều kiện so sánh nếp sống hai nơi? Sao không để cho người dân tự do lựa chọn nơi nào họ muốn? Nếu Việt Cộng có được một chút khôn ngoan của dân tộc Đức thi dân ta đâu đến nỗi này!
Anh em chúng ta nghĩ gì khi thấy thây người mỗi ngày, cứ mỗi ngày tiếp theo, thấy chồng chổng, thấy những nạn nhân bị Việt Cộng giết dã man thả xuống sông, trôi bềnh bồng bên những nhánh lục bình trên sông nước hay trên các con rạch vô danh hẻo lánh? Còn khổ đau nào hơn nữa hay không? Tim chúng ta rồi sẽ xoắn ốc ra sao khi thấy một bé con chết trên tay mẹ. Cả hai mẹ con trôi dạt dật dờ bên bờ sông hiền hòa của quê nhà? Chúng ta nghĩ gì, đầu óc ta nghĩ gì, khi chúng ta chứng kiến cảnh tiêu thổ kháng chiến do Việt Cộng bắt chước rập khuôn theo kiểu Mao Trạch Đông, làm cho khắp nơi, cả làng xã bị chìm trong biển lửa hận thù. Con chó mực nào gầy còm lẻ loi, ốm đói bên hông căn nhà cháy hôm nào bây giờ vẫn còn bốc khói, cạnh gốc chuối bị thiêu hết lá; con chó oan khiên cố lấy hết sức tàn để gửi lời trách móc, tru tréo đến khoảng trời xanh xa thẩm trên kia? Nhưng rồi có ai hay?
Tất cả hình ảnh đứt ruột đó đã xảy ra, phải xảy ra vì Cộng Sản Hà Nội muốn mọi người phải nghe, phải theo chúng nó để làm vừa lòng các quan thầy Liên Xô và Trung Cộng của chúng nó! Quái ác thay số phận Việt Nam! Còn gì nữa không? Nước mắt có còn không?
Bởi vậy, những người trẻ, con dân miền Nam muốn bảo vệ mạng sống của mình, của gia đình mình và đất nước mình chỉ còn một cách duy nhứt là đứng lên cùng nhau đứng lên gia nhập quân đội để chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản Hà Nội và cả Khối Cộng Sản Quốc Tế.
Chúng ta muốn Tự Do. Chúng ta muốn bảo vệ Tự Do của chúng ta. Không ai, không bất cứ ai, có quyền xâm lấn đất nước ta. Chúng ta gia nhập quân đội chỉ vì chúng ta muốn Hà Nội phải nhận ra rằng con người phải quý trọng quyền làm con người. Hà Nội dứt khoát không được cỏng rắn cắn gà nhà! Không được gây tai họa khổ đau cho dân tộc ta nhiều hơn nữa! Quá khứ đã quá đủ, quá đủ rồi!
Bất cứ hành động gì chúng ta đều phải nghĩ đến con người. Chúng ta phải nghĩ đến sự Công bình giữa người và người. Phải tốt bụng, phải hiền lành, phải tôn trọng kẻ khác vì chúng ta là Người, là con Người. Tất cả bốn phương là anh em ruột thịt!
Trong khi say mê phát biểu quá nhiệt thành, tôi dơ hai tay lên xuống, có lúc dậm chân trên nền gạch mạnh mẽ đến nỗi vết thương ở đùi mặt kích động đau buốt kinh khủng làm tôi tỉnh giấc bật dậy. Tôi thấy mình đang còn nằm vắt trên hai rễ cây gừa, chìm dưới làn nước của bờ sông Thạch Hãn. Hú hồn trở về sự thật. Lúc đó mặt trời lên giữa đỉnh đầu, nắng gay gắt, không thấy có chút gió nào. Toàn khoảng không gian như bị tan tác, xé ra từng mảnh bởi những phi cơ phản lực oanh tạc thay nhau nhả bom liên hồi xuống rặng núi phía Tây là dãy Trường Sơn. Tôi bước vào ngày thứ năm trên bãi chiến chết người. Trên cao từng mảng mây trắng bạch trôi lờ đờ ở phương trời cao mạn Bắc, khi mà chân trời phương Nam quy tụ những cụm mây mưa xám xịt giăng đầy! Tôi đã luôn luôn nghĩ là tôi vô cùng may mắn. Trời đất cho tôi nhiều ân huệ, ngày nắng gắt cung cấp cho tôi nhiều năng lực ấm áp để rồi đêm đến trong cơn mưa lạnh tôi có đủ sức trườn đi, mò về miền an toàn nhanh hơn
Nhiều đạn dược và ngòi nổ đạn pháo in đầy chữ Tàu Cộng trên bờ Bắc sông Thạch Hãn đựng trong những hộp plastic nói lên một thực tế là quân Việt Cộng đang kiểm soát, hay đang di chuyển trên phần đất phía Bắc dòng sông định mạng Thạch Hãn! Biết vậy tôi tự bảo tôi nhanh chóng lánh khỏi nơi tử địa hứa hẹn nhiều oan trái này.
Tôi đã lần hồi, nhẹ nhàng hết sức, cố bơi sang bờ Nam của dòng sông mà không để lại bất cứ một lượn sóng nào. Bởi tôi biết rất rõ là nhờ vào đó, nhờ vào làn sóng lan ra đó, Việt Cộng sẽ nhanh chóng phát giác ra sự có mặt của tôi và rồi tôi sẽ lãnh ngay một tràng AK kết liễu đời mình.
Khối nước to lớn và đám bèo trên mặt nước của dòng sông làm rớt đi những mảng đất sét ngụy trang trên cái thân ốm đói của tôi. Vết thương trên đầu đùi phải, cũng được nhẹ bớt đi sự đau dai dẳng mấy ngày qua. Rồi cũng đến lúc tôi mò tới được bờ Nam rồi!
Tôi tìm xem nơi nào có lỗ trống không vướng cây cỏ làm tôi khó lê thân lên bờ. Tôi lại dùng hai tay và lồng ngực đầy vệt máu mà trườn lên bờ Nam. Cỏ bờ Nam cao chẳng thua gì bờ Bắc. Tôi trườn đi giữa những đụng cỏ cao như gò mối ngang ngực người, khi bóng chiều xuống nhanh, mặt trời còn khuất sau dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những ánh sáng cuối ngày còn vất vưởng ở đọt cây cao, nhạt nhòa trên cánh đồng mênh mông đầy mùi tử khí.
Mưa đêm qua lớn quá nên qua một ngày nắng gắt rồi mà vẫn còn nước đọng lại trên đường đi giúp tôi trườn tới dễ dàng như đang nằm và lội trên đám cỏ sũng nước. Tôi thấy tôi có phước vô cùng. Tôi được sự giúp đỡ của Ơn Trên nhiều quá! Cứ lập lại và lập lại mãi cái vòng sinh hoạt hai tay giang ra phía trước nắm cỏ kéo lê thân đi, có sự tiếp sức đẩy tới của chưn trái khi đạp vào đất! Cố gắng và tiếp tục cố gắng nữa. Muốn sống phải vươn lên!
Chắc cũng được vài trăm thước rồi thì phải, tôi bất chợt cảm thấy như đuối sức, hết hơi trườn tới nữa rồi! Bãi cỏ voi cao quá, cao quá không ai có thể nhìn thấy tôi nằm trên láng cỏ ướt đó. Tôi thấy khát nước vô cùng tôi có thể uống bất cứ nước gì để thỏa mãn cái cơn khát của thân xác này.
Bất ngờ, may mắn làm sao, tôi thấy loáng thoáng vài anh lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa khum khum chạy qua gần bên tôi. Tôi đã vận dụng hết sức mạnh còn lại để gọi lớn lên:
- Thủy Quân … Lục Chiến! Tiếng tôi đứt khoảng vì không đủ hơi. Sau khi nói lên chữ Lục Chiến tôi hoàn toàn hết sức mình. Tôi đã hiểu tôi có cuộc gặp gỡ ly kỳ này là trời cho.
- Đứng lên! Đứng lên! Một anh lính Thủy Quân Lục Chiến nhìn chăm chăm vào tôi và hét to lên.
Tôi nghe được cái lịnh đứng lên của hắn ta mà tức giận:
- Đ. Má! Mầy không biết …hoa tiêu … trực thăng … lâm nạn?
Sau câu nói, hết sức lực đó, tôi bất tỉnh. Bầu trời sụp tối. Gió chiều đã thổi, mơn man qua mặt tôi như bàn tay bà mẹ hiền vuốt má đứa con thân yêu. Tôi thấy nhẹ nhàng lâng lâng, trút mọi lo âu cho quá khứ. Vài phút sau, tỉnh lại, tôi thấy một anh Thủy Quân Lục Chiến nằm bên cạnh tôi. Anh nói khẽ vào tai tôi:
- Thiếu Úy, Thiếu Úy lên lưng tôi tôi đưa Thiếu Úy vào vùng an toàn!
Để trả lời anh này tôi nói nhỏ:
- Vào lấy dây TAB cột vào nhau. Ra đây cột hai tay tôi và kéo tôi vào!
Anh lính Thủy Quân vâng lời, bò vào chỗ của Tiểu Đội anh. Mặt trời bây giờ lặn hẳn rồi. Nhưng đứng gần cũng còn nhìn rõ mặt nhau. Gió Đông Nam bây giờ nhẹ nhàng đưa hơi nước mát lòng, mát dạ đến vùng chiến địa cày răng lược hiện giờ. Quả là phước đức vô cùng, đêm nay trời không mưa. Thật mầu nhiệm của Ơn Trên ban thưởng cho tôi.
Tôi yên lặng không nói lời nào nữa. Nhưng đâu ai biết rằng trong thâm tâm của tôi đã vui mừng khôn xiết. Tôi biết rõ ràng rằng tôi được cứu, tôi được sống từ giờ này. Vài phút sau, hai anh lính Thủy Quân lại bò đến bên tôi. Một anh nằm sát đất, anh kia nâng tôi lên lưng anh nọ. Rồi cả ba trườn vào nơi ẩn núp tạm thời của Tiểu Đội, nơi tuyến đầu xen kẻ cài răng lược với đám Việt Cộng.
Nơi đây tôi gặp Thiếu Úy Thanh, một Khóa Sinh Sĩ Quan cùng Tiểu Đội với tôi khi cả hai cùng được huấn luyện tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Cả hai ôm nhau, nước mắt ràn rụa. Nhắc lại thời Khóa Sinh cùng dẫn nhau trình diện bị phạt dã chiến 4 đêm, làm chúng tôi luyến tiếc thời khóa sinh. Thanh trao cho tôi một điếu Rubi quân tiếp vụ. Điếu thuốc thấm nước phân nửa, ngả màu vàng, cong vòng. Nhưng khi mồi lên, hít một hơi thông suốt thì thấy lòng sảng khoái nhẹ nhàng.
Bấy giờ chắc khoảng 9 giờ đêm hay 10 giờ chi đó. Khác với những đêm mưa tầm tã vừa qua, đêm nay mưa chỉ lấm tấm đủ làm ướt áo khách qua đường. Tôi được chuyển sang vùng an toàn hơn. Rời chỗ Thiếu Úy Thanh chia tay lưu luyến. Tôi có chỉ nơi Việt Cộng đặt bản doanh, và số đạn dược chất trên bờ Bắc sông Thạch Hãn, tôi bắt tay cám ơn từng anh em và Thanh. Tôi dặn dò hết sức cẩn thận sau mỗi lùm cỏ chất đống cao ngạo. Tôi được đưa đến bộ Chỉ Huy Đại Đội. Bởi tuyến đầu của Thanh, hai bên cọ sát đối đầu nhau trong gang tấc, và sẵn sàng giết nhau bằng súng Mỹ, súng Tàu! Tôi được đỡ lên lưng một anh lính Thủy Quân Lục Chiến, ba anh khác đi theo phụ giúp. Hai anh hai bên, và anh thứ ba phía sau. Con đường chuyển tôi đi qua nhiều dốc đất sét. Đất sét gặp nước mưa làm con đường đi càng trơn trợt nguy hiểm. Thật dễ dàng té ngã vì đi trong mưa trên con đường đất sét như vậy của quê nhà.
Khi trời ngớt mưa chúng tôi cũng vừa tới Bộ Chỉ Huy của Đại Đội, nơi đây có bao cát chung quanh. Tôi hoàn toàn kiệt sức, bởi vì tôi phải dùng hết sức mình ôm chặt anh lính Thủy Quân Lục Chiến đang khòm lưng cỏng tôi. Dù vậy, với ân tình huynh đệ chi binh xứng đáng ngàn vàng đó tôi đã lấy hết sức tàn để siết tay và nói lời cám ơn 4 anh lính Thủy Quân Lục Chiến vừa gan dạ vừa tình nguyện hy sinh. Tôi nhớ Đại Đội Trưởng công tác chưa trở lại, chỉ có Đại Đội Phó tại đây. Tôi có nhờ anh gọi máy liên lạc về Huế, và Đà Nẳng cho biết tôi đã về đến nơi an toàn. Lúc đó, một anh lính Thủy Quân đến bên tôi hỏi:
- Thiếu Úy đói lắm hả, uống sữa nhé, chúng tôi cũng có mì Quân Tiếp Vụ làm cho Thiếu Úy?
- Không! Cám ơn anh quá đi. Tôi chỉ buồn ngủ thôi.
Tôi đáp nhanh và rơi vào giấc ngủ hồi nào không hay.
Đến sáng, khoảng 7 hay 8 giờ, một chiếc xe thiết gíáp M113 đến trước Bộ Chỉ Huy Đại Đội để chở tôi đi ngay trên chiến địa. Tôi vui mừng khôn xiết, nhắm đôi mắt lại mơ màng. Trước khi chiếc M113 di chuyển, Đại Đội Phó bắt tay tôi siết mạnh và chúc mau lành để trở lại chiến trường với anh em. Anh cười, và cho biết thêm rằng lúc hơn 2 giờ khuya, một phi hành đoàn của Trung Úy Lưu, Phi Đoàn 233 có bay gần đến vùng này, liên lạc để bốc tôi về Bịnh Viện, nhưng anh từ chối vì an ninh cho cả Đại Đội ban đêm. Đạn và súng cối Việt Cộng sẽ sẵn sàng tấn công vào Đại Đội khi trực thăng đáp xuống rước tôi. Anh đã khước từ nhiều lần mặc dù Trung Úy Lưu khẩn khoản, và rằng Trung Úy Lưu sẽ tắt hết đèn và tắt máy để đáp xuống bất ngờ. Tôi nghe chuyện mà thương cho người đứng đầu chiến tuyến, thương và cảm phục tình chiến hữu trong quân đội, thương Trung Úy Lưu!
Chắc cũng hơn nửa giờ sau thì chiếc M113 dừng lại. Tôi được khiêng ra khỏi xe. Tôi cám ơn các anh kỵ mã can trường. Xe đã lui mà tôi còn nghe lời chúc mau bình phục của họ! Tôi nhìn quanh quan sát, đây là trạm cứu thương giữa chiến trường, Thiếu Tá Bác Sĩ Quân Y nhìn tôi e ngại, thương tình. Lúc đó, trên người tôi chỉ là bùn đen và đất sét ngụy trang mặc dù lúc bơi qua sông chúng đã rơi xuống nước khá nhiều. Tôi chỉ có một chiếc quần lót lẫn màu đất là của con người. Xót xa quá, nên Thiếu Tá vào trong lấy ra một bộ đồ bông màu Thủy Quân Lục Chiến có đính cấp bậc Thiếu Tá và huy hiệu Bác Sĩ Quân Y, và bảo mấy Y Tá chiến trận mặc vào cho tôi! Thú thật, trong bộ đồ của binh chủng anh hùng đó, trông tôi mạnh mẽ hơn lên! Tôi cám ơn nhiều lần, và có ghi nhận là Thiếu Tá Bác Sĩ và binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến can trường còn trẻ quá!
Mặc xong bộ đồ, một xe tải thương đã sẵn sàng để chuyển tôi về nơi an toàn hơn nữa để trực thăng đáp bốc về Bịnh Viện. Xe chạy trên đường đất đỏ có một hàng cây bên trái. Gió buổi sáng len vào thùng xe làm tôi cảm thấy dễ chịu. Có lẽ sau đêm ngủ ngon lành nhiều mơ mộng vui tươi, tôi như có thêm nhiều sức lực. Sức lực có thêm là nhờ tình người, tình đồng đội, tình chiến hữu trong đấu tranh sinh tử có nhau!
Xe cứu thương dừng lại chỗ có tên Ngả Tư Quốc Tế, Lữ Đoàn 147 TQLC. Tôi được khiêng xuống, và xe trở lại Trạm Y Tế Tiền Phương nơi có Thiếu Tá Bác Sĩ mà tôi trong lúc xúc động vui mừng đã không hỏi han danh tánh!
Nằm trên băng ca nơi yên ổn, có người chăm sóc thân mến, lòng tôi rộn ràng nghĩ đến anh em chắc đang chờ gặp tôi! Mắt tôi lơ đãng nhìn bầu trời xanh, cũng lãng đãng mây trắng mà thầm cám ơn Thượng Đế, các đấng Thần Linh đã che chở cho tôi. Cám ơn những đêm mưa đầy sấm sét. Cám ơn người chết nằm giữa đường, xương sọ, xương người trắng hếu. Cám ơn Quân Đội đã sản sanh ra những người chiến hữu sống chết có nhau. Tôi về nơi yên lành mà sau lưng còn bao nhiêu lính trận phải mở mắt to lên, ngày đêm cho dù buồn ngủ đến cay xé! Làm sao đủ từ ngữ để nói lên tinh thần hy sinh cao cả của người lính trận, xả thân vì nước, vì anh em đồng đội, chiến hữu! Phải nói đây là hành động thần thánh, sự thương yêu của anh em ruột thịt, một mẹ trăm con!
Mấy anh lính Thủy Quân Lục Chiến biết tôi, nghe danh tiếng tôi, qua năm tháng phục vụ cho binh chủng này, quen thuộc với một hoa tiêu có nón bay sơn đen ghi chữ “Minh Rừng chết cho Người” ngồi chung quanh băng ca, vui mừng hỏi:
- Trị thương bao lâu Thiếu Úy?
- Vài tháng. Tôi trả lời trong sự lạc quan trước mặt.
- Trở lại bay giúp anh em hở Thiếu Úy? Một anh khẩn khoản.
- Đương nhiên! Nhớ nón bay đen nhé! Một anh lớn tuổi hơn hết, chẳng thấy lon lá gì hỏi:
- Thiếu Úy uống cà phê, sữa hay cơm cháo? Tụi này có sẵn đây! Nghe câu nói chân tình, tôi cảm động siết tay anh và nhờ:
- Anh cho tôi nửa chén nước của mì Quân Tiếp Vụ.
Anh chạy đi lo nấu cho tôi. Mấy anh còn lại hỏi chuyện:
- Mấy ngày qua làm sao mà Thiếu Úy qua mắt được tụi nó? Tụi nó đông lắm Thiếu Úy.
Tôi thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản, như đang ở nhà, chỗ yên vui, cho dù vết thương đang hoành hành xông lên mùi xác chết.
Tôi nhận nửa chén súp mì Quân Tiếp Vụ, khói bay theo gió, ngạt ngào mùi thơm. Tôi đã trở lại với xã hội thật của con Người, có thức ăn của người, có tình tự thương mến. Vị mặn và nóng vào miệng ngon lành không sao tả hết được. Mì Quân Tiếp Vụ có giá trị căn bản, chơn chất, rẻ nhất trong đời. Đó là loại thức ăn nhanh gối đầu quen thuộc cho quân nhân, Sĩ Quan độc thân như tôi.
Chắc vào khoảng 10 giờ, mặt trời lên khá cao, gió Đông Nam nhè nhẹ thổi làm tôi thấy khoan khoái hơn. Lòng tôi như mở hội vui mừng! Nhiều trực thăng của Phi Đoàn 233 chợt hiện đến nghiêng cánh vẩy tay chào, rồi đi hành quân. Một chiếc đáp xuống, anh em Thủy Quân Lục Chiến vội khiêng banca tôi lên trực thăng. Rồi thì chúc mau bình phục vang vang theo gió. Tôi ngoái cổ nhìn xuống mà cảm xúc dâng tràn.
Từ Phòng Hành Quân Đà Nẵng, Thiếu Tá Chính chỉ thị phi hành đoàn rước tôi phải trực chỉ về Phi Đoàn càng nhanh càng tốt, vì khách khứa đông đủ chật cả hangar Phi Đoàn.
Trên đường về Đà Nẵng, anh em tại Huế, Phú Bài muốn nhìn thấy tôi, nên trực thăng ghé xuống Huế, Phú Bài. Anh em, Biệt Đội Tiền Phương, kéo nhau ra bãi đáp chào mừng tôi như kẻ chết sống lại. Ai cũng bắt tay, có người vuốt ngực áo tôi rồi chào “Thiếu Tá Bác Sĩ“ trong tiếng cười vang như mở hội ăn mừng. Thật ấm lòng, những cái bắt tay làm tôi vui mừng khôn tả. Đến lúc trực thăng cất cánh rồi tôi vẫn còn nghe tiếng reo vui phía dưới phi trường! Nhìn qua tôi còn thấy Đại Úy Lô, đứng yên đó vẩy hai tay thương mến.
Từ Huế Phú Bài về Đà Nẵng, khoảng hơn 30 phút bay. Thời gian ngắn đó cũng đủ cho tôi biết được hết về phi hành đoàn của tôi. Cơ Phi Xôm và Xạ Thủ Tuấn được Thuỷ Quân Lục Chiến đưa ra khỏi bãi mìn và gửi về Phi Đoàn. Cả hai đang lo việc chào đón tôi tại Phi Đoàn 233. Thiếu Úy Nguyễn Hàn, không may lúc đêm đen, mò trúng vào bãi mìn của Thủy Quân Lục Chiến, mìn nổ chết! Thiếu Úy Hoa Tiêu Phụ Trịnh Hữu Văn mất tích! Tôi thấy cổ tôi nghẹn ngào, thương cho Văn, rồi tự trách vì tôi mà Văn mất tích! Vì tôi mà cha mẹ Văn chạy đôn đáo tới lui! Bổn phận, Danh Dự nào cho nguôi ngoai tình cảnh chúng tôi đây? Văn đã chết hay bị Việt Cộng bắt rồi?
Trực thăng hướng về Nam, qua khỏi đèo Hải Vân có gió nhồi qua đỉnh núi, cao độ giảm dần, rồi được ưu tiên bay vào thẳng Phi Đạo 233. Tôi ngó qua thấy bà con, anh em chờ đông quá. Hình ảnh xôn xao đó làm tôi quên ý nghĩ về Thiếu Úy Văn. Tôi thấy đầy đủ Sĩ Quan, văn phòng của Không Đoàn 51 Chiến Thuật, và Phi Đoàn 233. Gương mặt ai cũng mừng vui rạng rỡ làm tôi quên rằng tôi không thể bước được bước nào. Tôi nằm trên banca đưa tay bắt từng người, từng người.
Chen vào khiêng banca, tôi nghe tiếng Chú Ba, và nhận ra là Trung Sĩ Yêm, cháu rể của chị Năm, em của anh Ba nhà kế bên nhà ngoại lúc tôi học lớp Ba, Tiểu Học Gò Dầu Hạ. Yêm cho biết suốt đêm qua không ai ngủ cả. Ai cũng chờ Trung Úy Lưu rước Chú Ba về. Rốt cuộc Thủy Quân Lục Chiến không cho, vì mấy ổng sợ bị pháo và sợ súng cối bắn vào! Yêm cho biết sáng nay những bàn thờ để ra trước cửa cầu nguyện cho Chú Ba ở trại gia binh mới dẹp vô. Và rằng ai cũng van vái cho Chú Ba.
Mọi người thắc mắc sao lại là Thiếu Tá Bác Sĩ Thủy Quân Lục Chiến? Khi chuyển tôi qua xe cứu thương của Bịnh Viện 95 Dã Chiến Hoa Kỳ, nhiều người còn chạy theo chào mừng Thiếu Úy, chào mừng thầy giáo. Trong năm 1971-1972 tôi có mở lớp, và đích thân dạy Luyện Thi Tú Tài I cho 47 Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ của Sư Đoàn. Tất cả đã đỗ Tú Tài I, nên có nhiều gia đình học trò thương mến lắm.
Bấy giờ xe cứu thương chạy qua cổng Bịnh Viện 95, tôi thấy lính Quân Cảnh Mỹ mở cửa nhìn tôi, rồi đóng cửa xe lại. Sau đó, xe vào và dừng lại cửa Cứu Cấp. Banca của tôi được khiêng xuống và chở vào Phòng Chẩn Bịnh. Thiếu Tá Bác Sĩ James Greenbergs, đứng trước các dương bản chụp xương háng, xương đùi của tôi, Thiếu Tá Chính có mặt bên cạnh, bàn bạc phương cách phẫu thuật.
Chuyển tôi vô phòng mổ, qua, mấy giờ đầy những sinh hoạt đầy ấp những vui tươi, triều mến, tôi đã mệt lả người. Nên tôi nhắm mắt để mặc cho Bác Sĩ và Y Tá làm gì thì làm. Tôi nhắm mắt sau đó đi vào giấc ngủ vùi.
Tối hôm đó, tôi tỉnh dậy, nằm trên giường bịnh vải bao trắng xóa. Tôi thấy có cái gì cộm cộm dưới lưng trên xương đùi. Tôi nhận ra ngay là việc mổ đã xong! Một Trung Sĩ Mỹ phụ trách cho tôi thường lui tới hỏi han. Anh này khi muốn thay băng, hay lau thân tôi, câu đầu tiên anh nói là: “Anh Hùng của tôi” (My hero!).
Hình Nữ Quân Nhân Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam.
Sau đó, một nữ Y Tá người Việt được chỉ định chăm sóc cho tôi. Thân tôi là thân đất, nên nhà thương phải lau rửa luôn luôn! Nhờ đó tôi được sạch sẽ và thơm tho lắm. Cám ơn Bịnh Viện 95 Dã Chiến Hoa Kỳ! Cám ơn em Y Tá mà tôi chưa từng biết tên, người xứ Quảng.
Những tháng ngày tháng 10, năm 1972 Việt Cộng tăng cường pháo kích vào phi trường Đà Nẳng. Bịnh Viện kế bên phi trường cũng chung số phận. Bác Sĩ và Y Tá mỗi khi bị pháo kích phải chạy lo cho bịnh nhân an toàn trước tiên. Tôi được che chắn bởi các mảnh áo giáp rất kỹ lưỡng và an toàn!
Tôi lại nghĩ đến sự an nguy của các vị Bác Sĩ và Y Tá Hoa Kỳ! Những người này có phải mình đồng da sắt hay không? Khi Việt Cộng pháo kích các vị nầy phải lo cho người khác, phải quên mình. Đó, hành động đó, tinh thần đó từ đâu mà có? Cám ơn những người Mỹ cao thượng lo cho người, hy sinh cho đời! Các anh xứng đáng làm Người, con người giúp đời, không màng sự chê bai của người khác. Thói thường, không làm được việc cao thượng thì thường hay chỉ trích những ai làm việc cao thượng!
Hình một Y Tá cũng phục vụ trong Bịnh Viện Hoa Kỳ, đến năm 1976 có chồng là tôi, rồi sau đó trở thành “Chuyên Viên” nuôi người chồng Tù “Trốn Học Tập Cải Tạo” cũng là tôi!
Những người cao thượng trên cỏi đời này, những người Hoa Kỳ cao thượng quý mến ơi! Tôi mang ơn các anh, các chị. Tôi chỉ xin có dịp Vinh Danh các anh. Tôi còn nhớ Thiếu Tá Bác Sĩ James Greenbergs, 1972-1973, người của Tiểu Bang Wisconsin, Hoa Kỳ. Ông này mời tôi đến nhà ông khi có dịp. Nhưng nay có dịp thì lại không có địa chỉ nhà ông! Ông Greenbergs ơi! Nếu Ông đã qua đời, xin Ông hiểu cho lòng tôi, tôi còn hình dáng hai chân tự nhiên là nhờ Ông! Ông giữ công đầu trong việc giải phẩu và nuôi sống trở lại chân bên phải của tôi! Nếu không phải là Ông thì tôi phải mất đi một chưn đứng rồi! Do đó, dòng đời dạy tôi rằng tôi nợ những người Mỹ cao thượng nhiều lắm, tôi nợ mọi người, nợ quê hương tôi và cây cỏ cùng mang số phần nghiệt ngả như tôi!
Trích Tập Truyện LÁ RỪNG của Phước Hiệp Đỗ Minh Đức
( Biên Hùng chuyển )
Chuyến Bay Định Mạng và Những Người Mỹ Cao Thượng
Khi những nhóm phản chiến Hoa Kỳ, trong những y phục nhìn không được sạch sẽ lang thang trên các công viên đường phố Hoa Kỳ lên tiếng cáo buộc cho rằng “người lính Mỹ tại VIệt Nam là những người bắn giết trẻ thơ” thì chính lúc đó, những người lính Mỹ đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, và rất nhiều công tác hữu ích cho con người. Tôi đã có dịp xử dụng những cơ sở, phòng ốc và những sự săn sóc hữu hiệu, vì con người, của những người Mỹ đó.
Tôi nhớ lại vào khoảng trưa 12 tháng 10 năm 1972, tôi được đưa vào Bịnh Viện 95 Dã Chiến Hoa Kỳ, từ Phi Đạo của Phi Đoàn 233, Không Đoàn 51 Chiến Thuật, Đà Nẵng, Miền Nam Việt Nam. Đây là ngày vui của Phi Đoàn 233. Chúng tôi có thể nói là ngày vui của cả Sư Đoàn Một Không Quân. Lý do quá giản dị. Tôi đã ở trong rừng năm đêm, sáu ngày vừa qua, phá kỷ lục, sau khi chiếc trực thăng của tôi bị hỏa tiễn Việt Cộng bắn trúng đứt đuôi.
Bịnh Viện này rất quen thuộc với những người phi hành như tôi. Tất cả nhân viên phi hành đều được trị thương tốt lành như chính những người lính Mỹ. Bịnh Viện được trang bị đầy đủ cho dù đây là một Bịnh Viện Dã Chiến!
oOo
Vào Chuyện,
Ngày 07 tháng 10 năm 1972
Phi Đoàn 233, Thiên Ưng, Không Đoàn 51 Chiến Thuật, biệt phái 13 chiếc trực thăng với trách nhiệm 4 ngày liền tại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, phi trường Phú Bài, để phục vụ cho Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam 6 trực thăng, đóng tại quận Hương Điền; và Sư Đoàn Dù 7 trực thăng, đóng tại cây số 17 Quốc Lộ 1.
Khoảng hơn 9 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1972, tôi được phi lịnh bốc giúp một thiếu phụ lâm vào cảnh khó khăn sinh con, khoảng 20 phút bay về phía Bắc của quận Hương Điền, chúng tôi gọi là Ngã Tư Quốc Tế, và đưa bà mẹ không may này về Bịnh Viện Nguyễn Tri Phương, Huế.
Sau phi vụ nhân đạo đó, tôi trở lại quận Hương Điền, Cơ Phi và Xạ Thủ đã nhanh chóng cột xong cánh quạt chánh để tránh gió đập làm hỏng. Chúng tôi có bữa cơm trưa đạm bạc bên hàng tre già còn xanh lá, cạnh con đường đất miền quê hiền hòa Hương Điền uốn éo giữa những đám ruộng lúa xanh rờn đầy nhựa sống! Sau đó, chúng tôi còn lãnh lương nữa chứ, lãnh lương tại nơi mình biệt phái, xin cám ơn Phòng Lương Sư Đoàn I Không Quân. Nhân viên phi hành được ưu tiên, không xếp hàng đợi chờ mất thì giờ. Tôi được ngạch lương 32 ngàn 500 đồng mỗi tháng, tôi cẩn thận xếp đôi xấp tiền cho gọn và để tất cả vào túi áo bay bên chân phải, xong kéo miệng túi bảo đảm không rơi mất đồng lương nhiều mồ hôi, và nguy hiểm đó!
Chỉ trong khoảng nửa giờ sau bữa cơm trưa, tôi nhận được một phi lịnh đặc biệt khác nữa. Đó là phi lịnh cứu cấp. Một hoa tiêu A- 37 bị súng phòng không Việt Cộng. Anh ta đã nhảy dù xuống an toàn một giờ vừa qua!
Tôi đã nhiều lần cứu cấp hoa tiêu lâm nạn phải nhảy dù xuống như vậy. Nhưng lần này, tôi cảm thấy rất đặc biệt. Tại sao A-37 oanh tạc lại không báo cho trực thăng ứng trực ngay trên bầu trời? Tại sao phải đợi đến một giờ sau mới gọi cứu cấp? Ai trách nhiệm cho việc ra lịnh trễ nảy như vậy? Thiếu trách nhiệm chết người!
Tôi phải cố nhanh chóng hành động sao cho hơn tốc độ của kim đồng hồ. Tôi chụp lấy nón bay, nhảy lên ghế lái, dù ẫchưa xỏ chân vào gìày, và vẩy tay ra lịnh mở dây cột cánh quạt. Tôi ra hiệu năm chiếc trực thăng, gồm có cả hai chiếc võ trang còn lại cất cánh sau tôi. Phi hành đoàn của tôi chưa ai mang giày, và mang áo an toàn. Chúng tôi vừa bay và vừa trang bị cho đầy đủ. Tôi cũng đã kiểm soát xem tất cả phi hành đoàn đều có áo an toàn vì rằng hoa tiêu đã lâm nạn hơn một giờ qua. Một giờ, thời gian đủ dài để Việt Cộng chuẩn bị những cái bẫy, và chuẩn bị đầy đủ hỏa lực để sẵn sàng dụ những phi hành đoàn cứu cấp gan dạ như chúng tôi!
Ngay sau khi cất cánh tại Hương Điền, tôi bấm máy ra lịnh 3 trực thăng vận tải theo sau phải giữ khoảng cách là 3 phút bay. Hai chiếc võ trang bay hai bên cách tôi một phút bay, vì tôi phải áp dụng chiến thuật bay cho phi lịnh cực kỳ nguy hiểm này!
Trên bầu trời Quảng Trị , nắng gắt, gió Đông Nam thổi nhẹ. Quan Sát Cơ L-19 mang tên Pigeon 10 đang trách nhiệm bao vùng theo dõi.Tôi bắt đầu liên lạc với anh ta khi còn bay với cao độ 1000 bộ, với tốc độ 110 knotts
- Pigeon 10, Pigeon 10, Eagle 3, Eagle 3, Eagle 3 là tên của tôi trong phi lịnh này.
- Eagle 3, Eagle 3, Pigeon 10 tôi nghe anh.
- Pigeon 10, chỉ dẫn mục tiêu.
- 12 giờ trước mặt,
- 12 giờ nhận rõ.
Sau đó, tôi đã quyết định đưa trực thăng nhào xuống bay sát mặt đất, tốc độ 120 knotts và bắt đầu bay chiến thuật vào vùng tử địa.
Cứ mỗi giây phút trôi qua là nguy hiểm đến gần hơn và gần hơn. Mặc dù hai chiếc võ trang bay sau tôi để yểm trợ, tôi cho lịnh Xạ thủ Tuấn và Cơ Phi Xôm khi tôi nghiêng cánh bên nào bên đó bắn không ngừng để đàn áp hỏa lực Việt Cộng dưới đất.
Tôi đã liên lạc với Pigeon 10 nhiều lần và cũng nhận cùng một câu trả lời như trên. Hỏa lực từ đất bắn lên rát lắm. Chúng xuyên thủng trực thăng nhiều nơi. Một viên đạn đã nổ tung phía đầu bọc kính, trước chân tôi. Một mảnh nhỏ đã bay vào giữa đôi chân mày, trên sóng mũi tôi, một giọt máu lăn xuống mí mắt làm tôi thấy màu đỏ loang loáng. Tôi biết ngay rõ ràng là chốn nguy hiểm vô cùng đã đến. Tôi bảo hoa tiêu phụ Trịnh Hữu Văn:
- Tao đã trúng miểng đạn ở trán. Mầy để tay vào cần lái, bay theo tao.
Văn, không nói lời nào, nhanh chóng đưa tay vào cần lái và nhẹ nhàng bay theo tôi. Đây là cách phòng ngừa khi tôi thình lình ra đi trên ghế lái.
Từ Phòng Kiểm Soát Hành Quân, sau khi nghe tiếng tôi, Thiếu Tá Nguyễn văn Thanh, giọng nhẹ nhàng ra lịnh:
- Eagle 3, Phải hết sức cẩn thận. Rồi Thiếu Tá lập lại, “Phải hết sức cẩn thận, Tôi nói anh hiểu không?”
- Vâng, Eagle 3 tôi hiểu, Thiếu Tá!
Liên lạc với Pigeon 10, thì vẫn chỉ có một câu trả lời “12 giờ trước mặt!” Tôi thấy được những tràng đạn đại liên mini của hai chiếc trực thăng võ trang nổ dòn phía trước dưới chân tôi. Tôi cũng thấy những viên đạn lửa của Việt Cộng bay xiên xéo lên phi cơ. Trong lúc nóng lòng tìm Hoa Tiêu lâm nạn, thình lình Cơ Phi Xôm hét to lên mừng rỡ:
- Cánh dù bên trái! Thiếu Úy!
Tôi nhanh chóng nhìn về phía trái, khi bay 120 knotts. Tôi kéo xuống 80 rồi 60 rồi sẵn sàng đáp xuống. Nhưng không có hoa tiêu lâm nạn ở đó, chỉ có cánh dù mà thôi! Tôi lại liên lạc:
- Pigeon 10, Pigeon 10, Eagle 3
- Eagle 3, Pigeon 10
- Mục tiêu.
- 12 giờ trước mặt, Nghe rõ?
Lại cứ trả lời 12 giờ nữa rồi! Tôi trả lời nhanh:
- 12 giờ trước mặt, Nhận rõ!
Việc liên lạc trên phi cơ gồm 3 hệ thống. Đó là FM, UHF và VHF. Tôi dùng FM với Pigeon 10, để cho các lực lượng dưới đất trong vùng, cùng tần số, có thể theo dỏi phi vụ cứu nguy này. VHF và UHF để dùng vào Kiểm Soát Không Lưu và nội bộ. Ngoài trời nắng lên gay gắt, nóng ơi là nóng. Hai mảnh áo an toàn trước và sau thân tôi làm tôi không thoải mái.
Tôi vẫn theo chỉ dẫn “12 giờ trước mặt” của Pigeon 10. Gió Đông Nam thổi nhẹ. Trời nắng nóng càng nóng hơn. Hai phút sau khi bay khỏi nơi thấy cánh dù, lần này tôi nhận ra hoa tiêu lâm nạn.
Tôi dùng phương pháp đáp khẩn cấp từ 120 knotts, bay thấp trên mặt đất cùng lúc vội vàng bấm máy ra lịnh:
- Tất cả ba trực thăng theo sau bay ra ngoài vùng. Trực thăng võ trang bắn thêm yểm trợ.
Và tôi quyết định đáp xuống khi cả vùng trời ngập trong lửa đạn đủ loại, miểng pháo và khói bụi mịt mù. Kéo cần lái sát vào người, cùng lúc tôi đưa cần cao độ sát xuống thấp, quẹo trái, áp dụng kỹ thuật đáp khẩn cấp. Đạn của ta và đạn của địch thi tài áp đảo nhau! Việt Cộng còn giúp thêm cho tử thần bằng cách mưa pháo bồi vào bãi đáp nữa chứ! Quang cảnh chẳng khác nào phi hành đoàn vào địa ngục để cứu hoa tiêu A-37 lâm nạn!
Cơ phi Xôm và Xạ thủ Tuấn gan dạ và nhanh nhẹn nhảy xuống đất, phóng nhanh về phía hoa tiêu lâm nạn và kẹp hai tay xốc anh này chạy vội vàng về trực thăng. Tôi nhận ra đó là Thiếu Úy Nguyễn Hàn.
Khi cả ba đã bước lên trực thăng. Tôi vội vã kéo cần lái, cần cao độ cất cánh trong bụi cát mịt mù dưới cơn bão pháo và súng nhỏ lớn, các loại của Việt Cộng. Tất cả vô cùng mừng rỡ, phi vụ cứu cấp đã sắp thành công! Tôi vội bay hướng Đông Nam về Huế, Phú Bài!
Mọi việc được hoàn tất mau chóng và chuyên nghiệp trong khi Việt Cộng liên tục pháo vô số vào bãi đáp!
Khi đạt tới cao độ vào khoảng 200 bộ, một quả pháo chạm phải cánh quạt đuôi. Trực thăng giựt mạnh quẹo sang trái. Tôi lại phải tắt máy và áp dụng thể thức đáp khẩn cấp. Bây giờ là đáp khẩn cấp thật sự đây! Năm người trên trực thăng, kể cả Thiếu Úy Nguyễn Hàn, giờ phải tìm cách mưu sinh thoát hiểm, bởi vì trong khoảng cát bụi mịt mù và mưa pháo của Việt Cộng tôi đâu muốn để cho anh em bên ngoài vào cấp cứu.
Khi bối rối đó, Thiếu Úy Nguyễn văn Bằng, bay trực thăng võ trang, hô to:
- Hoan hô Eagle 3 đáp khẩn cấp hay quá, hay quá!
Ngay khi trực thăng đáp xuống đất rồi, tình thế rất khẩn cấp đầy bất trắc, tôi gọi xạ thủ Tuấn mở ngay cửa cho hoa tiêu phụ Trịnh Hữu Văn, và rồi mọi người theo tôi, vì tôi giữ máy liên lạc.
Nhưng trong cơn mưa pháo của Việt Cộng, chúng mong sát hại cả phi hành đoàn, Cơ Phi Xôm, Xạ Thủ Tuấn, Hoa Tiêu phụ Trịnh Hữu Văn và hoa tiêu A-37, Thiếu Úy Nguyễn Hàn, tất cả đã rời khỏi trực thăng qua cánh trái, khi tôi lấy dụng cụ và máy liên lạc cứu cấp xong, tôi nhảy xuống đất bên phải của trực thăng. Chỉ vài phút sau là chúng tôi mất liên lạc với nhau. Không cách nào thấy nhau trong cơn bão pháo và bụi mịt mù! Địa ngục đây rồi?
Dưới bầu trời nắng gay gắt, Việt Cộng vẫn liên tục mưa pháo vào mục tiêu trực thăng của tôi. Bụi mù và miểng đạn mưa pháo làm cho cảnh vật hiện hình rõ ràng là một vùng tử địa! Trong cảnh đó, không ai nhìn thấy ai nữa! Tôi có nhiều lần khẩn khoản 3 hoa tiêu anh em trực thăng đừng vào vì rất nguy hiểm. Dù tôi nói thế nào đi nữa, 3 chiếc trực thăng còn lại nóng lòng muốn cứu chúng tôi, cũng bay vào, rồi thì bị đạn, rồi thì cũng không tài nào thấy được nơi chúng tôi đang nấp, vì tránh pháo. Nên trong khoảnh khắc giành giựt với tử thần đó, anh em cũng phải rời vùng! Bầu trời bây giờ lại có thêm 2 trực thăng Cobra và một chiếc trực thăng chuyên môn cứu cấp là CH 53 của Hoa Kỳ cũng bay hướng đến cấp cứu! Tôi cũng đã dùng máy liên lạc và kêu gọi các trực thăng cứu cấp Hoa Kỳ đừng bay vào bãi đáp vì lý do đơn giản, súng phòng không của Việt Cộng trang bị đầy dẫy chung quanh bãi đáp rồi! Đừng bay vào rọ!
Chiếc trực thăng của Phi Đoàn 233 xấu số của tôi, danh số ở đuôi là 827 màu trắng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ chói chang dưới nắng, trong cơn bão pháo, đã đứng hiên ngang ngạo nghễ sau những tháng năm dài phục vụ con người. Giờ đây, đã nhằm giờ hóa kiếp, nó đã bị thương mất đuôi, và rồi lãnh trọn phải một quả pháo Liên Xô hay Trung Cộng. Chiếc trực thăng bốc cháy ngùn ngụt cao ngất một cách hãnh diện giữa một ngày nóng bỏng của chiến trường sát nhân oái oăm Quảng Trị!
Trong khoảnh khắc đó, tôi chạy khỏi phi cơ độ hơn 100 thước về phía Tây của bãi đáp, bất ngờ tôi lại bị thương! Tôi ãđã ngả xuống một lỗ đạn pháo sâu đầy nước trước đây. Tôi bất tỉnh, mê đi trong giấc ngủ vùi!
Tiếng đạn pháo giết người liên tục nổ gầm vang, tiếng gió cuốn bụi cát xát mạnh vào mặt làm tôi choàng tỉnh và mở mắt ra! Bầu trời bây giờ không còn xanh nữa, mà xám xịt, mây đen thấp xuống, bao phủ cả vòm trời! Buổi chiều về mau lẹ với cơn mưa to, nhiều sấm sét. Chiếc trực thăng mang số đuôi 827 theo tôi qua bao cuộc hành quân, yểm trợ, trên 5 tỉnh phía Bắc địa đầu, ngày nào cũng lảnh đạn thù, có lần Cơ Phi báo cáo cả thảy 37 lỗ đạn xuyên qua thân. Sĩ Quan và binh sĩ Phi Đạo 233 lo vá ngày đêm, vá mệt nghỉ. Giờ đây, mãn phần hóa kiếp, cả chiếc trực thăng to lớn như thế cũng chỉ còn lại lớp bụi trắng trên đất. Mỗi cơn gió cuốn qua, một số tro bay tung chạy đua theo gió!
Để tránh Việt Cộng phát hiện, tôi chôn gói thuốc Winton hút còn dang dở, và chiếc quẹt máy Zippo xuống bùn. Tôi đã cố gắng rất nhiều lần kêu gọi các trực thăng cứu cấp nên rời vùng nguy hiểm này bởi vỉ hỏa lực địch quá mạnh và cài đặt khắp nơi như một cái bẫy lớn. Trong cơn mưa như trút nước và sấm sét như xé trời, âm thanh nghe được từ máy liên lạc cứu cấp nhỏ dần, và đứt khoảng, khó nghe. Với những cố gắng để sống còn đã có được một kết quả là những chiếc trực thăng đã nghe tôi rời xa vùng lâm nạn.
Sau đó, tôi giữ hoàn toàn yên lặng và chôn tiếp đồng hồ Seiko, và máy liên lạc đã yếu pin xuống sâu dưới đáy bùn! Đến nửa đêm khi đạn pháo bớt nhắm vào vùng chúng tôi, khi tôi đã phải dấu mình dưới bùn và cỏ, tôi nghe tiếng như có người, lục soát, tìm kiếm chúng tôi. Tôi cố giữ hoàn toàn yên lặng để khỏi bị bắt. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng họ là lính Việt Cộng!
Nằm núp dưới đất bùn dơ bẩn, trong cơn mưa sấm sét, tôi cảm thấy lạnh vô cùng. Tôi phải lách mình, mò đi một cách êm thắm, trầm mình nhẹ nhàng xuống lạch nước. Nhờ vậy tôi thấy ấm hơn! Bấy giờ tôi liên tưởng đến những người khác. Bao nhiêu nhân viên phi hành đã bị bắt, bị đối xử một cách hoang dã khi phi cơ họ bị bắn rơi! Hoa tiêu F4 Skyhawk Mc Cain của Hải Quân Hoa Kỳ là một. Ông này bị tóm cổ một cách dã man ngay sau khi chạm đất! Lực lượng Cộng Sản đánh đập ông tàn nhẫn, họ nhục mạ ông, nhục mạ xứ sở Mỹ Quốc của ông. Trường hợp tôi, cũng bị bắn rơi, mà không ai bắt tôi được. Tôi may mắn biết bao!
Đầu óc tôi lẩn quẩn nghĩ miên man tới phi hành đoàn của tôi và hoa tiêu A-37 Nguyễn Hàn. Hoa Tiêu phụ Trịnh Hữu Văn, nhà ở Quảng Tín, mới ở Mỹ về, tôi bay với Văn và đã đề nghị cho Văn đi hành quân với trách nhiệm là hoa tiêu phụ. Văn đã khoe với tôi còn giữ 300 Mỹ Kim và cất ở túi bay dưới chưn nhằm để dành cưới vợ. Còn Xôm và Tuấn rồi Hàn bây giờ ra sao rồi? Cả bốn người có bị Việt Cộng gian ác bắt đi không? Tuấn và Hàn là người gốc Huế, mà Huế và Quảng Trị đâu xa gì! Chắc là cả bốn người biết luồn lách mà tránh được Việt Cộng để về đến Huế. Tôi bị mặc cảm vằng vặc mãi. Bởi vì tôi, vì tôi quyết tâm bay vào lửa đạn để cứu hoa tiêu lâm nạn! Nếu lúc Thiếu Tá Thanh nhắc chừng mà tôi đã nhận thấy ra quá nguy hiểm mà bay trở lại thì đã an toàn cho tất cả phi hành đoàn. Nhưng rồi Thiếu Úy Nguyễn Hàn thì sao?
Dù sao, tôi vẫn cứ tự an ủi nếu ai cũng thiếu gan dạ, không chấp nhận hiểm nguy thì tình chiến hữu đồng đội có ra chi. Bị thương, ừ thì bị thương; chết ừ thì chết; bổn phận không thể không hoàn tất. Mạng sống con người quý giá lắm. Nhưng cái quý giá đó không so sánh được nếu vì lý tưởng, bổn phận phải hy sinh. Tôi đã từng bảo hoa tiêu Lê Công Quởn, đã hy sinh tại căn cứ Hoàng Đế phía Tây của Huế, rằng ”là người làm tròn nhiệm vụ, hy sinh cho người khác, khi chết sẽ được vinh hạnh thành Thánh, nếu không cũng được thành Thần”.
Tôi đã cầu nguyện luôn luôn cho bốn người này. Tôi cũng cầu nguyện Đức Chí Tôn “xin che chở cho tôi nếu Ngài nghĩ rằng tôi còn hữu ích cho đời, cho cộng đồng nhân loại. Nhược bằng trái lại, xin cho tôi nhận một quả pháo trọn vẹn từ quân Việt Cộng vô thần, gian ác! Tôi xin đoàn tụ cùng những bậc tiền nhân, ông cha anh hùng của tôi.”
Tôi mãi nghĩ đến cái vinh dự cao cả của bao nhiêu người lính gan dạ đã đem thân bảo vệ sự độc lập, hòa bình của tổ quốc mình thì đâu sá gì có bị thương hay bị hy sinh bởi súng đạn quân Việt Cộng xâm lăng.
Tôi biết rõ tôi đau đớn lắm vì tôi bị thương bởi đạn pháo của các đế quốc Trung Cộng hay của Liên Bang Xô Viết, vì tôi không phải bị thương bởi súng đạn do chính Việt Cộng Hà Nội chế tạo! Có đến thế nào đi nữa, tôi cũng rất hãnh diện được đổ máu, trên quê hương, hy sinh cho Tổ Quốc tôi, một quê hương đầy đủ nồng nàn ấm lạnh, dù phải cảnh nghèo nàn, cơ cực, cũng đã nuôi tôi lớn lên, cho học hành cẩn thận để biết phân biệt thiện ác, chánh tà. Sau khi tôi chết đi hồn tôi theo về với Tổ Tiên anh hùng của tôi, còn thân xác tôi sẽ trở lại bón phân cho cây cỏ, làm đất thêm mầu mỡ tốt lành!
Mãi mê suy nghĩ đến bổn phận, mơ màng trong trách nhiệm của các đấng nam nhi, kể cả nữ nhi, thế rồi tôi rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay!
Tiếng động của bước chân người rầm rập trên mặt đất mỗi lúc một gần hơn, gần hơn. Thế rồi một nhóm Việt Cộng hung ác đứng sững trước chỗ chui trốn ngụy trang của tôi. Tôi đã vùi thân mình dưới tầng bùn đen. Tôi chẳng còn gì trên tay, chiếc nón bay, áo chống đạn đã để lại trên trực thăng đã cháy rụi rồi. Bỗng, một tên Việt Cộng con, trang bị đầy đủ súng đạn, đứng trước tôi, hắn thét lên:
- Ê, thằng trong bùn đó, đứng dậy dơ tay lên!
Tôi vẫn giữ yên lặng, không cử động gì. Tôi cảm thấy toàn thân lên cơn lạnh như nằm trên tảng băng. Trán tôi đã hiện rõ những giọt mồ hôi như trong buổi trưa hè!
- Đứng dậy hay chờ tao bắn? Tên lính Việt Cộng nhóc con lập lại.
Tôi vẫn không trả lời hắn. Hắn ra lịnh bốn tên Việt Cộng con khác xấn tới bên tôi, và kéo tôi ra khỏi vũng bùn. Nhưng mà cái háng bên phải bị thương thì làm gì tôi đứng cho được! Tôi té ngả xuống. Chúng xông tới bên tôi, xách hai tay và kéo tôi lên. Tôi lại té xuống lần nữa trên vũng bùn! Tôi lại té xuống lần nữa nằm sóng xoài trong vũng bùn đen! Một tên Việt Cộng trẻ nhứt đã rời chỗ đứng đi đâu đó. Khoảng nửa giờ sau, cậu ấy trở lại với đôi nạng gỗ cũ mèm, bám nhiều vết máu đen trao cho tôi.
Rồi hai tên đến xốc nách lôi tôi dậy. Đám hung thần này dùng mũi súng AK 47 chĩa vào xương sườn của tôi để hướng dẫn đường đi!
Đi suốt đêm như vậy, đến khi mặt trời mọc, có đến hai, ba sào, chúng ra lịnh tôi ngồi xuống bên thềm nhà lồng chợ Đông Hà, đợi lịnh. Tôi nhớ rõ nơi này, cũng nơi đây tháng rồi, Thiếu Tá Nguyễn Du bị cột quỵ xuống đất, người Thiếu Tá nhiều khả năng tài giỏi, và trẻ nhứt của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã bị đám Cộng Sản ác ôn và đồng bào nơi đây xẻo thịt, lóc da cho đến chết! Nghĩ đến thì man rợ đấy nhưng có người dân nào có đủ can đảm không nghe theo lịnh của Việt Cộng. Nếu người dân nào không tuân lịnh cầm dao xẻo thịt Thiếu Tá Nguyễn Du thì sẽ bị đám Việt Cộng lôi ra bắn chết ngay. Bởi thế, cứ mỗi người bước qua chỗ Thiếu Tá Nguyễn Du thì họ cắt tai, cắt mũi, xẻ thịt, lớn tiếng xỉ vả và cười cao ngạo man rợ lắm! Chúng nó móc mắt, chặt tay, cắt chưn moi ngực, mổ bụng. Thiếu Tá Nguyễn Du đau đớn ngất trời, anh đã chết đi trong những giây phút đầu tiên đó! Hồn anh bay bổng tận mây xanh nhìn lại trần gian đầy quỷ đói dữ dằn! Thế mà cái màn chia thịt người sống vẫn cứ tiếp tục hoang loạn, điên cuồng. Hình ảnh này khắc sâu vào khung trời Quảng Trị, vào óc, vào tim người dân có nhiều oan trái Quảng Trị. Xem ra chẳng khác nào một đám ác quỷ miệng đầy máu me tanh tưởi, nhe răng điên cuồng hò hét, chẳng khác nào một đàn sư tử đói khát xâu xé xác một con nai tơ nạn nhân!
Tôi cứ tiếc mãi, nếu đã có thêm trực thăng võ trang đến cứu cấp kịp thời khi tôi vào cứu Thiếu Tá Nguyễn Du, ngay lúc anh ta vừa bung dù xuống đất thì đâu đến nỗi anh bị lũ Việt Cộng bắt giết dã man như thế! Chúng nó cột anh xuống cái cọc đóng sâu vào đất để dụ phi hành đoàn trực thăng cứu cấp vào bẫy!
Tôi đã đáp gần chỗ Thiếu Tá Nguyễn Du, khi mà súng đạn, lực lượng Việt Cộng cài dày đặc như lưới. Chúng lại có thêm pháo từ xa bắn tới nữa chứ!
Hai trực thăng võ trang của chúng ta, hỏa lực mạnh như thế mà vẫn không thể khống chế hỏa lực địch! Trên bãi đáp tôi ra lịnh cho xạ thủ và cơ phi bắn không ngừng nghỉ. Kiếng trước của chiếc trực thăng của tôi trúng đạn, gió lùa qua chân tôi thấy mát mẻ lạ.
Hơn hai phút, bất thần xạ thủ đại liên cho biết không còn đạn nữa, tôi nhanh chóng nhắc bổng lên cần cao độ, và đẩy cần lái về phía trước cất cánh hướng về phía Nam, bỏ lại Thiếu Tá Nguyễn Du anh hùng trơ trọi, bơ vơ! Lòng tôi rối bời khổ sở!
Trong giây phút căng thẳng đó, tôi nhấc phi cơ lên, cố gắng bay về căn cứ. Nhưng rồi, không may chút nào, đèn báo hiệu có mạt sắt trong hệ thống trục chuyền cũng lại nổi lên! Tôi đã phải đáp xuống căn cứ Sư Đoàn Dù tại cây số 17, phía Bắc Huế. Những khoảnh khắc may mắn thường qua mau! Bộ Tư Lệnh Không Quân cho lịnh dùng hơi ngạt giải cứu Thiếu Tá Du. Nhưng trực thăng cứu cấp đến nơi thì Việt Cộng biết trước, chúng đã trói Thiếu Tá Du dẫn đi mất rồi! Ai đã báo cho Việt Cộng? Trận chiến oan khiên!
Trở lại chuyện hiện giờ của tôi, trong cái sân rộng phía Nam của chợ Đông Hà, tôi thấy người đâu mà đông đảo quá! Mọi chuyện đều tiến hành nhanh chóng. Hai tên Việt Cộng trẻ măng xồng xộc đến bên tôi và đưa mũi súng, ra lịnh tôi chống nạng đứng lên, đi vào giữa đám đông ngoài kia. Tôi biết ngay đó là một Tòa Án Nhân Dân của Việt Cộng!
Đám đông yên lặng đó xem chừng quá nhút nhát, e dè khi một người đàn ông nét da sạm nắng, trong bộ bà ba đen đọc bản kết luận của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Quảng Trị rằng tôi sẽ bị xẻo thịt cho đến chết! Và rằng bản án sẽ thi hành ngay!
Mặt trời bây giờ xế, qua đỉnh đầu. Cái nóng bức gay gắt làm sao! Mồ hôi tôi đổ ra như tắm trên đầu và trên mặt. Tôi đã giận cành hông, nên đã vận động hết sức mình là hét lên rằng :
- Không! Không! Tôi vô tội! Tôi chỉ bảo vệ nước tôi! Tôi vô tội!
Dù tôi đã hét lên như sắp chết rằng tôi vô tội, song, đám đông đã tiến sát về phía tôi. Mỗi người đều có con dao ngắn hay dài trên tay. Tôi nhắm đôi mắt lại và tiếp tục hét to lên rằng “tôi vô tội, tôi chỉ lo gìn giữ nước tôi mà thôi”. Miệng tôi hét to lên thì tay chân tôi cũng quơ quào chống đỡ. Việc đó làm tôi đau đớn vô cùng, và làm tôi tỉnh giấc!
Thế là tôi ra khỏi cơn mơ kinh khiếp! Trống ngực còn đập thình thịch. Cơn mơ làm tôi sợ hãi vô cùng, và nhờ đó, trên đường mưu sinh thoát hiểm về lại căn cứ tôi đã hết sức đề phòng từng ly, từng tí mọi bất trắc!
Mò ra khỏi vũng bùn, chiếc áo bay của tôi quá nhiều túi, bây giờ chứa đầy bùn trở thành một gánh nặng nên tôi đã cởi bỏ. Bấy giờ tôi chỉ còn mặc một chiếc quần lót mà thôi!
Mặt trời treo trên cao, nóng cháy da người, và gió nhẹ. Một vài vừng mây trắng bạch lười biếng trôi lững lờ làm tôi thở dài nhớ lại mấy câu thơ tôi đã ghi ra hôm nào:
Gió thổi trời cao, mây vẽ chó,
Lửa tràn mái thấp, khói lùa ong.
Cuộc đời nay có, mai không,
Những người phản trắc, để long làm chi!
Để ngụy trang, tôi đã dùng bùn, đất sét trét đầy lên khắp người, và hết sức cẩn thận trườn đi bằng ngực, hoặc bằng lưng của tôi, bởi vì làm sao tôi có thể đi được khi mà khớp nối của đầu xương đùi bị thương quá nặng.
Tôi trườn được một đỗi vừa để ý tựa tai mình xuống mặt đất để nghe có tiếng chân ai đó hay không. Tai tôi cũng mở rộng, hết sức chăm chú. Lúc này trời cũng sắp tối đến rồi. Theo hướng gió từ xa đưa lại, tôi nghe tiếng nói eo éo trong gió của đám Việt Cộng. Tôi vội vàng lẩn trốn ngay.
Những cơn gió chiều thổi càng lúc càng mạnh hơn khi những đám mây đen kéo đến che kín bầu trời. Tôi đoán mưa to rồi sẽ đến như đêm qua. Nhiệt độ bây giờ thấp xuống và dễ chịu hơn. Chỉ có một việc tôi cảm thấy cồn cào đó là đói và khát nước! Đạn pháo hôm nay ít hơn hôm qua.
Tôi cầu nguyện, và cầu nguyện liên tục. Tôi tin ở Tổ Tiên tôi, Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Tả Quân Lê văn Duyệt. Tôi cầu nguyện Thượng Đế, trong tôn giáo Cao Đài có cho người trần thế biết tên là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Rồi thì mưa đổ xuống như thác, tôi nhờ vào đó mà di chuyển an toàn hơn. Tôi dùng hai bàn tay nắm cỏ cao kéo tới, chân trái phụ vào bằng cách đạp vào mặt đất cho toàn thân di chuyển về phía trước được hai hay ba chục phân tây. Thật kể sao cho hết, tôi may mắn làm sao! Mưa càng to thì tôi càng di chuyển được dễ dàng và an toàn hơn, bởi lũ Việt Cộng ác ôn trong cơn mưa, chúng lười biếng đi kiểm soát.
Mưa rơi thì cứ rơi, đạn pháo và việc lùng kiếm giết nhau cũng đâu có bớt đi. Tiếng pháo có thưa hơn, nhưng không hề dứt. Thỉnh thoảng những tràng M16 lại nổ dòn, xen kẽ với tiếng nổ rát tai của AK47, và súng cối.
Mưa vẫn còn tiếp tục rơi, và tiếp tục rơi. Sấm chớp vẫn còn sấm chớp. Ngày còn nhỏ bác tôi bảo đó là Thiên Lôi giết quỷ sứ! Tôi tin lắm vì quỷ sứ có nanh vuốt, ác độc, không tốt! Tôi cũng đã buồn ngủ quá rồi, vì tôi đã kiệt sức! Dù vậy tôi cũng đã cố hết sức chuyển đến một hố nước cũng như đêm qua. Tôi trầm mình dưới vũng nước để thấy ấm hơn trên mặt đất có gió thổi. Hai bàn tay khuấy nước cho sạch bớt bùn đất, rồi hai tay chụm lại hứng từng giọt nước mưa để thấm giọng cho đỡ cơn khát! Tôi tiếp tục làm như vậy cho đến khi tôi thấy bớt khát nước.
Tôi tự bảo rằng dừng lại việc di chuyển về hướng Nam là tự sát. Bởi vậy, tôi phải cố gắng di chuyển và di chuyển cũng như tôi cố mà lắng tai nghe với tất cả sự chú ý của tôi coi có sự động tĩnh gì hay giọng nói nào của lũ Việt Cộng hay không. May mắn quá tôi không thấy ra cái gì cả! Nhưng có điều những dây điện thoại liên lạc thì giăng đầy như lưới nhện trong vùng tử địa chiến tranh tàn khốc này.
Tôi biết mỗi phân, mỗi tấc tôi trườn tới có nghĩa là tôi tiếp cận đến chỗ an toàn sớm hơn. Mặt trời chừng như lố dạng ở chân trời phương Đông, Tôi đã qua thêm một đêm nữa. Mọi vật chung quanh tôi có vẻ yên tĩnh, chỉ trừ có đạn pháo thì không ngừng mà thôi. Pháo suốt đêm! Tôi lại tìm chỗ ẩn thân. Tôi biết không gì cản nổi tôi đi vào giấc ngủ rồi, vì tôi quá đỗi mệt, mệt vì kiệt sức!
Ngày thứ ba trên bãi chiến khi tôi thức giấc cũng là thêm một ngày nóng rát nữa. Tiếng phi cơ phản lực tôi nghe được vọng lại từ xa xôi lắm. Tôi hy vọng chúng đến gần tôi hơn, để tôi có thể đánh hiệu lên cho chúng biết rằng tôi vẫn còn sống!
Tôi nhớ Thiếu Úy Hồng, cùng Phi Đoàn 233 của tôi, đã dùng chính hộp nước ngọt để gửi dấu hiệu cho trực thăng tìm kiếm của Đại Úy Nguyễn văn Banh. Đại Úy Banh nhận được tín hiệu tức khắc Đại Úy Banh tắt máy cho được an toàn và đáp xuống một khoảng trống cạnh một con rạch nhỏ của dãy núi cao. Đại Úy Banh đã cứu được Thiếu Úy Hồng một cách ngoạn mục! Tôi cũng đã thết đải Thiếu Úy Hồng một chầu mừng thoát chết. Tôi cũng đã học hỏi cách nào Thiếu Úy Hồng mưu sinh thoát hiểm để có ngày nào đó đến lượt tôi, thì tôi đã có chút đỉnh kinh nghiệm.
Tôi đã quan sát cẩn thận chung quanh cho an toàn nếu tôi tiếp tục mò về hướng Nam. Lúc đó một chiếc Quan Sát OV-10 trên bầu trời bỗng bay thẳng vút lên trời xanh tránh hỏa tiển SA7 của Cộng Sản Sô Viết để lại một vệt khói trắng màu tang. Tôi hú hồn cho chàng hoa tiêu trên chiếc OV-10 đó!
Trong chốc lát, tôi bỗng miên man nhớ lại hình ảnh của Đại Tá Khánh, Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 1 Không Quân, Trung Tá Phước, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 51 Chiến Thuật, còn gọi là Phước răng vàng. Tôi nhớ Thiếu Tá Bùi Quang Chính, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 233. Ông này làm anh cả thì tốt hơn là Phi Đoàn Trưởng. Ông đã chăm sóc mọi thứ cho thuộc hạ dưới quyền, từ Sĩ Quan cho đến Binh Sĩ! Gia đình ra sao, anh chị em thế nào. Ông biết rõ từng người trong gia đình của Phi Đoàn. Tôi nợ ông nhiều lắm. Tôi phải trả cho ông và vợ ông, chị Ngọc Diệp. Bà giáo Diệp đối xử với tôi như là chị ruột.
Cơn đói kéo tôi vào giấc ngủ nữa rồi. Trong lúc ngủ tôi gặp Thiếu Úy Trần Thanh, hoa tiêu trực thăng võ trang. Anh này cất cánh tại Đà Nẳng lúc 7:00 giờ sáng, lãnh một quả SA7, lúc 9:00 giờ sáng cùng ngày. Tôi cũng gặp Thiếu Úy Lê Công Quởn. Đặc biệt Thiếu Úy Quởn gia nhập vào Binh Chủng Không Quân, bay sang Hoa Kỳ thụ huấn trở thành hoa tiêu trực thăng, về Việt Nam và được lịnh phục vụ tại Phi Đoàn 233, Sư Đoàn 1 Không Quân , và là một Sĩ Quan trẻ chung phòng với tôi, cứ hai người một phòng. Tôi coi Quởn như em, cháu. Quởn trọng tôi như chú vậy, bởi vì Quởn tình nguyện đầu quân lúc mới 18 tuổi!
Tôi nhớ rõ sáng hôm đó, tôi được lịnh dẫn 5 trực thăng chuyển quân Thủy Quân Lục Chiến tại Đại Nội Huế. Khi đó, Thiếu Úy Quởn đang thi hành phi vụ tải thương tại căn cứ núi Hoàng Đế King. Thiếu Úy Đỗ Trọng là Trưởng phi tuần. Toán trực thăng của tôi tại Đại Nội vừa cho Thủy Quân Lục Chiến lên tàu, thì tôi nghe được trực thăng của Thiếu Úy Quởn đã rơi tại căn cứ Hoàng Đế King. Tôi cho ngưng lại tất cả việc đổ quân Thủy Quân Lục Chiến, tất cả trực thăng bay thẳng đến căn cứ Hoàng Đế King để cấp cứu phi hành đoàn của Thiếu Úy Quởn. Trung Tướng Trần văn Minh, Tư Lịnh Không Quân cho phép như vậy khi phải cấp cứu một “đại bàng gãy cánh”.
Chúng tôi bay những vòng chờ phía Đông căn cứ Hoàng Đế King, phía Tây dãy núi này hỏa lực và phòng không của Việt Cộng rất mạnh. Không biết Quởn có phải bị súng phòng không Việt Cộng bên kia sườn núi Hoàng Đế King hay không? Tôi bay một vòng quan sát rất thấp trên ngọn cây, song tôi không nhận ra nơi nào trực thăng của Quởn lâm nạn. Quan sát kỹ hơn nữa, bất ngờ đèn báo động có mạt sắt trong hệ thống chuyền lực nổi lên. Tôi mang tên Eagle 5 rời vùng và chiếc Eagle 6 theo sau tôi bay phòng hờ khi nào phi cơ tôi lâm nạn. Tôi hạ cao độ trực thăng xuống thật thấp. Bầu trời rực rỡ sáng, và cơn nóng đã đến vội vàng. Giọng nói êm nhẹ quen thuộc của Thiếu Tá Thanh nghe được:
- Eagle 5, bay sát xuống đất, Eagle 6 bay gần vào, nghe rõ?
Và tôi đáp nhanh:
- Eagle 5 nhận rõ 5 trên 5, Thẩm quyền.
Tôi dự định về Huế để lấy một trực thăng khác để bay tới vùng cứu cấp Thiếu Úy Quởn. Trên đường tới Huế Phú Bài, tôi nghe được tin Trung Úy Lưu, Sĩ Quan trực Cứu Cấp đã trên đường tới căn cứ Hoàng Đế. Trực thăng của Trung Úy Lưu có đầy đủ trang bị cứu cấp trong rừng, có cả hệ thống rước người lâm nạn bất tỉnh kéo lên trực thăng bằng máy.
Tôi chưa tìm được chiếc trực thăng khả dụng nào thì hay tin Trung Úy Lưu đã kéo Thiếu Úy Quởn lên trực thăng và hạ cánh xuống bãi đất gần đó, chuyển cho trực thăng khác đưa Thiếu Úy Quởn về bịnh viện Nguyễn Tri Phương, Huế, vì Trung Úy Lưu còn phải trở lại hiện trường rước thêm 3 người nữa của phi hành đoàn.
Tôi được một trực thăng khả dụng, nên bay thẳng đến bịnh viện Nguyễn Tri Phương. Tôi gặp ngay Bác Sĩ Bùi văn Đức, con nuôi của ba tôi. Bác Sĩ Đức có mặt ngay tại chỗ vì nghe là hoa tiêu bị thương. Anh chạy tới tức thì vì nghĩ có thể là tôi! Anh nói cho tôi biết vết thương của Thiếu Úy Quởn vô cùng trầm trọng, xương sọ phía sau ót bị nứt, tay chưn bị co rút giựt mạnh mẽ luôn! Thấy vẻ mặt tôi lo lắng anh kéo tôi ra ngoài sân và nói nhỏ bên tai tôi để anh theo dõi suốt đêm nay xem Thiếu Úy Quởn có thể phục hồi hay không. Tôi bất chợt nhớ lại rằng tôi đã nói với Quởn rằng: “Khi chúng ta hoàn tất mọi nhiệm vụ được giao phó nhằm phục vụ con người một cách tốt lành, khi phải tử vong chúng ta được lên cõi trên hay được làm thần thánh ở Thượng giới”. Chia tay vơi anh Đức, tôi bay về căn cứ Huế Phú Bài, trằn trọc suốt đêm. Không biết có phải vì câu nói của tôi mà Quởn thêm gan dạ dẫn đến việc hy sinh như vậy?
Sáng hôm sau, Tôi tới Bịnh Viện thì được biết Thiếu Úy Quởn qua đời! Mãi đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng Thiếu Úy Quởn vẫn luôn đi theo tôi đến bất cứ nơi đâu để che chở cho tôi khỏi sự nguy khốn.
Cơn mưa chiều nhiều sấm sét hợp cùng tiếng nổ đạn pháo kích của hai bên Quốc Gia và Cộng Sản làm cho bầu không khí trở nên ồn ào ghê rợn khiến tôi không thể nào nghe rõ sự vật quanh tôi! Tôi sắp bước qua đêm thứ ba không quần, không áo! Chính bùn và đất sét và bèo cỏ đã thay cho quần áo và là phương tiện che chở ngụy trang rất hữu hiệu cho tôi. Tôi thầm nhủ rằng lợi dụng đêm tối, mưa giông để mò đi sẽ làm ngắn lại con đường an toàn về căn cứ.
Mưa to quá, mưa xối xả như trút nước, sấm chớp vang trời như thiên lôi rượt đuổi, diệt trừ quỷ ma đang hành hạ con người! Tôi nhờ mưa đêm che chở tránh được sự dò tìm của bộ đội độc ác Việt Cộng.
Tôi vừa trườn qua một chiếc đầu lâu và bộ xương người trắng hếu. Bàn tay tôi nhẹ nhàn vuốt cái xương sọ cùng lúc van vái rằng:”Tôi biết tại sao người bị giết, Hãy giúp cho tôi, che chở tôi đến nơi bình an tôi sẽ cúng cho.”
Một lúc sau tôi thấy một con mèo đen đi quanh quẩn bên tôi và rồi đi về hướng Nam. Tôi cố trườn theo con mèo, nhanh và nhanh hơn nữa, vì vết thương đã có mùi thối như xác chết! Đây là bãi chiến trường, vùng oanh kích tự do. Do vậy, không vật chi còn nguyên vẹn. Chẳng có vật gì lớn hơn 3 ngón tay được lành lặn. Chẳng có hàng tre hay bờ tường nào cao hơn 3 tấc! Tất cả là điêu tàn, là sắt máu hận thù!
Có lẽ tôi đã trườn đi một khoảng xa lắm. Tôi cám ơn Trời. Tôi cảm ơn Quốc Tổ Hùng Vương. Tôi cảm ơn Đức Tả Quân Lê văn Duyệt, đấng đã che chở cho ba tôi trên đường hành Đạo, nay xin Ngài che chở cho tôi. Mưa thì chưa ngớt hột mà tôi thì đã kiệt sức rồi. Tay không còn nắm chặt được cỏ, chưn trái không còn đạp để tiến về phía trước được rồi. Tôi may mắn nằm bên bờ lạch nước đầy cỏ phủ nổi bên trên. Phương Đông có ửng chút ánh hồng. Tôi trầm mình vào lạch nước, phủ đầy cò lên người, cơn mưa đã dịu lại. Chỉ còn sấm sét nổ loang loáng một đôi nơi. Tôi rơi nhanh vào giấc ngủ li bì.
Xe chạy qua đường Lê Văn Duyệt, quẹo qua Tô Hiến Thành, về nhà, về đến nhà, tôi vui mừng tra chìa khóa vào ổ khóa mở cửa sắt nhẹ nhàng bước vào bên trong. Nhìn lên đồng hồ kim chỉ hơn 12 giờ đêm và ba tôi vẫn liên tục cầu kinh ở tầng trên. Ông luôn luôn cầu kinh cho tôi được an toàn! Tôi rón rén giữ sự yên lặng hoàn toàn. Vào khoảng cuối lễ cúng thời Tý, tôi thấy một con mèo trắng nhảy qua ngọn đèn dầu trên trang thờ, làm rơi ngả cây đèn dầu vào chồng kinh sách và phát hỏa lớn lên sau đó. Tôi vội vàng nhảy vào vùng lửa khói lửa để cứu ba tôi. Khi tôi dìu ông ra, tôi đã phải chạy ngang qua vùng lửa cháy, tôi bị phỏng nặng. Tôi đã làm cho tôi bị nhức nhối vô cùng. Nhờ vào sự cử động mạnh mẽ làm đau nhức đó, tôi đã thức dậy và nhìn ra được rằng tôi đang nằm dưới vũng bùn đen giữa bãi chiến chết người!
Ngày thứ tư trên bãi chiến bắt đầu bằng đạn pháo ầm ĩ, súng nổ bốn bề, nhằm giết đi hết mọi sinh vật của Thượng Đế trên đời! Nghĩ cho cùng, nếu Hà Nội không ngu xuẩn nghe lời xúi dại của Liên Xô và Trung Cộng, xua quân xâm lấn miền Nam, thì làm gí có cảnh gió tanh mưa máu hôm nay. Cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt. Ngàn đời nguyền rủa sự ngu xuẩn tham lam của lũ Cộng Sản bạo tàn!
Có lẽ là hai hay ba giờ chiều. Đây là ngày thứ tư tôi nằm trên vùng tử địa. Cơn nắng chiều nghiêng hẳn về Tây và nhiệt độ ngoài trời có lẽ đến cực điểm của ngày. Trời xanh thẳm, một vài tảng mây trắng trôi bập bềnh như vẻ tranh. Tuổi trẻ của tôi ngắm mây trôi là một thú vị. Nhìn mây vẻ hình thú vật thay đổi trong khoảnh khắc mà cứ tưởng mình đang lơ lửng giữa trần mây! Cũng không được bao lâu sau đó, những đám mây sậm màu từ mạn Nam kéo đến, rồi mây đen theo sau, bầu trời phía Đông Nam giờ đây trở nên đen kịt. Gió mát thổi càng lúc càng mạnh. Cơn mưa pháo vẫn rót đều vào phía Tây của bãi chiến bên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.
Gió mạnh cũng tràn về làm ngả rạp đám cỏ hoang cao quá đầu gối. Trông cảnh ấy chẳng có khác gì cảnh ruộng mạ mênh mông của miền Nam Việt Nam. Tôi vẫn luôn cảnh giác nghe ngóng về giọng nói của người và sự động tĩnh bất thường trên đường thoát hiểm hướng về Nam. Tôi đã từng biết rõ ràng là bộ đội Việt Cộng không khiêng thương binh đồng đội của chúng, vì khi tháo lui mà phải khiêng vác nữa thì gánh nặng khó khăn đến bực nào, nên chúng nó đã giết hết thương binh của chúng! Thì theo đó, nếu chúng phát giác được tôi trong tình trạng bị thương nặng như vầy, tôi không thể bước đi, thì ngại ngùng gì chúng không cho tôi một viên vào đầu tức khắc. Vì vậy, tôi phải cực kỳ cảnh giác, cho mỗi gang tấc tiến về phía Nam cho được an toàn.
Tôi đã không có một chút thực phẩm nào ba ngày qua, tôi thấy đói và đói. Tôi thấy mình dần dần yếu đi, đến nỗi tôi muốn dừng lại một chỗ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, dừng lại chẳng khác nào tự tử. Đâu ai biết tôi nơi nào mà cứu cấp! Do vậy mà tôi phải cố gắng trườn đi từng tấc, từng tấc đất để về Nam. Nhờ vận chuyển tôi thấy có thêm sức mạnh và ấm người hơn.
Bèo cám trên mặt nước dân miền Nam dùng để cho heo ăn, nhưng rồi không có cái gì bỏ vào miệng cho bao tử làm việc sinh ra nhiệt, nên tôi buộc lòng nhặt một ít bỏ vào miệng nhai, nhai và nuốt trọng vào, Tôi cảm thấy có cát đất đi vào bao tử với nhúm bèo cám. Tôi nghĩ bao tử tôi reo vui khi làm trọn vai trò sinh nhiệt cho thân tôi.
Trời lại sắp mưa. Gió giật, gió quyện vào nhau cuốn từng cọng rác to nhỏ xoáy tròn bay cao lên khoảng trời đen sẫm. Tôi lại trườn qua gần một mái tranh sụp xuống gần ngang mặt đất. Tôi nghe chừng như ai đó nói chuyện bên trong. Tôi chắc chắn họ là ai. Lũ ác ôn Việt Cộng đây rồi! Tôi lặng yên trườn đi nhanh xa chỗ đó. Tôi lại may mắn vô cùng bởi trời đã đổ cơn mưa lúc đó! Thật quá căng thẳng, quá khiếp sợ đến nỗi tôi đã nghe được cả nhịp tim tôi đập liên hồi trong lồng ngực thiếu sinh khí của tôi.
Trời mưa lớn quá, lớn quá. Sấm sét liên tục dội vào màn nhĩ tôi làm tôi khó chịu thế nào ấy. Chúng thách thức đua đòi hơn thua với âm vang của đạn pháo của con người giữa Việt Cộng đối đầu cùng Sư Đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa tại bản doanh hai sư đoàn này. Tôi lại được dịp qua bờ rạch nhỏ, lừa mình đi nhẹ nhàng đến nỗi không một gợn sóng lan ra trên mặt nước. Tôi tạm nghỉ ngơi, hít thở những hơi dài, coi như rất sảng khoái. Tôi đã cách xa chòi lá giết người lúc nãy rồi. Tôi ghi nhận đó là bản doanh chỉ huy của Việt Cộng ác ôn.
Nhìn lại, đây có thể là đêm nguy hiểm nhứt tôi chưa từng gặp. Tôi nghe giọng nói con người từ hướng Nam theo gió tới tai tôi. Tôi chưa nhận ra là bạn hay thù! Tôi tự khuyến khích chính mình còn hai ngày nữa tôi mò đến mục tiêu đàng kia rồi. Chỉ cần hai ngày nữa! Hai ngày nữa mà thôi!
Hai bàn tay tôi chừng như rã rời. Nhìn lại ngực và lưng tôi nghe ran rát, những đường máu khô đặc lại, gặp nước cho tôi cảm giác xót buốt vô cùng! Thực ra tôi không còn sức di chuyển nữa rồi. Lúc bấy giờ tôi đang bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi cẩn thận mò xuống dòng sông ngước nhìn tìm ra chỗ trú an toàn. Tôi biết tôi có thể ngủ ngay tức khắc! Do vậy tôi phải tìm cách nào kín đáo nhứt để ẩn thân đi vào giấc ngủ vùi hẹn hò nhiều mộng mị!
Buổi Hội Thảo hàng tuần chiều Thứ Năm lại đến. Tôi bước vào phòng hội khi nhiều người đã có mặt. Họ gồm cả hàng binh sĩ và sĩ quan của Sư Đoàn 1 Không Quân. Sau phần chào cờ, hát quốc ca và một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổ Tiên, anh hùng giữ nước, Thiếu Tá Giả, thay mặt Trung Tá Hậu, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn, nêu đề tài tại sao chúng ta gia nhập lực lượng quân đội quốc gia.
Sau bài nói chuyện gợi ý của một Thiếu Úy trẻ, Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn, Thiếu Tá Giã mời mọi người lên phát biểu ý kiến. Một vài người tiến về phía trước phát biểu lập luận rằng mọi người phải gia nhập quân đội khi quốc biến. Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách. Đám người ngồi sau tôi dịch nghĩa “khi đất nước gặp cơn nguy biến, thì có 7 người có trách nhiệm ra gánh vác” rồi xúm nhau cười. Cũng có kẻ trả lời nghe tiêu cực là nếu không gia nhập thì bị Cảnh Sát bắt tội trốn quân dịch!
Tôi không bằng lòng cách suy nghĩ yếu hèn đó nên đưa tay cao lên phát biểu. Tôi đã cao giọng rằng:
- “Chúng ta gia nhập quân đội quốc gia vì chúng ta muốn tự do! Hà Nội đã tạo ra và cầm đầu cuộc chiến miền Bắc xâm lăng miền Nam, chính vì Khối Cộng Sản Quôc Tế ra lịnh HCM làm như vậy. Liên Bang Sô Viết và Trung Cộng muốn cho Khối Cộng mở rộng ra về phía Đông Nam Á Châu, và Khối Cộng Sản Quốc Tế sẽ trợ giúp hoàn toàn từ tuyên truyền cho đến vủ khí đạn dược, kể cả tiền bạc phục vụ cho chiến tranh.
Trong cái thế làm tay chưn, một thứ tay sai thời đại mới, nên HCM làm sao dám cãi lại. Nếu không vâng lịnh thì chắc gì được sống! Mặt khác có thêm nguồn lợi tiền tài danh vọng thì sao không nhận?
Việc xâm lăng xuống miền Nam có nghĩa là xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa. Và cũng có nghĩa là Việt Cộng phía Bắc Vĩ Tuyến 17 xua quân chiếm thêm, lấy vùng đất và giết hại dân chúng phía Nam của Vĩ Tuyến 17. Việt Cộng phía Bắc làm sao có sự khôn ngoan đủ để cho người dân xây dựng đất nước? Ai cũng nêu câu hỏi tại sao Việt Cộng không để cho người dân phát triển tự do? Sao không để cho người dân hai miền có điều kiện so sánh nếp sống hai nơi? Sao không để cho người dân tự do lựa chọn nơi nào họ muốn? Nếu Việt Cộng có được một chút khôn ngoan của dân tộc Đức thi dân ta đâu đến nỗi này!
Anh em chúng ta nghĩ gì khi thấy thây người mỗi ngày, cứ mỗi ngày tiếp theo, thấy chồng chổng, thấy những nạn nhân bị Việt Cộng giết dã man thả xuống sông, trôi bềnh bồng bên những nhánh lục bình trên sông nước hay trên các con rạch vô danh hẻo lánh? Còn khổ đau nào hơn nữa hay không? Tim chúng ta rồi sẽ xoắn ốc ra sao khi thấy một bé con chết trên tay mẹ. Cả hai mẹ con trôi dạt dật dờ bên bờ sông hiền hòa của quê nhà? Chúng ta nghĩ gì, đầu óc ta nghĩ gì, khi chúng ta chứng kiến cảnh tiêu thổ kháng chiến do Việt Cộng bắt chước rập khuôn theo kiểu Mao Trạch Đông, làm cho khắp nơi, cả làng xã bị chìm trong biển lửa hận thù. Con chó mực nào gầy còm lẻ loi, ốm đói bên hông căn nhà cháy hôm nào bây giờ vẫn còn bốc khói, cạnh gốc chuối bị thiêu hết lá; con chó oan khiên cố lấy hết sức tàn để gửi lời trách móc, tru tréo đến khoảng trời xanh xa thẩm trên kia? Nhưng rồi có ai hay?
Tất cả hình ảnh đứt ruột đó đã xảy ra, phải xảy ra vì Cộng Sản Hà Nội muốn mọi người phải nghe, phải theo chúng nó để làm vừa lòng các quan thầy Liên Xô và Trung Cộng của chúng nó! Quái ác thay số phận Việt Nam! Còn gì nữa không? Nước mắt có còn không?
Bởi vậy, những người trẻ, con dân miền Nam muốn bảo vệ mạng sống của mình, của gia đình mình và đất nước mình chỉ còn một cách duy nhứt là đứng lên cùng nhau đứng lên gia nhập quân đội để chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản Hà Nội và cả Khối Cộng Sản Quốc Tế.
Chúng ta muốn Tự Do. Chúng ta muốn bảo vệ Tự Do của chúng ta. Không ai, không bất cứ ai, có quyền xâm lấn đất nước ta. Chúng ta gia nhập quân đội chỉ vì chúng ta muốn Hà Nội phải nhận ra rằng con người phải quý trọng quyền làm con người. Hà Nội dứt khoát không được cỏng rắn cắn gà nhà! Không được gây tai họa khổ đau cho dân tộc ta nhiều hơn nữa! Quá khứ đã quá đủ, quá đủ rồi!
Bất cứ hành động gì chúng ta đều phải nghĩ đến con người. Chúng ta phải nghĩ đến sự Công bình giữa người và người. Phải tốt bụng, phải hiền lành, phải tôn trọng kẻ khác vì chúng ta là Người, là con Người. Tất cả bốn phương là anh em ruột thịt!
Trong khi say mê phát biểu quá nhiệt thành, tôi dơ hai tay lên xuống, có lúc dậm chân trên nền gạch mạnh mẽ đến nỗi vết thương ở đùi mặt kích động đau buốt kinh khủng làm tôi tỉnh giấc bật dậy. Tôi thấy mình đang còn nằm vắt trên hai rễ cây gừa, chìm dưới làn nước của bờ sông Thạch Hãn. Hú hồn trở về sự thật. Lúc đó mặt trời lên giữa đỉnh đầu, nắng gay gắt, không thấy có chút gió nào. Toàn khoảng không gian như bị tan tác, xé ra từng mảnh bởi những phi cơ phản lực oanh tạc thay nhau nhả bom liên hồi xuống rặng núi phía Tây là dãy Trường Sơn. Tôi bước vào ngày thứ năm trên bãi chiến chết người. Trên cao từng mảng mây trắng bạch trôi lờ đờ ở phương trời cao mạn Bắc, khi mà chân trời phương Nam quy tụ những cụm mây mưa xám xịt giăng đầy! Tôi đã luôn luôn nghĩ là tôi vô cùng may mắn. Trời đất cho tôi nhiều ân huệ, ngày nắng gắt cung cấp cho tôi nhiều năng lực ấm áp để rồi đêm đến trong cơn mưa lạnh tôi có đủ sức trườn đi, mò về miền an toàn nhanh hơn
Nhiều đạn dược và ngòi nổ đạn pháo in đầy chữ Tàu Cộng trên bờ Bắc sông Thạch Hãn đựng trong những hộp plastic nói lên một thực tế là quân Việt Cộng đang kiểm soát, hay đang di chuyển trên phần đất phía Bắc dòng sông định mạng Thạch Hãn! Biết vậy tôi tự bảo tôi nhanh chóng lánh khỏi nơi tử địa hứa hẹn nhiều oan trái này.
Tôi đã lần hồi, nhẹ nhàng hết sức, cố bơi sang bờ Nam của dòng sông mà không để lại bất cứ một lượn sóng nào. Bởi tôi biết rất rõ là nhờ vào đó, nhờ vào làn sóng lan ra đó, Việt Cộng sẽ nhanh chóng phát giác ra sự có mặt của tôi và rồi tôi sẽ lãnh ngay một tràng AK kết liễu đời mình.
Khối nước to lớn và đám bèo trên mặt nước của dòng sông làm rớt đi những mảng đất sét ngụy trang trên cái thân ốm đói của tôi. Vết thương trên đầu đùi phải, cũng được nhẹ bớt đi sự đau dai dẳng mấy ngày qua. Rồi cũng đến lúc tôi mò tới được bờ Nam rồi!
Tôi tìm xem nơi nào có lỗ trống không vướng cây cỏ làm tôi khó lê thân lên bờ. Tôi lại dùng hai tay và lồng ngực đầy vệt máu mà trườn lên bờ Nam. Cỏ bờ Nam cao chẳng thua gì bờ Bắc. Tôi trườn đi giữa những đụng cỏ cao như gò mối ngang ngực người, khi bóng chiều xuống nhanh, mặt trời còn khuất sau dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những ánh sáng cuối ngày còn vất vưởng ở đọt cây cao, nhạt nhòa trên cánh đồng mênh mông đầy mùi tử khí.
Mưa đêm qua lớn quá nên qua một ngày nắng gắt rồi mà vẫn còn nước đọng lại trên đường đi giúp tôi trườn tới dễ dàng như đang nằm và lội trên đám cỏ sũng nước. Tôi thấy tôi có phước vô cùng. Tôi được sự giúp đỡ của Ơn Trên nhiều quá! Cứ lập lại và lập lại mãi cái vòng sinh hoạt hai tay giang ra phía trước nắm cỏ kéo lê thân đi, có sự tiếp sức đẩy tới của chưn trái khi đạp vào đất! Cố gắng và tiếp tục cố gắng nữa. Muốn sống phải vươn lên!
Chắc cũng được vài trăm thước rồi thì phải, tôi bất chợt cảm thấy như đuối sức, hết hơi trườn tới nữa rồi! Bãi cỏ voi cao quá, cao quá không ai có thể nhìn thấy tôi nằm trên láng cỏ ướt đó. Tôi thấy khát nước vô cùng tôi có thể uống bất cứ nước gì để thỏa mãn cái cơn khát của thân xác này.
Bất ngờ, may mắn làm sao, tôi thấy loáng thoáng vài anh lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa khum khum chạy qua gần bên tôi. Tôi đã vận dụng hết sức mạnh còn lại để gọi lớn lên:
- Thủy Quân … Lục Chiến! Tiếng tôi đứt khoảng vì không đủ hơi. Sau khi nói lên chữ Lục Chiến tôi hoàn toàn hết sức mình. Tôi đã hiểu tôi có cuộc gặp gỡ ly kỳ này là trời cho.
- Đứng lên! Đứng lên! Một anh lính Thủy Quân Lục Chiến nhìn chăm chăm vào tôi và hét to lên.
Tôi nghe được cái lịnh đứng lên của hắn ta mà tức giận:
- Đ. Má! Mầy không biết …hoa tiêu … trực thăng … lâm nạn?
Sau câu nói, hết sức lực đó, tôi bất tỉnh. Bầu trời sụp tối. Gió chiều đã thổi, mơn man qua mặt tôi như bàn tay bà mẹ hiền vuốt má đứa con thân yêu. Tôi thấy nhẹ nhàng lâng lâng, trút mọi lo âu cho quá khứ. Vài phút sau, tỉnh lại, tôi thấy một anh Thủy Quân Lục Chiến nằm bên cạnh tôi. Anh nói khẽ vào tai tôi:
- Thiếu Úy, Thiếu Úy lên lưng tôi tôi đưa Thiếu Úy vào vùng an toàn!
Để trả lời anh này tôi nói nhỏ:
- Vào lấy dây TAB cột vào nhau. Ra đây cột hai tay tôi và kéo tôi vào!
Anh lính Thủy Quân vâng lời, bò vào chỗ của Tiểu Đội anh. Mặt trời bây giờ lặn hẳn rồi. Nhưng đứng gần cũng còn nhìn rõ mặt nhau. Gió Đông Nam bây giờ nhẹ nhàng đưa hơi nước mát lòng, mát dạ đến vùng chiến địa cày răng lược hiện giờ. Quả là phước đức vô cùng, đêm nay trời không mưa. Thật mầu nhiệm của Ơn Trên ban thưởng cho tôi.
Tôi yên lặng không nói lời nào nữa. Nhưng đâu ai biết rằng trong thâm tâm của tôi đã vui mừng khôn xiết. Tôi biết rõ ràng rằng tôi được cứu, tôi được sống từ giờ này. Vài phút sau, hai anh lính Thủy Quân lại bò đến bên tôi. Một anh nằm sát đất, anh kia nâng tôi lên lưng anh nọ. Rồi cả ba trườn vào nơi ẩn núp tạm thời của Tiểu Đội, nơi tuyến đầu xen kẻ cài răng lược với đám Việt Cộng.
Nơi đây tôi gặp Thiếu Úy Thanh, một Khóa Sinh Sĩ Quan cùng Tiểu Đội với tôi khi cả hai cùng được huấn luyện tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Cả hai ôm nhau, nước mắt ràn rụa. Nhắc lại thời Khóa Sinh cùng dẫn nhau trình diện bị phạt dã chiến 4 đêm, làm chúng tôi luyến tiếc thời khóa sinh. Thanh trao cho tôi một điếu Rubi quân tiếp vụ. Điếu thuốc thấm nước phân nửa, ngả màu vàng, cong vòng. Nhưng khi mồi lên, hít một hơi thông suốt thì thấy lòng sảng khoái nhẹ nhàng.
Bấy giờ chắc khoảng 9 giờ đêm hay 10 giờ chi đó. Khác với những đêm mưa tầm tã vừa qua, đêm nay mưa chỉ lấm tấm đủ làm ướt áo khách qua đường. Tôi được chuyển sang vùng an toàn hơn. Rời chỗ Thiếu Úy Thanh chia tay lưu luyến. Tôi có chỉ nơi Việt Cộng đặt bản doanh, và số đạn dược chất trên bờ Bắc sông Thạch Hãn, tôi bắt tay cám ơn từng anh em và Thanh. Tôi dặn dò hết sức cẩn thận sau mỗi lùm cỏ chất đống cao ngạo. Tôi được đưa đến bộ Chỉ Huy Đại Đội. Bởi tuyến đầu của Thanh, hai bên cọ sát đối đầu nhau trong gang tấc, và sẵn sàng giết nhau bằng súng Mỹ, súng Tàu! Tôi được đỡ lên lưng một anh lính Thủy Quân Lục Chiến, ba anh khác đi theo phụ giúp. Hai anh hai bên, và anh thứ ba phía sau. Con đường chuyển tôi đi qua nhiều dốc đất sét. Đất sét gặp nước mưa làm con đường đi càng trơn trợt nguy hiểm. Thật dễ dàng té ngã vì đi trong mưa trên con đường đất sét như vậy của quê nhà.
Khi trời ngớt mưa chúng tôi cũng vừa tới Bộ Chỉ Huy của Đại Đội, nơi đây có bao cát chung quanh. Tôi hoàn toàn kiệt sức, bởi vì tôi phải dùng hết sức mình ôm chặt anh lính Thủy Quân Lục Chiến đang khòm lưng cỏng tôi. Dù vậy, với ân tình huynh đệ chi binh xứng đáng ngàn vàng đó tôi đã lấy hết sức tàn để siết tay và nói lời cám ơn 4 anh lính Thủy Quân Lục Chiến vừa gan dạ vừa tình nguyện hy sinh. Tôi nhớ Đại Đội Trưởng công tác chưa trở lại, chỉ có Đại Đội Phó tại đây. Tôi có nhờ anh gọi máy liên lạc về Huế, và Đà Nẳng cho biết tôi đã về đến nơi an toàn. Lúc đó, một anh lính Thủy Quân đến bên tôi hỏi:
- Thiếu Úy đói lắm hả, uống sữa nhé, chúng tôi cũng có mì Quân Tiếp Vụ làm cho Thiếu Úy?
- Không! Cám ơn anh quá đi. Tôi chỉ buồn ngủ thôi.
Tôi đáp nhanh và rơi vào giấc ngủ hồi nào không hay.
Đến sáng, khoảng 7 hay 8 giờ, một chiếc xe thiết gíáp M113 đến trước Bộ Chỉ Huy Đại Đội để chở tôi đi ngay trên chiến địa. Tôi vui mừng khôn xiết, nhắm đôi mắt lại mơ màng. Trước khi chiếc M113 di chuyển, Đại Đội Phó bắt tay tôi siết mạnh và chúc mau lành để trở lại chiến trường với anh em. Anh cười, và cho biết thêm rằng lúc hơn 2 giờ khuya, một phi hành đoàn của Trung Úy Lưu, Phi Đoàn 233 có bay gần đến vùng này, liên lạc để bốc tôi về Bịnh Viện, nhưng anh từ chối vì an ninh cho cả Đại Đội ban đêm. Đạn và súng cối Việt Cộng sẽ sẵn sàng tấn công vào Đại Đội khi trực thăng đáp xuống rước tôi. Anh đã khước từ nhiều lần mặc dù Trung Úy Lưu khẩn khoản, và rằng Trung Úy Lưu sẽ tắt hết đèn và tắt máy để đáp xuống bất ngờ. Tôi nghe chuyện mà thương cho người đứng đầu chiến tuyến, thương và cảm phục tình chiến hữu trong quân đội, thương Trung Úy Lưu!
Chắc cũng hơn nửa giờ sau thì chiếc M113 dừng lại. Tôi được khiêng ra khỏi xe. Tôi cám ơn các anh kỵ mã can trường. Xe đã lui mà tôi còn nghe lời chúc mau bình phục của họ! Tôi nhìn quanh quan sát, đây là trạm cứu thương giữa chiến trường, Thiếu Tá Bác Sĩ Quân Y nhìn tôi e ngại, thương tình. Lúc đó, trên người tôi chỉ là bùn đen và đất sét ngụy trang mặc dù lúc bơi qua sông chúng đã rơi xuống nước khá nhiều. Tôi chỉ có một chiếc quần lót lẫn màu đất là của con người. Xót xa quá, nên Thiếu Tá vào trong lấy ra một bộ đồ bông màu Thủy Quân Lục Chiến có đính cấp bậc Thiếu Tá và huy hiệu Bác Sĩ Quân Y, và bảo mấy Y Tá chiến trận mặc vào cho tôi! Thú thật, trong bộ đồ của binh chủng anh hùng đó, trông tôi mạnh mẽ hơn lên! Tôi cám ơn nhiều lần, và có ghi nhận là Thiếu Tá Bác Sĩ và binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến can trường còn trẻ quá!
Mặc xong bộ đồ, một xe tải thương đã sẵn sàng để chuyển tôi về nơi an toàn hơn nữa để trực thăng đáp bốc về Bịnh Viện. Xe chạy trên đường đất đỏ có một hàng cây bên trái. Gió buổi sáng len vào thùng xe làm tôi cảm thấy dễ chịu. Có lẽ sau đêm ngủ ngon lành nhiều mơ mộng vui tươi, tôi như có thêm nhiều sức lực. Sức lực có thêm là nhờ tình người, tình đồng đội, tình chiến hữu trong đấu tranh sinh tử có nhau!
Xe cứu thương dừng lại chỗ có tên Ngả Tư Quốc Tế, Lữ Đoàn 147 TQLC. Tôi được khiêng xuống, và xe trở lại Trạm Y Tế Tiền Phương nơi có Thiếu Tá Bác Sĩ mà tôi trong lúc xúc động vui mừng đã không hỏi han danh tánh!
Nằm trên băng ca nơi yên ổn, có người chăm sóc thân mến, lòng tôi rộn ràng nghĩ đến anh em chắc đang chờ gặp tôi! Mắt tôi lơ đãng nhìn bầu trời xanh, cũng lãng đãng mây trắng mà thầm cám ơn Thượng Đế, các đấng Thần Linh đã che chở cho tôi. Cám ơn những đêm mưa đầy sấm sét. Cám ơn người chết nằm giữa đường, xương sọ, xương người trắng hếu. Cám ơn Quân Đội đã sản sanh ra những người chiến hữu sống chết có nhau. Tôi về nơi yên lành mà sau lưng còn bao nhiêu lính trận phải mở mắt to lên, ngày đêm cho dù buồn ngủ đến cay xé! Làm sao đủ từ ngữ để nói lên tinh thần hy sinh cao cả của người lính trận, xả thân vì nước, vì anh em đồng đội, chiến hữu! Phải nói đây là hành động thần thánh, sự thương yêu của anh em ruột thịt, một mẹ trăm con!
Mấy anh lính Thủy Quân Lục Chiến biết tôi, nghe danh tiếng tôi, qua năm tháng phục vụ cho binh chủng này, quen thuộc với một hoa tiêu có nón bay sơn đen ghi chữ “Minh Rừng chết cho Người” ngồi chung quanh băng ca, vui mừng hỏi:
- Trị thương bao lâu Thiếu Úy?
- Vài tháng. Tôi trả lời trong sự lạc quan trước mặt.
- Trở lại bay giúp anh em hở Thiếu Úy? Một anh khẩn khoản.
- Đương nhiên! Nhớ nón bay đen nhé! Một anh lớn tuổi hơn hết, chẳng thấy lon lá gì hỏi:
- Thiếu Úy uống cà phê, sữa hay cơm cháo? Tụi này có sẵn đây! Nghe câu nói chân tình, tôi cảm động siết tay anh và nhờ:
- Anh cho tôi nửa chén nước của mì Quân Tiếp Vụ.
Anh chạy đi lo nấu cho tôi. Mấy anh còn lại hỏi chuyện:
- Mấy ngày qua làm sao mà Thiếu Úy qua mắt được tụi nó? Tụi nó đông lắm Thiếu Úy.
Tôi thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản, như đang ở nhà, chỗ yên vui, cho dù vết thương đang hoành hành xông lên mùi xác chết.
Tôi nhận nửa chén súp mì Quân Tiếp Vụ, khói bay theo gió, ngạt ngào mùi thơm. Tôi đã trở lại với xã hội thật của con Người, có thức ăn của người, có tình tự thương mến. Vị mặn và nóng vào miệng ngon lành không sao tả hết được. Mì Quân Tiếp Vụ có giá trị căn bản, chơn chất, rẻ nhất trong đời. Đó là loại thức ăn nhanh gối đầu quen thuộc cho quân nhân, Sĩ Quan độc thân như tôi.
Chắc vào khoảng 10 giờ, mặt trời lên khá cao, gió Đông Nam nhè nhẹ thổi làm tôi thấy khoan khoái hơn. Lòng tôi như mở hội vui mừng! Nhiều trực thăng của Phi Đoàn 233 chợt hiện đến nghiêng cánh vẩy tay chào, rồi đi hành quân. Một chiếc đáp xuống, anh em Thủy Quân Lục Chiến vội khiêng banca tôi lên trực thăng. Rồi thì chúc mau bình phục vang vang theo gió. Tôi ngoái cổ nhìn xuống mà cảm xúc dâng tràn.
Từ Phòng Hành Quân Đà Nẵng, Thiếu Tá Chính chỉ thị phi hành đoàn rước tôi phải trực chỉ về Phi Đoàn càng nhanh càng tốt, vì khách khứa đông đủ chật cả hangar Phi Đoàn.
Trên đường về Đà Nẵng, anh em tại Huế, Phú Bài muốn nhìn thấy tôi, nên trực thăng ghé xuống Huế, Phú Bài. Anh em, Biệt Đội Tiền Phương, kéo nhau ra bãi đáp chào mừng tôi như kẻ chết sống lại. Ai cũng bắt tay, có người vuốt ngực áo tôi rồi chào “Thiếu Tá Bác Sĩ“ trong tiếng cười vang như mở hội ăn mừng. Thật ấm lòng, những cái bắt tay làm tôi vui mừng khôn tả. Đến lúc trực thăng cất cánh rồi tôi vẫn còn nghe tiếng reo vui phía dưới phi trường! Nhìn qua tôi còn thấy Đại Úy Lô, đứng yên đó vẩy hai tay thương mến.
Từ Huế Phú Bài về Đà Nẵng, khoảng hơn 30 phút bay. Thời gian ngắn đó cũng đủ cho tôi biết được hết về phi hành đoàn của tôi. Cơ Phi Xôm và Xạ Thủ Tuấn được Thuỷ Quân Lục Chiến đưa ra khỏi bãi mìn và gửi về Phi Đoàn. Cả hai đang lo việc chào đón tôi tại Phi Đoàn 233. Thiếu Úy Nguyễn Hàn, không may lúc đêm đen, mò trúng vào bãi mìn của Thủy Quân Lục Chiến, mìn nổ chết! Thiếu Úy Hoa Tiêu Phụ Trịnh Hữu Văn mất tích! Tôi thấy cổ tôi nghẹn ngào, thương cho Văn, rồi tự trách vì tôi mà Văn mất tích! Vì tôi mà cha mẹ Văn chạy đôn đáo tới lui! Bổn phận, Danh Dự nào cho nguôi ngoai tình cảnh chúng tôi đây? Văn đã chết hay bị Việt Cộng bắt rồi?
Trực thăng hướng về Nam, qua khỏi đèo Hải Vân có gió nhồi qua đỉnh núi, cao độ giảm dần, rồi được ưu tiên bay vào thẳng Phi Đạo 233. Tôi ngó qua thấy bà con, anh em chờ đông quá. Hình ảnh xôn xao đó làm tôi quên ý nghĩ về Thiếu Úy Văn. Tôi thấy đầy đủ Sĩ Quan, văn phòng của Không Đoàn 51 Chiến Thuật, và Phi Đoàn 233. Gương mặt ai cũng mừng vui rạng rỡ làm tôi quên rằng tôi không thể bước được bước nào. Tôi nằm trên banca đưa tay bắt từng người, từng người.
Chen vào khiêng banca, tôi nghe tiếng Chú Ba, và nhận ra là Trung Sĩ Yêm, cháu rể của chị Năm, em của anh Ba nhà kế bên nhà ngoại lúc tôi học lớp Ba, Tiểu Học Gò Dầu Hạ. Yêm cho biết suốt đêm qua không ai ngủ cả. Ai cũng chờ Trung Úy Lưu rước Chú Ba về. Rốt cuộc Thủy Quân Lục Chiến không cho, vì mấy ổng sợ bị pháo và sợ súng cối bắn vào! Yêm cho biết sáng nay những bàn thờ để ra trước cửa cầu nguyện cho Chú Ba ở trại gia binh mới dẹp vô. Và rằng ai cũng van vái cho Chú Ba.
Mọi người thắc mắc sao lại là Thiếu Tá Bác Sĩ Thủy Quân Lục Chiến? Khi chuyển tôi qua xe cứu thương của Bịnh Viện 95 Dã Chiến Hoa Kỳ, nhiều người còn chạy theo chào mừng Thiếu Úy, chào mừng thầy giáo. Trong năm 1971-1972 tôi có mở lớp, và đích thân dạy Luyện Thi Tú Tài I cho 47 Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ của Sư Đoàn. Tất cả đã đỗ Tú Tài I, nên có nhiều gia đình học trò thương mến lắm.
Bấy giờ xe cứu thương chạy qua cổng Bịnh Viện 95, tôi thấy lính Quân Cảnh Mỹ mở cửa nhìn tôi, rồi đóng cửa xe lại. Sau đó, xe vào và dừng lại cửa Cứu Cấp. Banca của tôi được khiêng xuống và chở vào Phòng Chẩn Bịnh. Thiếu Tá Bác Sĩ James Greenbergs, đứng trước các dương bản chụp xương háng, xương đùi của tôi, Thiếu Tá Chính có mặt bên cạnh, bàn bạc phương cách phẫu thuật.
Chuyển tôi vô phòng mổ, qua, mấy giờ đầy những sinh hoạt đầy ấp những vui tươi, triều mến, tôi đã mệt lả người. Nên tôi nhắm mắt để mặc cho Bác Sĩ và Y Tá làm gì thì làm. Tôi nhắm mắt sau đó đi vào giấc ngủ vùi.
Tối hôm đó, tôi tỉnh dậy, nằm trên giường bịnh vải bao trắng xóa. Tôi thấy có cái gì cộm cộm dưới lưng trên xương đùi. Tôi nhận ra ngay là việc mổ đã xong! Một Trung Sĩ Mỹ phụ trách cho tôi thường lui tới hỏi han. Anh này khi muốn thay băng, hay lau thân tôi, câu đầu tiên anh nói là: “Anh Hùng của tôi” (My hero!).
Hình Nữ Quân Nhân Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam.
Sau đó, một nữ Y Tá người Việt được chỉ định chăm sóc cho tôi. Thân tôi là thân đất, nên nhà thương phải lau rửa luôn luôn! Nhờ đó tôi được sạch sẽ và thơm tho lắm. Cám ơn Bịnh Viện 95 Dã Chiến Hoa Kỳ! Cám ơn em Y Tá mà tôi chưa từng biết tên, người xứ Quảng.
Những tháng ngày tháng 10, năm 1972 Việt Cộng tăng cường pháo kích vào phi trường Đà Nẳng. Bịnh Viện kế bên phi trường cũng chung số phận. Bác Sĩ và Y Tá mỗi khi bị pháo kích phải chạy lo cho bịnh nhân an toàn trước tiên. Tôi được che chắn bởi các mảnh áo giáp rất kỹ lưỡng và an toàn!
Tôi lại nghĩ đến sự an nguy của các vị Bác Sĩ và Y Tá Hoa Kỳ! Những người này có phải mình đồng da sắt hay không? Khi Việt Cộng pháo kích các vị nầy phải lo cho người khác, phải quên mình. Đó, hành động đó, tinh thần đó từ đâu mà có? Cám ơn những người Mỹ cao thượng lo cho người, hy sinh cho đời! Các anh xứng đáng làm Người, con người giúp đời, không màng sự chê bai của người khác. Thói thường, không làm được việc cao thượng thì thường hay chỉ trích những ai làm việc cao thượng!
Hình một Y Tá cũng phục vụ trong Bịnh Viện Hoa Kỳ, đến năm 1976 có chồng là tôi, rồi sau đó trở thành “Chuyên Viên” nuôi người chồng Tù “Trốn Học Tập Cải Tạo” cũng là tôi!
Những người cao thượng trên cỏi đời này, những người Hoa Kỳ cao thượng quý mến ơi! Tôi mang ơn các anh, các chị. Tôi chỉ xin có dịp Vinh Danh các anh. Tôi còn nhớ Thiếu Tá Bác Sĩ James Greenbergs, 1972-1973, người của Tiểu Bang Wisconsin, Hoa Kỳ. Ông này mời tôi đến nhà ông khi có dịp. Nhưng nay có dịp thì lại không có địa chỉ nhà ông! Ông Greenbergs ơi! Nếu Ông đã qua đời, xin Ông hiểu cho lòng tôi, tôi còn hình dáng hai chân tự nhiên là nhờ Ông! Ông giữ công đầu trong việc giải phẩu và nuôi sống trở lại chân bên phải của tôi! Nếu không phải là Ông thì tôi phải mất đi một chưn đứng rồi! Do đó, dòng đời dạy tôi rằng tôi nợ những người Mỹ cao thượng nhiều lắm, tôi nợ mọi người, nợ quê hương tôi và cây cỏ cùng mang số phần nghiệt ngả như tôi!
Trích Tập Truyện LÁ RỪNG của Phước Hiệp Đỗ Minh Đức
( Biên Hùng chuyển )