Truyện Ngắn & Phóng Sự
TÔI ĐI ĐỂ LẠI TRƯỜNG XƯA
Ôi! Trường ta tang thương! Theo vận nước nhiễu nhương! Bạn bè năm cũ giờ đâu cả? Ðã dạt về đâu mấy nẻo đường?”
Thưa mới đây ông Chủ bút kêu réo um sùm: “Anh Thu ơi! Có bạn học của anh kiếm kìa!” “ Ðứa nào vậy cà?”
Thì ra Bùi Quang Long, đã đi Mỹ du học từ năm 1970, lúc mới vừa đậu Tú tài hai, tìm lại tui, là thằng bạn đồng song của nó.
Ðã 53 năm! Thiệt là chớp mắt! Thiệt là bóng câu qua cửa sổ! Vậy mà bạn học cũ vẫn còn tìm! Thiệt là bùi ngùi cảm động à nhe!
Ôi nhớ xưa! Muốn vào học trường Petrus Ký là đám học trò phải qua một kỳ thi tuyển cũng lắm gian nan! Bốn, năm ngàn sĩ tử, chưa tới 500 đứa còn sống sót.
Bài thi gồm 3 môn: Toán quan trọng nhất, hệ số 3, Văn hệ số 2 và Câu hỏi Thường thức hệ số 1.
Bài tủ về môn Toán thường là động tử. Nghĩa là xe chạy. Xe chạy phải hai chiếc, chạy cùng chiều, hoặc chạy ngược chiều. Cho vận tốc mỗi xe rồi tính thời điểm gặp nhau, tính quãng đường hai xe chạy được… đại khái là thế. Cùng chiều, rượt đuổi nhau thì đường dài chia hiệu số hai vận tốc. Còn chạy ngược chiều thì lấy đường dài chia cho tổng số hai vận tốc là ra thời gian hè!
Ðứa nào thông minh giỏi toán, làm trúng hết hai bài, là phẻ re như con bò kéo xe, chỉ có việc ngồi rung đùi, đậu chắc trăm phần trăm. Còn nếu trúng chỉ một bài, còn bài thứ hai trúng lớt lớt như phớt thuốc đỏ thì phải nhờ bài Luận văn hoặc Câu hỏi Thường thức kéo lên cho khỏi xệ. Bài Luận văn thì khó dàng trời mây đi. Mới 11, 12 tuổi đầu mà quý Thầy ra đề thi kêu tụi em bình luận lời của Ngô Tổng thống là mấy em chết cửa tứ.
Thưa cái năm đó, thằng đậu hạng bét là được 45 điểm cho ba môn.
Ðứa đậu hạng nhứt, tức Thủ khoa, được tới 81 điểm, gần gấp đôi thằng đậu hạng bét. Tên nó là Âu Dương Khoát, sau được xếp vào chung lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963 với tui đó nha!
Nhớ ngày đi dò kết quả, tui và thằng anh chen vào cái bảng điểm, che bằng mắt cáo, đề phòng đứa nào rớt, quạu, xé, là hết coi luôn!
Bên trong mắt cáo dán chừng 15 tờ giấy đánh máy danh sách thí sinh trúng tuyển, gồm số ký danh, họ tên, ngày tháng năm sanh, điểm, và thứ hạng của thí sinh.
Biết thân mình học dở ẹc nên tui cắm đầu dò từ dưới dò lên! Chớ đời em hổng dám mơ mộng gì đâu?!
Dò lần lần lên hoài mà hổng thấy tên mình. Chắc tui trợt vỏ chuối rồi quá?
Ai dè thằng anh tui la lên: “Tên mầy nè, 56 điểm, đậu hạng 176! Má mình vui lắm đó! Mầy mà rớt, Má hổng có tiền cho mầy đi học trường tư đâu!”
Bữa đó, Tía tui dắt hai anh em tui vinh quy bái tổ ở cái xe bán bò vò viên gần rạp hát Ðại Ðồng! Tía móc túi cho năm chục đồng để tân khoa ngồi xơi ‘đại yến’!
Mỗi đứa một chén bò vò viên, mỗi chén 5 đồng. Số tiền còn lại, hai anh em dung dăng, dung dẻ, dắt nhau ngược đường Cao Thắng, lên gần tới đường Trần Quý Cáp, rạp Việt Long, để coi phim ò e Ro Be đánh đu, Tazan nhảy dù, Zoro bắn súng…
Gần tới ngày tựu trường còn được Má dắt ra ông thợ may trong xóm chợ Hai Mươi, góc ngã tư đường Phan Thanh Giản và Cao Thắng, may cho hai cái áo sơ mi tay ngắn và hai cái quần ka ki xanh, và mua cho một đôi dép da của hãng Bata… (Vì trường Petrus Ký không cho học trò mang dép Nhựt lẹp xẹp coi nó hổng có oai!). Ðóng bộ vô trông rất oách!
Vậy là giã từ cái quần xà lỏn, có mang theo hai quả lắc đồng hồ bé tí teo, đi học trường Tiểu học Bàn Cờ trong Cư xá Ðô Thành rồi đó nhe. Tui chuẩn bị làm người lớn!
Và 9, 10 năm sau đó, từ khi tui thôi học, từ khi tui khoác áo trây-di (treillis), lạc về vùng quê Hốc Bà Tó, rồi thiên duyên tiền định gặp em yêu, tức má đám con tui bây giờ, tui từng ‘nổ’ tơi bời với em là: “Ðừng thấy anh dở mà rầu! Ðã từng đi học trường (đứng) đầu Miền Nam đó nhe!”
Làm con vợ tui nó há hốc mồm kinh ngạc: vì lẽ tại sao anh yêu trông lù khù mà lại hổng có ngu… như em hằng tưởng?!
Rồi mấy hôm nay, mấy đứa cùng lớp năm xưa, kêu gào bay về họp mặt lớp cũ trường xưa bên Mỹ (chớ hổng phải Mỹ Tho!). Có đứa đề nghị ‘sảng’ là bay về họp mặt ngay tại trường xưa ở đường Cộng Hòa đối diện thành Ô Ma mới được.
Thì đứa khác hổng chịu nói: “Khi nào cái trường mình lấy lại tên P. Trương Vĩnh Ký thì tao về. Bằng không? ‘Nô quê!’ (No way!)!”
Ngô Văn Trí, Liên toán trưởng ngày xưa, chắc khoái chơi và sưu tầm đồ cổ, gởi cho toàn thể đám học trò danh sách lớp Tứ 5, niên khóa1966, bị gián cắn rìa giấy lổm nhổm hết trơn, cộng với hơi ẩm trong không khí làm chữ bằng viết Bic, bút nguyên tử, cũng tèm lem tuốt luốt, nhưng may mắn thay, đeo kiếng lão vô, vẫn còn đọc được!
Mai mốt mình lấy lại được cái trường xưa, tui sẽ đem cái danh sách nầy lộng kiếng (chớ không phải liệng cống), chưng trong phòng Truyền thống của Trường P. Trương Vĩnh Ký để nhát mấy đứa con nít học sau mình chừng một thế kỷ chơi!
Bồi hồi đọc cái danh sách mà đầu têu là tên Liên toán trưởng Ngô Văn Trí nầy, thì ký ức như một cuồn phim cũ, tưởng đã mờ phai theo năm tháng, lại hiện về khiến tui cũng rưng rưng nước mắt.
Nhớ thầy Chung Hữu Thế, dạy Anh văn, lớp Ðệ thất 5, định cư ở Canada, vừa quá vãng!
Nhớ Thầy rầy (sau khi mấy ông Mỹ, bên USAID, đến dự giờ dạy Anh Văn của Thầy ra về rồi): “Cái thằng Thu nầy… có chữ ‘young’ mà đọc năm lần bảy lượt cũng không xong!”
Em xin cám ơn Thầy đã tế nhị, không nỡ làm quê mặt em với khách đến viếng lớp mình!
Thưa mất Sài Gòn, mất miền Nam, mất trường P. Trương Vĩnh Ký là thầy trò, bạn bè tui tản lạc khắp năm châu, bèo dạt hoa trôi theo vận nước. Nhưng cũng có đứa mới 19, 20 đã ở lại quê hương mãi mãi cũng vì vận nước. Ðó là trò Châu Minh Nhạn, khoái ca hát, nên tụi tui bầu nó làm trưởng ban Văn nghệ lớp!
Nhạn đi khóa 3/72 SQTB TÐ (khăn xanh) đại đội 34 trong đợt tổng động viên mùa hè đỏ lửa năm 72.
“Châu Minh Nhạn là người lạc quan, yêu đời, thường ca, nhạc chế, bài “Where do I begin do” của Andy Williams hát trong phim Love Story do Erich Segal viết kịch bản.
“Where do I begin/To tell the story of how great a love can be…”
“Bởi bà già rắc rối, cuộc tình rối rắm, ôi biết nói gì, thì đành nói dối…”.
Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình mà bi thảm thay Châu Minh Nhạn lại tử trận ngay những ngày đầu đi chiến dịch, khi hãy còn quá trẻ!
“Nhạn cùng ông trưởng ấp và hai người lính nghĩa quân đi trên ghe máy vào xóm. Khi ghe qua một đám dừa nước rậm rạp thì bị VC phục kích ném lựu đạn lên ghe, rồi thêm hàng loạt đạn AK bắn xối xả. Bốn người trên ghe đều tử trận!”
Thưa những người bạn học của một thời niên thiếu, đẹp như hoa mộng đó và sau một cuộc biển dâu nầy mà giờ đứa nào may mắn còn sống sót thì cũng đều già cả hết rồi.
Thế nên dẫu chân Trời góc biển nào đó thì tụi tui cũng phải ráng lò dò hay lò cò bay về mà tề tựu một lần sau chót chớ!
Tui sẽ mang theo một chai rượu ông già chống gậy (Vì tui cũng đã quá già rồi dù gậy chưa có chống!).
Trước là tế tửu quý Thầy Cô ngày cũ, đã quá vãng, sau để rót xuống cho bạn hiền Châu Minh Nhạn, người đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời vừa mới chớm đôi mươi, hy sinh cho cuộc chiến đấu vì tự do của miền Nam mình.
Ôi Trường xưa! Cho tui xin chịu lỗi nhe! Tui nỡ bỏ ra đi cũng vì phần số thế thôi!
Dẫu vậy, trong trái tim nầy, ở phần sâu thẳm nhất, vẫn còn những hình ảnh cũ của trường xưa, của bạn bè năm cũ, từ giờ tới chết, cũng không thể nào quên!
DXT – Melbourne
( Báo Trẻ )
TÔI ĐI ĐỂ LẠI TRƯỜNG XƯA
Ôi! Trường ta tang thương! Theo vận nước nhiễu nhương! Bạn bè năm cũ giờ đâu cả? Ðã dạt về đâu mấy nẻo đường?”
Thưa mới đây ông Chủ bút kêu réo um sùm: “Anh Thu ơi! Có bạn học của anh kiếm kìa!” “ Ðứa nào vậy cà?”
Thì ra Bùi Quang Long, đã đi Mỹ du học từ năm 1970, lúc mới vừa đậu Tú tài hai, tìm lại tui, là thằng bạn đồng song của nó.
Ðã 53 năm! Thiệt là chớp mắt! Thiệt là bóng câu qua cửa sổ! Vậy mà bạn học cũ vẫn còn tìm! Thiệt là bùi ngùi cảm động à nhe!
Ôi nhớ xưa! Muốn vào học trường Petrus Ký là đám học trò phải qua một kỳ thi tuyển cũng lắm gian nan! Bốn, năm ngàn sĩ tử, chưa tới 500 đứa còn sống sót.
Bài thi gồm 3 môn: Toán quan trọng nhất, hệ số 3, Văn hệ số 2 và Câu hỏi Thường thức hệ số 1.
Bài tủ về môn Toán thường là động tử. Nghĩa là xe chạy. Xe chạy phải hai chiếc, chạy cùng chiều, hoặc chạy ngược chiều. Cho vận tốc mỗi xe rồi tính thời điểm gặp nhau, tính quãng đường hai xe chạy được… đại khái là thế. Cùng chiều, rượt đuổi nhau thì đường dài chia hiệu số hai vận tốc. Còn chạy ngược chiều thì lấy đường dài chia cho tổng số hai vận tốc là ra thời gian hè!
Ðứa nào thông minh giỏi toán, làm trúng hết hai bài, là phẻ re như con bò kéo xe, chỉ có việc ngồi rung đùi, đậu chắc trăm phần trăm. Còn nếu trúng chỉ một bài, còn bài thứ hai trúng lớt lớt như phớt thuốc đỏ thì phải nhờ bài Luận văn hoặc Câu hỏi Thường thức kéo lên cho khỏi xệ. Bài Luận văn thì khó dàng trời mây đi. Mới 11, 12 tuổi đầu mà quý Thầy ra đề thi kêu tụi em bình luận lời của Ngô Tổng thống là mấy em chết cửa tứ.
Thưa cái năm đó, thằng đậu hạng bét là được 45 điểm cho ba môn.
Ðứa đậu hạng nhứt, tức Thủ khoa, được tới 81 điểm, gần gấp đôi thằng đậu hạng bét. Tên nó là Âu Dương Khoát, sau được xếp vào chung lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963 với tui đó nha!
Nhớ ngày đi dò kết quả, tui và thằng anh chen vào cái bảng điểm, che bằng mắt cáo, đề phòng đứa nào rớt, quạu, xé, là hết coi luôn!
Bên trong mắt cáo dán chừng 15 tờ giấy đánh máy danh sách thí sinh trúng tuyển, gồm số ký danh, họ tên, ngày tháng năm sanh, điểm, và thứ hạng của thí sinh.
Biết thân mình học dở ẹc nên tui cắm đầu dò từ dưới dò lên! Chớ đời em hổng dám mơ mộng gì đâu?!
Dò lần lần lên hoài mà hổng thấy tên mình. Chắc tui trợt vỏ chuối rồi quá?
Ai dè thằng anh tui la lên: “Tên mầy nè, 56 điểm, đậu hạng 176! Má mình vui lắm đó! Mầy mà rớt, Má hổng có tiền cho mầy đi học trường tư đâu!”
Bữa đó, Tía tui dắt hai anh em tui vinh quy bái tổ ở cái xe bán bò vò viên gần rạp hát Ðại Ðồng! Tía móc túi cho năm chục đồng để tân khoa ngồi xơi ‘đại yến’!
Mỗi đứa một chén bò vò viên, mỗi chén 5 đồng. Số tiền còn lại, hai anh em dung dăng, dung dẻ, dắt nhau ngược đường Cao Thắng, lên gần tới đường Trần Quý Cáp, rạp Việt Long, để coi phim ò e Ro Be đánh đu, Tazan nhảy dù, Zoro bắn súng…
Gần tới ngày tựu trường còn được Má dắt ra ông thợ may trong xóm chợ Hai Mươi, góc ngã tư đường Phan Thanh Giản và Cao Thắng, may cho hai cái áo sơ mi tay ngắn và hai cái quần ka ki xanh, và mua cho một đôi dép da của hãng Bata… (Vì trường Petrus Ký không cho học trò mang dép Nhựt lẹp xẹp coi nó hổng có oai!). Ðóng bộ vô trông rất oách!
Vậy là giã từ cái quần xà lỏn, có mang theo hai quả lắc đồng hồ bé tí teo, đi học trường Tiểu học Bàn Cờ trong Cư xá Ðô Thành rồi đó nhe. Tui chuẩn bị làm người lớn!
Và 9, 10 năm sau đó, từ khi tui thôi học, từ khi tui khoác áo trây-di (treillis), lạc về vùng quê Hốc Bà Tó, rồi thiên duyên tiền định gặp em yêu, tức má đám con tui bây giờ, tui từng ‘nổ’ tơi bời với em là: “Ðừng thấy anh dở mà rầu! Ðã từng đi học trường (đứng) đầu Miền Nam đó nhe!”
Làm con vợ tui nó há hốc mồm kinh ngạc: vì lẽ tại sao anh yêu trông lù khù mà lại hổng có ngu… như em hằng tưởng?!
Rồi mấy hôm nay, mấy đứa cùng lớp năm xưa, kêu gào bay về họp mặt lớp cũ trường xưa bên Mỹ (chớ hổng phải Mỹ Tho!). Có đứa đề nghị ‘sảng’ là bay về họp mặt ngay tại trường xưa ở đường Cộng Hòa đối diện thành Ô Ma mới được.
Thì đứa khác hổng chịu nói: “Khi nào cái trường mình lấy lại tên P. Trương Vĩnh Ký thì tao về. Bằng không? ‘Nô quê!’ (No way!)!”
Ngô Văn Trí, Liên toán trưởng ngày xưa, chắc khoái chơi và sưu tầm đồ cổ, gởi cho toàn thể đám học trò danh sách lớp Tứ 5, niên khóa1966, bị gián cắn rìa giấy lổm nhổm hết trơn, cộng với hơi ẩm trong không khí làm chữ bằng viết Bic, bút nguyên tử, cũng tèm lem tuốt luốt, nhưng may mắn thay, đeo kiếng lão vô, vẫn còn đọc được!
Mai mốt mình lấy lại được cái trường xưa, tui sẽ đem cái danh sách nầy lộng kiếng (chớ không phải liệng cống), chưng trong phòng Truyền thống của Trường P. Trương Vĩnh Ký để nhát mấy đứa con nít học sau mình chừng một thế kỷ chơi!
Bồi hồi đọc cái danh sách mà đầu têu là tên Liên toán trưởng Ngô Văn Trí nầy, thì ký ức như một cuồn phim cũ, tưởng đã mờ phai theo năm tháng, lại hiện về khiến tui cũng rưng rưng nước mắt.
Nhớ thầy Chung Hữu Thế, dạy Anh văn, lớp Ðệ thất 5, định cư ở Canada, vừa quá vãng!
Nhớ Thầy rầy (sau khi mấy ông Mỹ, bên USAID, đến dự giờ dạy Anh Văn của Thầy ra về rồi): “Cái thằng Thu nầy… có chữ ‘young’ mà đọc năm lần bảy lượt cũng không xong!”
Em xin cám ơn Thầy đã tế nhị, không nỡ làm quê mặt em với khách đến viếng lớp mình!
Thưa mất Sài Gòn, mất miền Nam, mất trường P. Trương Vĩnh Ký là thầy trò, bạn bè tui tản lạc khắp năm châu, bèo dạt hoa trôi theo vận nước. Nhưng cũng có đứa mới 19, 20 đã ở lại quê hương mãi mãi cũng vì vận nước. Ðó là trò Châu Minh Nhạn, khoái ca hát, nên tụi tui bầu nó làm trưởng ban Văn nghệ lớp!
Nhạn đi khóa 3/72 SQTB TÐ (khăn xanh) đại đội 34 trong đợt tổng động viên mùa hè đỏ lửa năm 72.
“Châu Minh Nhạn là người lạc quan, yêu đời, thường ca, nhạc chế, bài “Where do I begin do” của Andy Williams hát trong phim Love Story do Erich Segal viết kịch bản.
“Where do I begin/To tell the story of how great a love can be…”
“Bởi bà già rắc rối, cuộc tình rối rắm, ôi biết nói gì, thì đành nói dối…”.
Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình mà bi thảm thay Châu Minh Nhạn lại tử trận ngay những ngày đầu đi chiến dịch, khi hãy còn quá trẻ!
“Nhạn cùng ông trưởng ấp và hai người lính nghĩa quân đi trên ghe máy vào xóm. Khi ghe qua một đám dừa nước rậm rạp thì bị VC phục kích ném lựu đạn lên ghe, rồi thêm hàng loạt đạn AK bắn xối xả. Bốn người trên ghe đều tử trận!”
Thưa những người bạn học của một thời niên thiếu, đẹp như hoa mộng đó và sau một cuộc biển dâu nầy mà giờ đứa nào may mắn còn sống sót thì cũng đều già cả hết rồi.
Thế nên dẫu chân Trời góc biển nào đó thì tụi tui cũng phải ráng lò dò hay lò cò bay về mà tề tựu một lần sau chót chớ!
Tui sẽ mang theo một chai rượu ông già chống gậy (Vì tui cũng đã quá già rồi dù gậy chưa có chống!).
Trước là tế tửu quý Thầy Cô ngày cũ, đã quá vãng, sau để rót xuống cho bạn hiền Châu Minh Nhạn, người đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời vừa mới chớm đôi mươi, hy sinh cho cuộc chiến đấu vì tự do của miền Nam mình.
Ôi Trường xưa! Cho tui xin chịu lỗi nhe! Tui nỡ bỏ ra đi cũng vì phần số thế thôi!
Dẫu vậy, trong trái tim nầy, ở phần sâu thẳm nhất, vẫn còn những hình ảnh cũ của trường xưa, của bạn bè năm cũ, từ giờ tới chết, cũng không thể nào quên!
DXT – Melbourne
( Báo Trẻ )